Các nhà khoa học đã tiến hành phỏng vấn tại bản Ón, phát hiện trong những loài chuột rừng được đồng bào Rục bẫy bắt để ăn có một loài được mô tả rất lạ: có mình như chuột, đuôi như đuôi sóc, lông mịn như cầy và người Rục gọi là con “Ninh Cùng”.
Một người dân địa phương, anh Trần Xuân Bộ đã xung phong đến một số nhà thợ săn trong vùng và trở về với hai cá thể, một đực, một cái theo đúng mô tả trước khi chúng bị làm thức ăn.
Sau khi tiến hành đánh giá kiểm tra mẫu, các thành viên tư vấn đã đưa ra kết luận ban đầu nó là loài chuột đá, có tên khoa học Laonastes aenigmamus (Jenkins, Kilpatrick, Robinson, Timmins, 2005), trước năm 2005 loài chuột đá này được cho đã tuyệt chủng. Căn cứ vào mẫu vật hóa thạch, các nhà khoa học xem loài này tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm.
Mấy năm trước, giới nghiên cứu sinh học bảo tồn trên thế giới xôn xao khi loài chuột đá được tìm thấy ở Lào và được gọi là “hóa thạch sống”, nhưng từ đó không thấy các nhà khoa học phát hiện thêm cá thể nào cho đến lúc ghi nhận được tại Phong Nha - Kẻ Bàng.
Với sự ghi nhận loài chuột đá này đã góp phần khẳng định tính đa dạng sinh học cao của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và tái khẳng định sự độc đáo về hệ sinh thái của dãy Trường Sơn cũng như cung cấp thêm thông tin cho các nhà khoa học nghiên cứu về sự tiến hóa và đặc biệt là giả thuyết về “sự luân hồi trong sinh học”.