Chuyện đầu gấu nhà tù và Facebook

Truật Xích  | 25/03/2011 05:00 PM

Ở trong tù cập nhật Facebook để chỉ huy đàn em hay trốn ngục rồi vẫn lên Facebook trả lời các fan hâm mộ là chuyện tội phạm thời “A còng” ngày nay.

Tù ngục là chốn đen tối, nơi những thành phần nguy hiểm nhất của xã hội bị giam giữ. Do đó bất kỳ điều gì xảy ra trong ngục đều dễ gợi cho con người ta cảm giác ghê rợn. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là các phạm nhân đã hoàn toàn mất liên lạc với thế giới bên ngoài. Điển hình nhất đó là khi những phạm nhân áo sọc này coi Facebook trở thành công cụ để mình “còn chút gì đó” liên lạc với xã hội.
 
Từ năm 2009, các nhà tù trên thế giới, điển hình là Anh và Mỹ đã phải đối mặt với sự phát triển tột bậc của công nghệ thông tin len lỏi vào “địa ngục trần gian”. Điển hình nhất là trường hợp nhà tù Rochester với phạm nhân Joland Giwa, thủ lĩnh băng đảng Don't Say Nothing tại Anh. Ngay khi bị bắt vào nhà tù vì phạm tội ăn cướp, Giwa, còn có biệt danh DSN Dexter đã gây sốc cho dư luận khi đăng trên Facebook ảnh hắn đường hoàng sống trong nhà tù, có cả TV, đầu video và điện thoại có khả năng truy cập Internet. (Tham khảo ThisisLondon)
 
"Tao sẽ ra khỏi đây trong 2 tuần nữa".
 
Không chỉ thế hắn ta còn mạnh miệng tuyên bố trên Wall (Facebook): “Tao sẽ ra khỏi đây trong 2 tuần nữa”. Điều này đã làm chính quyền thực sự hoang mang trong khi đàn em của Giwa reo mừng ở ngoài rằng “Đại tướng sắp trở lại”. Tất nhiên là chẳng có cuộc vượt ngục nào cả nhưng sau vụ này, việc sử dụng đồ điện tử trong ngục của các phạm nhân đã được đề cao cảnh giác nhiều hơn.
 
Nếu như ở trong tù, “đầu gấu” có khả năng khủng bố ra ngoài như Giwa thì khi ở ngoài, những gã phạm nhân trốn ngục cũng sử dụng Facebook để cho cả thế giới biết về “chiến công” của chúng. Đây là trường hợp của Craig “Lazie” Lynch. Hắn đã trốn khỏi nhà ngục Hollesley bay vào tháng 9 năm 2009. Trong thời gian lẩn trốn sự đuổi bắt của cảnh sát, tên này vẫn đủ thời gian để ngày ngày... cập nhật Facebook cho các fan. Đúng vậy, hắn có tới 27 nghìn fan trên Facebook chỉ vì những bài viết của hắn quá ấn tượng. Trong đó có đoạn blog “Có nên trở lại nhà tù ngồi nốt án không nhỉ?” (Tham khảo Escapist)
 
Craig "Lazie" Lynch có tới 27 nghìn fan hâm mộ.
 
Hầu hết các fan đều chúc hắn may mắn. Cảnh sát Suffolk thậm chí đã phối hợp với Facebook để tìm bằng được gã trốn ngục “văn hay chữ tốt” này. Kết quả là sau 3 tháng “vừa viết văn vừa cập nhật Facebook”, Lazie đã bị tóm. (Tham khảo Foxnews)
 
Facebook không chỉ là công cụ để các phạm nhân giao tiếp với thế giới bên ngoài mà nó còn có thể hỗ trợ đắc lực trong việc mua chuộc các nhân viên quản giáo. Đây là trường hợp của Nathan Singh, 27 tuổi, nhân viên quản giáo nhà tù Leicester năm 2009. Thông qua Facebook, Singh đã làm bạn với 13 phạm nhân khác, cùng họ tán chuyện và bàn luận đủ thứ trên trời. Tuy nhiên, mối quan hệ này đã bị nhà tù phát hiện và kết quả là Nathan Singh bị đuổi việc ngay lập tức vì nhà tù cho rằng anh ta đã vi phạm những quy tắc đạo đức cũng như phẩm chất trong sạch. (Tham khảo Dailymail)
 
Vụ việc của Islam Dunn có thể sẽ thay đổi luôn bộ luật nhà tù Nam Carolina.
 
Chính những điều này đã dẫn tới hệ quả nhiều nhà tù ngày nay cấm sử dụng Facebook hay các loại điện thoại, phương tiện điện tử cá nhân có khả năng truy cập vào Internet. Gần đây nhất, nhà tù Nam Carolina, Mỹ đang chuẩn bị “khai tử” mạng xã hội này khỏi môi trường nhà tù. Tất cả là vì vụ việc của Islam Dunn, 19 tuổi, hiện đang thụ án tại nhà tù bang này. Đại diện của nhà tù Nam Carolina cho rằng phạm nhân có thể sử dụng Facebook để đưa ra lời đe dọa với những người ở ngoài và như vậy là rất nguy hiểm. Đây có thể là bang đầu tiên trên đất Mỹ đưa việc sử dụng điện thoại và cập nhật Facebook trong nhà tù trở thành một loại tội danh. (Tham khảo Huffingtonpost)
 
Năm ngoái, chính quyền California đã tịch thu tới 11 nghìn điện thoại di động trong nhà tù và cấm cản mọi cuộc gọi từ bên ngoài mà không được phép, điều tương tự đã từng được ứng dụng tại Mississippi và nay là Nam Carolina. Thế mới thấy ảnh hưởng của Facebook mạnh mẽ đến chừng nào, dù là trong nhà tù.