Lại nói về đồ họa game, thứ quyết định 90% game có được người Việt yêu thích hay không

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 19/12/2016 0:00 AM

Cùng với gameplay dần được hoàn thiện và nâng cao trải nghiệm qua thời gian, bản thân đồ họa cũng chính là một thước đo sự phát triển của game đương đại.

Bạn đã được nghe những câu nói của các anh chàng cô nàng game thủ Việt Nam cũng như nước ngoài rất rất nhiều lần rồi: "Game này đẹp thế? Chắc chơi hay lắm đây", "Game không đẹp thì đừng hòng tôi chơi", "Hình phải đẹp chứ không thì còn gọi gì là game?"

Tranh cãi về đồ họa đã diễn ra trong rất nhiều tựa game, nhiều thế hệ và hàng loạt cỗ máy chơi game lẫn máy tính trong suốt thời kỳ đỉnh cao nơi giải trí tương tác tỏa sáng và làm lu mờ rất nhiều bộ môn nghệ thuật giải trí khác. Cùng với gameplay dần được hoàn thiện và nâng cao trải nghiệm qua thời gian, bản thân đồ họa cũng chính là một thước đo sự phát triển của game đương đại.

Bất chấp khó khăn về mặt phần cứng tới đâu đi chăng nữa, chúng ta có thể cùng đồng ý với nhau một điều, đó chính là các nhà làm game cũng rất cố gắng để tạo ra những bộ cánh hình ảnh mượt mà, đẹp mắt và thu hút cái nhìn của người chơi nhất có thể. Bởi vì, dù gì đi chăng nữa, chúng ta cũng đều là những sinh vật yêu cái đẹp mà. Game đẹp kiểu gì chẳng được quan tâm đầu tiên, sau đó mới đến lượt những game indie "xấu mù", mà bản thân game indie cũng phải có cách chơi tuyệt hay và cực cuốn mới được để ý, còn không thì cứ chấp nhận mang phận bị ghẻ lạnh trước những bom tấn.

"Đẹp thì lúc nào cũng thích hơn chứ"

Đã nói đến game đẹp, thì việc bỏ qua The Witcher 3 sẽ là một lỗi lầm tương đối lớn. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, tuyệt phẩm của CD Projekt Red là tựa game có bộ cánh hình ảnh đẹp nhất cho tới thời điểm này. Thế giới rộng lớn, chi tiết đến từng cành cây, ngọn cỏ, đến cả những vùng đất nơi chỉ còn lại tro tàn đen kịt cũng ấn tượng tới mức toát lên được sự đáng sợ của chiến tranh mỗi nơi nó lướt qua tàn phá.

Thậm chí mẹ tôi, vốn chẳng ưa gì game, cũng phải mắt tròn mắt dẹt khi biết "đây không phải là phim, mà là game đấy". Đó các bạn ạ, một khi game đã đủ đẹp đến ngưỡng được coi là tuyệt phẩm, thì đến cả những người chẳng quan tâm gì tới game cũng sẽ để ý mà thôi.

Rồi đến lượt Square Enix hồi đầu năm cũng "chơi tất tay" với Rise of the Tomb Raider. Ngay màn chơi đầu tiên, bạn nghẹt thở đứng nhìn rặng núi với tuyết trắng, từng bước chân của Lara Croft in hằn xuống nền tuyết, cùng cơn bão đang tới rất gần. Khi đó bạn giật mình nhận ra, công nghệ hình ảnh của game đang tiệm cận CGI của phim ảnh, đem tới cho bạn những khung hình đẹp đến há hốc mồm chứ không chỉ là những đa giác vô hồn của chục năm về trước.

Đẹp là tiêu chuẩn!

Như tiêu đề, dám chắc chắn rằng một tựa game có đồ họa đẹp sẽ quyết định đến 90% việc người Việt Nam có quan tâm và thưởng thức chúng hay không. Việc mê game đẹp đã từ một trong những khía cạnh đánh giá chất lượng một tựa game, trở thành điều kiện tiên quyết để game đó có thành công hay không.

