- Theo Trí Thức Trẻ | 23/09/2017 02:00 PM
Năm 2014, Kingsman: The Secret Service ra mắt và tạo ra cơn sốt bởi những pha hành động bạo lực và sự hài hước, châm biếm đậm chất Anh Quốc. Sau 3 năm, Matthew Vaughn tiếp tục cho ra mắt phần thứ hai với phong cách không đổi. Song, vị đạo diễn tài năng dường như hơi tham lam trong tác phẩm mới này.
Sau các sự kiện trong Kingsman: The Secret Service, Eggsy đã chính thức mang mật danh Galahad và chung sống với công chúa Tilde tại căn hộ của người thầy đã mất. Charlie Hesketh, kẻ đã phản bội Kingsman ở phần phim trước, vẫn còn sống. Hắn liên kết với Tổ Chức Hoàng Kim do Poppy đứng đầu để tiêu diệt toàn bộ Kingsman. Là 2 người duy nhất thoát chết, Eggsy và Merlin phải cầu cứu Statesman, tổ chức "bà con" với Kingsman ở Mỹ. Tại đây, họ nhận ra cựu Galahad vẫn còn sống nhưng bị mất trí nhớ hoàn toàn.
Hành động tiếp tục là điểm nhấn
1
Phong cách bạo lực "hái ra tiền" của phần đầu tiên tiếp tục là chủ đạo của Kingsman: The Golden Circle. Những pha headshot, đứt đôi người... xuất hiện xuyên suốt thời lượng phim. Việc gãy tay, lòi xương hay bị đánh toét đầu trở nên quá đỗi bình thường. Khán giả cũng không cảm thấy sốc hay rùng rợn bởi chúng đều được đặt vào những tình huống "bựa" nhất hoặc nằm trong trường đoạn kéo dài.
Những chàng mật vụ vẫn là "siêu nhân" một chấp một trăm với những pha hành động đẹp mắt và đầy kịch tính. Các quý ông người Anh vẫn trung thành với lối ra đòn nhanh gọn, thực dụng. Tuy nhiên, nhóm đặc vụ tới từ nước Mỹ lại có phần hơi "ảo diệu" khi sử dụng dây thừng hay màn quay súng không tưởng. So với Wonder Woman cách đây ít lâu, phần hành động của Statesman mãn nhãn và đỡ rườm rà hơn hẳn.
2
Một trong những điểm ấn tượng nhất của Kingsman là trường đoạn hành động theo kiểu "long shot" (một cảnh quay dài liên tục). Nếu phần đầu tiên là cảnh trong nhà thờ thì Kingsman: The Golden Circle chiêu đãi người xem một trường đoạn dài hơi với pha "song kiếm hợp bích" của Eggsy và Galahad. Trong tiếng nhạc sôi động, bắt tai, những pha phối hợp nhịp nhàng, hành động mãn nhãn và cháy nổ hoành tráng đủ để khiến ai cũng phấn khích.
Nội dung chưa thể vượt qua người tiền nhiệm
Thời lượng của Kingsman: The Golden Circle vẫn giữ chất châm biếm quen thuộc của phần phim trước đó. Đạo diễn Matthew Vaughn không chỉ châm biếm thể loại điệp viên mà còn dùng nhóm Statesman để "đá xéo" chính Kingsman.
Nếu như James Bond là một người đào hoa với mỗi phim một mối tình thì Eggsy lại... sợ vợ và chung thủy với Tilde. Hay như việc các điệp viên Anh vẫn giữ phẩm chất quý ông thì đồng nghiệp người Mỹ lại ăn chơi như các "playboy" thứ thiệt. Các Statesman theo phong cách cao bồi bụi bặm và kinh doanh ngành rượu "thấp kém". Nhưng trên thực tế, họ lại giàu hơn người hàng xóm cao quý gấp nhiều lần.
Tống thống Mỹ tiếp tục là đối tượng bị đá xéo của bộ phim Anh Quốc. Trong phần đầu tiên, nhà lãnh đạo da màu được hé lộ là đã chết khi về phe Valentine. Sang Kingsman: The Golden Circle, tổng thống xuất hiện với mái tóc bạch kim cùng bản chất "con buôn" trắng trợn. Ông thường xuyên có những phát ngôn và quyết định "thiếu muối" không khác Donald Trump. Nữ bộ trưởng dưới quyền thì rõ ràng là ám chỉ bà Clinton khi có nhiều bê bối trong công việc.
Song, với sự xuất hiện của nhóm Statesman, chất hài trong phim đã trở nên kém sâu sắc hơn trước. Dù chúng vẫn mang tới cho khán giả những tràng cười sảng khoái nhưng sự đá xéo thâm sâu kiểu người Anh đã vơi đi ít nhiều. Matthew Vaughn đã hơi tham lam khi ôm đồm khá nhiều thứ vào tác phẩm của mình khiến nó trở nên dài dòng và rối rắm.
Các tình tiết của phim diễn ra khá rời rạc, thiếu liên kết. Tuyến phản diện của Julianne Moore hay Galahad mờ nhạt khi phải nhường đất diễn cho Eggsy và Statesman. Một vài nhân vật hứa hẹn lại bị giết một cách đáng tiếc dù có tiềm năng khai thác rất lớn. Quá chú trọng vào hành động nên cách xử lý mâu thuẫn của Kingsman: The Golden Circle chưa thật sự thỏa đáng và quá dễ dãi. Điều này khiến nội dung phim chứa nhiều lỗ hỏng chết người về mặt logic.
Nhóm Statesman được giới thiệu rất hoành tráng nhưng không được đào sâu thêm dù phong cách ăn mặc, hoạt động của họ đều rất chất. Khán giả hơi hụt hẫng khi không có màn giới thiệu trang phục và vũ khí của Statesman như các đồng nghiệp Anh Quốc ở phần trước đó.
Tuy nhiên, tác phẩm của Matthew Vaughn vẫn có một vài mặt ý nghĩa nhất định khi nói lên cuộc chiến chống ma túy. Liệu kẻ người nghiện hút có đáng chết như lời tổng thống khi họ đã gây ảnh hưởng tới cuộc sống của vô số người dân lương thiện khác? Phạm luật và bị trừng trị và nguyên lý muôn đời đúng. Hay chúng ta phải bảo vệ tất cả nhân loại theo quy tắc của các quý tộc Anh?
Nhìn chung, Kingsman: The Golden Circle vẫn là một bộ phim giải trí đúng nghĩa nếu người xem không đòi hỏi quá cao về mặt nội dung.