- Theo Trí Thức Trẻ | 13/10/2016 0:00 AM
Không giống như những "Creepypasta" hiện đại liên quan đến game như Slenderman, thứ vốn được nghĩ ra bằng chính trí tưởng tượng của con người và về sau được chuyển thể thành game, hoặc cuộn băng Pokemon ma ám nhưng không một ai biết chắc chắn nó có thật hay không, cỗ máy điện tử xèng Polybius là một "urban legend", nghĩa là một truyền thuyết được đồn thổi trong cộng đồng từ rất lâu, y hệt như Bloody Mary hay chiếc bảng Ouija "ma ám" vậy.
Và chính vì việc nó tồn tại từ trước cả khi internet có mặt, nên rất nhiều người tin vào sự tồn tại của chiếc máy chơi game khủng khiếp này. Ngay cả những trang tin chính thống cũng nói về truyền thuyết cứ đọc là lạnh sống lưng, đi kèm với đó là dòng chữ "thông tin chưa được kiểm chứng". Chính việc chưa được kiểm chứng chứ không phải khẳng định chắc như đinh đóng cột là "sản phẩm của trí tưởng tượng con người".
Những câu chuyện người đời kể lại, tại vùng ngoại ô Portland, Oregon, Mỹ vào năm 1981, sau khi đến trung tâm thương mại chơi thử một trò chơi mới toanh mang tên Polybius, tất cả về nhà và phát hiện ra họ cùng chịu đựng những triệu chứng như khó ngủ, gặp ác mộng, căng thẳng, hay quên,... Và thậm chí một số người còn ghi nhận được những kẻ hành tung mờ ám đến đứng trước máy Polybius và thu thập một vài thứ gì đó rồi nhanh chóng rời đi.
Đến 1 tháng sau khi tựa game này ra mắt tại các trung tâm thương mại, nó bất ngờ biến mất không một dấu vết.
Vào ngày 03/08/1998, một bài viết trên trang coinop.org, một trang web dành cho những người mê điện tử xèng bất ngờ xuất hiện và mô tả chi tiết tựa game đáng sợ này. Những câu chuyện được mô tả giống như Polybius là một thử nghiệm của chính phủ trong dự án tuyệt mật mang tên MK Ultra, vốn là một nỗ lực trong việc tìm hiểu, điều khiển và tẩy não con người của CIA.
Thứ rùng rợn nhất lại chính là tên của hãng tạo ra tựa game này: Sinneslöschen. Trong tiếng Đức, Sinnes có nghĩa là giác quan, còn löschen có nghĩa xóa bỏ. Hai cụm từ này đặt cạnh nhau cũng khiến không ít người sợ hãi.
Mỗi người nói một cách khác nhau, và dần dà Polybius trở thành một truyền thuyết khiến không ít người phải lạnh gáy mỗi khi nghĩ lại.
Thế nhưng một nhà văn Mỹ, Brian Dunning lại có cách nghĩ khác. Polybius giống như một tác phẩm của trí tưởng tượng, dựa trên những sự kiện có thật tại Portland cũng trong năm 1981. Hai game thủ đã chơi game quá nhiều. Một người chơi Tempest và bị hình ảnh của game đánh gục. Người này ngất đi và bị đau đầu dữ dội vì không chịu được những hình ảnh trên màn hình. Một người khác thì đau dạ dày dữ dội sau khi chơi liên tục trò Asteroids 28 tiếng đồng hồ để phá kỷ lục.
Và những kẻ có hành tung mờ ám kia chẳng ai khác chính là những điều tra viên FBI tới những trung tâm chơi điện tử xèng để điều tra nghi án một số nơi cho phép đánh bạc trái phép. Và thế là, hai sự kiện có thật kia đã trở thành tiền đề để Polybius trở thành sự thật trong trí tưởng tượng của bao nhiêu người.