Một thực tế không thể chối bỏ được, đó chính là việc game thủ Việt đang quá bị cuốn hút vào những tựa game với nền tảng đồ họa ấn tượng, nặng nề trên máy tính. Họ coi đó là mục tiêu mình phải chinh phục, chứ không còn coi game là sản phẩm giải trí sau những giờ phút học tập lao động mệt nhọc nữa.

Suy cho cùng, việc cố gắng chinh phục những game nặng, đồ họa đẹp và chụp ảnh khoe lên Facebook những tấm screenshot đẹp như mơ, đối với một số game thủ Việt chính là thứ mô tả bản tính hiếu thắng của họ.

Tôi đã từng thấy có những cậu bé khoe khoang máy tính nhà mình, những cỗ máy bố mẹ mua để "phục vụ học tập" chơi được game này game kia, và sau đó là cười khoái trá khi biết chỉ mình mình chơi nổi tựa game đó ở thiết lập đồ họa cao nhất. Đôi khi thậm chí họ còn chẳng cần quan tâm cốt truyện của game, thứ mà nhà làm game đã dày công khai thác và sáng tác để phục vụ game thủ. Đối với họ, game đẹp đồng nghĩa với game hay.

Game vốn là thứ để chia sẻ, để bàn luận, chứ không phải một cái mốc để cố gắng dùng tiền vươn tới những thiết lập đồ họa cao, ít nhất là ở trường hợp của các game thủ chứ không phải những người đánh giá sản phẩm phần cứng cũng như những overclocker luôn muốn chinh phục những con số xung nhịp không ai dám mơ tưởng tới.

Ấy là nói về game đẹp. Giờ đây, chỉ cần lên bất kỳ group những người thích chơi game nào cũng có thể thấy những người khoe những tấm screenshot mà cũng phải công nhận là ấn tượng chỉ với mục đích kiếm like và những sự "nể phục" từ người chơi game. Thứ họ thực sự cần không phải là chia sẻ cho những game thủ khác mà là những câu comment như "Máy bác khỏe quá", "Thích thế", vân vân và mây mây...

Những kẻ "quê mùa hoài cổ" còn sót lại

Quay trở lại với bản thân tôi. Máy tính của tôi, tự tin mà nói, thì chẳng thua kém những dàn máy nào cả. Nó đủ sức chiến mọi game đỉnh mới ra ở thiết lập đồ họa cao. Nếu gọi là khoe của thì tôi cũng không dám chối, nhưng hầu hết thời gian, cỗ máy của tôi bị lôi ra hoạt động hết công suất âu cũng để đem tới cho các bạn độc giả những hình ảnh chân thực, ấn tượng nhất của những tựa game mới ra mắt thời gian qua, một điều mà ai cũng mong muốn mà thôi.

Nhưng sau đó, nếu tựa game chỉ đẹp mà cách chơi không có gì sáng tạo đột phá, tôi cũng rất chóng chán. Hai tựa game được xếp vào loại "đẹp" gần đây nhất thu hút sự chú ý của bản thân tôi, lôi cuốn từ đầu đến cuối, đáng buồn thay lại ra mắt gần 1 năm về trước, đó chính là Fallout 4 và Metal Gear Solid V. Ngoài ra, hầu hết những game PC mới đều có gì đó nhàm chán so sánh với những game indie ấn tượng mới ra mắt thời gian hè vừa rồi.

Một người đồng nghiệp khác của tôi thì chỉ thích những game mobile được làm với đồ họa 2D, những mô hình vật thể, nhân vật đầy răng cưa gợi nhớ thời kỳ 8 bit xưa cũ với đầy những kiệt tác làm say đắm lòng người. Và cứ như thế, chúng tôi bỗng nhiên trở thành những kẻ lạc lõng giữa thời kỳ 64 bit, với những GTX 1080 và PS4 sức mạnh khủng khiếp tới mức mô tả một tựa game đẹp như đời thực.