Kỳ lân công nghệ VNG thay đổi lãnh đạo, hoạt động trước đó ra sao?

Nguyên Đỗ  Đời Sống Pháp Luật | 07/09/2024 05:13 PM

VNG vừa thông báo bổ nhiệm ông Kelly Wong làm Quyền Tổng Giám đốc. Thông tin khiến nhiều người quan tâm bởi VNG hiện đang là một trong những kỳ lân công nghệ Việt, sở hữu nhiều sản phẩm, dịch vụ, nền tảng...

Được thành lập từ năm 2024, đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi trực tuyến. Sau đó, VNG dưới sự lãnh đạo của ông Lê Hồng Minh liên tục mở rộng phạm vi hoạt động, cho ra mắt nền tảng nhắn tin trực tuyến Zalo (năm 2012), Zalo Pay (2016), điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu (2006-2007), lập trình máy tính, sản xuất phần mềm và quảng cáo thương mại…

Trong đó, Zalo được xem là nền tảng thành công nhất của VNG, đang được sử dụng bởi 77 triệu người dùng hàng tháng (MAU), tính đến hết tháng 6/2024, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước và 1,9 tỷ tin nhắn mỗi ngày được gửi đi, tăng 7%.

Kỳ lân công nghệ VNG thay đổi lãnh đạo, hoạt động trước đó ra sao?- Ảnh 1.

VNG hiện là một trong những kỳ lân công nghệ của Việt Nam, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như game trực tuyến, lập trình và sản xuất phần mềm, trung tâm dữ liệu, ứng dụng nhắn tin Zalo và Zalopay...

Về mảng game, VNG vẫn đang đứng đầu thị trường Việt Nam với các tựa game nổi tiếng như Võ Lâm Truyền Kỳ, Kiếm Thế,.. Dịch vụ trò chơi trực tuyến là mảng hoạt động mang lại nhiều doanh thu nhất cho VNG trong những năm gần đây.

Năm nay, VNG đặt mục tiêu doanh thu 11.069 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 150 tỷ đồng. HĐQT của VNG định hướng sẽ tiếp tục phát triển các ngành nghề kinh doanh theo hướng đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và mở rộng thị trường. Ngoài việc tiếp tục đầu tư cho các sản phẩm như trò chơi điện tử, quảng cáo, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, công ty sẽ tăng trưởng đầu tư cho các sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

VNG đặt mục tiêu 3 năm tới, doanh thu từ thị trường nước ngoài của khối trò chơi trực tuyến và điện toán đám mây AI sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn doanh thu trong nước.

VNG hiện có vốn điều lệ 358,4 tỉ đồng, trong đó, VNG Ltd là cổ đông chính, nắm 49% vốn, Công ty CP Công nghệ BIGV nắm 17,84% vốn, ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG nắm 8,846% vốn…

Đầu năm 2023, cổ phiếu VNZ của công ty VNG chính thức giao dịch trên sàn UpCoM với giá 240.000 đồng/cổ phiếu, sau đó liên tục tăng giá kỷ lục lên tới 1.434.700 đồng/cổ phiếu và liên tục đi xuống đến thời điểm hiện tại còn 488.000 đồng/cổ phiếu.

Năm 2014, VNG được định giá 1 tỷ USD theo World Start-up Report, trở thành kỳ lân công nghệ đầu tiên tại Việt Nam. VNG từng có kế hoạch lên sàn chứng khoán Mỹ nhưng sau đó tuyên bố hoãn kế hoạch này.

Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh của VNG có phần sa sút trong 3 năm trở lại đây, mức lỗ liên tục gia tăng. Giai đoạn 2021-2023, công ty lỗ lần lượt 72 tỷ đồng, 1.534 tỷ đồng và 2.317 tỷ đồng.

Kỳ lân công nghệ VNG thay đổi lãnh đạo, hoạt động trước đó ra sao?- Ảnh 2.

Trong thời gian lãnh đạo của ông Lê Hồng Minh, VNG có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian dài, tuy nhiên trong 3 năm trở lại đây lại liên tục ghi nhận các khoản lỗ gia tăng.

Nửa đầu năm nay, VNG đạt doanh thu hợp nhất 4.314 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, dịch vụ trò chơi trực tuyến tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 72%. Ngoài ra, dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet, dịch vụ quảng cáo trực tuyến cũng góp phần ghi nhận doanh thu.

Tuy nhiên, các loại chi phí như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp lớn đã "ăn mòn" lợi nhuận, cộng thêm lỗ từ công ty liên kết khiến VNG lỗ gần 586 tỷ đồng. Song, mức này vẫn thấp hơn con số lỗ của cùng kỳ năm trước là 1.205 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm, VNG vẫn ghi nhận lỗ 18 tỷ đồng từ các công ty liên kết. Cùng kỳ năm trước, công ty ghi nhận lỗ 206 tỷ đồng.

VNG có 11 công ty con trực tiếp và 27 công ty con gián tiếp. Trong ngày 30/6, công ty đầu tư hơn 2.213 tỷ đồng vào các công ty liên kết như Tiki Global, Telio, Funding Asia hay VTH... Các doanh nghiệp này chủ yếu được thành lập ở nước ngoài. Tuy nhiên, khoản đầu tư này đã lỗ lũy kế hơn 1.047 tỷ đồng nên giá trị đầu tư của VNG giảm còn 1.166 tỷ đồng.

VNG cũng nắm giữ khoản tiền mặt và tiền gửi lớn. Tại ngày 30/6, công ty có hơn 3.402 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, giảm 14% so với cuối năm trước. Doanh nghiệp có tổng tài sản hơn 10.126 tỷ đồng.

Về nợ vay, VNG có khoản nợ vay tài chính 2.031 tỷ đồng, tăng 37% so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 71%. Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu là 1,2 lần.