Chụp ảnh Mặt Trời dạng 3D thành công

Đà Lôi – Tổng hợp  | 08/02/2011 05:00 PM

Thành công trong lĩnh vực chụp ảnh Mặt Trời dạng 3 chiều đã ảnh hưởng rất mạnh đến khả năng quan sát vũ trụ của con người.

Ngày 26/10 năm 2006, cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA đã phóng 2 vệ tinh STEREO (nghiên cứu mối quan hệ giữa Mặt Trời và Trái Đất). Sau 4 năm nghiên cứu, 6/2/2011 vừa qua, 2 vệ tinh này cuối cùng đã di chuyển thành công đến vị trí 2 mặt đối diện nhau bên Mặt Trời, mỗi vệ tinh lại quan sát được một góc nhìn khác nhau. Camera trên 2 vệ tinh đã chuyển tải hình ảnh về phía Trái Đất, cho phép các nhà khoa học lần đầu tiên trong lịch sử có thể quan sát được Mặt Trời dưới dạng 3D.
 
Hình ảnh 2 vệ tinh STEREO-A và STEREO-B ở 2 phía của Mặt Trời.
 
Những hình ảnh 3D về Mặt Trời cho phép các nhà nghiên cứu cải thiện khả năng dự báo thời tiết vũ trụ để đưa ra những cảnh báo chuẩn xác hơn về khả năng xảy ra hiện tượng Mặt trời giải phóng các vật chất cực quang (gọi là CME), gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành trình trên không và của các vệ tinh. Trước đây hiện tượng này có thể xảy ra bất thình lình ở phía xa hơn của Mặt Trời, nơi vệ tinh không quan sát được và khiến công tác chuẩn bị bất ngờ.
 
Vệ tinh STEREO.
 
Bill Murtagh, chuyên viên dự báo thuộc Cơ quan khí tượng thủy văn NOAA tại Boulder, Colorado cho biết: “Sẽ không còn cảnh tượng đó nữa. Những hoạt động ở mặt xa Mặt Trời không còn khiến chúng tôi bất ngờ. Với sự giúp sức của STEREO, chúng tôi biết bao giờ nó tới”. Không chỉ trợ giúp đắc lực trong công cuộc dự báo thời tiết vũ trụ, sử dụng 2 vệ tinh để chụp ảnh 3D của Mặt Trời còn giúp các nhà nghiên cứu quan sát được các cơn bão Mặt Trời xảy đến với các hành tinh khác như sao Hỏa hay sao Thủy.
 
NASA đang kỳ vọng rằng những hình ảnh 3D đầu tiên về Mặt Trời sẽ giải đáp được thêm nhiều hiện tượng trước đây chỉ nằm trong phỏng đoán của họ. Dự tính trong vòng 8 năm tới dây, toàn bộ hình ảnh về Mặt Trời sẽ được truyền tải đầy đủ về cho các nhà khoa học.