- Theo Nhịp Sống Việt | 25/03/2020 11:00 AM
Trương Vô Kỵ là nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký của cố nhà văn Kim Dung, chàng là một người chính trực khẳng khái. Sau lần giải cứu Minh giáo trước sự vây ép của lục đại môn phái, Vô Kỵ được bầu làm giáo chủ Minh giáo đời thứ 34.
Trương Vô Kỵ là giáo chủ Minh giáo đời thứ 34.
Về võ công, Trương Vô Kỵ may mắn học được Cửu dương thần công và Càn khôn đại na di. Ngoài ra còn học được Thất thương quyền của Tạ Tốn (cha nuôi), Thái cực quyền và Thái cực kiếm của Trương Tam Phong, võ công ghi trên Thánh hỏa lệnh của Ba Tư, trở thành một trong những nhân vật võ công cao cường bậc nhất trong truyện.
Tuy nhiên, trong khi đang ở với vai trò Minh chủ võ lâm, thống lãnh quần hùng đánh đuổi người Mông Cổ, Trương Vô Kỵ bất ngờ quy ẩn, truyền lại chức giáo chủ Minh giáo cho Dương Tiêu.
Nguyên nhân Trương Vô Kỵ quy ẩn
Trong Ỷ thiên đồ long ký, sau khi Trương Vô Kỵ giải cứu được Tạ Tốn bị biệt giam ở dưới một hầm tối trên Thiếu Lâm tự, Nhữ Dương Vương liền đưa quân đánh Thiếu Lâm tự vì cho rằng quần hùng thiên hạ tập trung tại đây có ý tạo phản. Trương Vô Kỵ dẫn dắt quần hùng võ lâm đánh lui quân địch. Nhờ có Võ mục di thư, Vô Kỵ cùng quần hùng đánh bại quân Mông Cổ.
Sau đó trong buổi tiệc, Trương Vô Kỵ truyền lại Võ mục di thư cho Từ Đạt. Từ đó anh hùng Trung Nguyên đều nức lòng quy phục Minh giáo, hiệu lệnh của Trương Vô Kỵ đến đâu không ai không theo.
Sau đó, Trương Vô Kỵ tìm lại được mảnh ghép của Đồ long đao và Ỷ thiên kiếm cùng với miếng huyền thiết trong bảo đao và bảo kiếm đem chúng rèn lại như cũ. Trương Vô Kỵ được quần hùng thiên hạ tôn làm Võ lâm Chí Tôn. Các giáo chúng Minh giáo khuyên Vô Kỵ xưng vương.
Tuy nhiên, theo Thánh hỏa lệnh Tam đại lệnh, trong đó lệnh thứ nhất là không được làm quan, làm vua, do đó Vô Kỵ từ chối và mong toàn bộ giáo chúng Minh giáo tuân theo. Chính lúc này dã tâm của Chu Nguyên Chương ngày càng lớn, y muốn lấy chức giáo chủ nhưng không thành do các giáo đồ chỉ phục tùng và ủng hộ Trương Vô Kỵ, nhưng Chu Nguyên Chương đã không từ bỏ dã tâm, y âm mưu giết hại người trong giáo phái, tiêu biểu là cái chết oan của Hàn Lâm Nhi, Liêu Vĩnh Trung.
Chính vì điều này, Trương Vô Kỵ thấy canh cánh trong lòng, tự thấy mình không đủ tài năng xử lý được đại sự và không trừng trị được Chu Nguyên Chương, trong lòng muốn thoái vị.
Ở cuối truyện, Chu Nguyên Chương lập mưu khiến Trương Vô Kỵ tưởng lầm là các tướng muốn làm phản cộng với việc Trương Vô Kỵ phải thực hiện lời hứa đưa Triệu Mẫn về Mông Cổ, với tính cách không màng danh lợi, chàng đã từ bỏ tất cả truyền lại chức giáo chủ Minh giáo cho Dương Tiêu, còn mình bỏ ra thảo nguyên Mông Cổ sống tiếp phần đời còn lại cùng Triệu Mẫn, ở trên thảo nguyên Triệu Mẫn đã yêu cầu Vô Kỵ thực hiện điều kiện thứ ba là mỗi ngày, đều giúp cô kẻ chân mày.
Trong một số phiên bản, Chu Nguyên Chương bị Trương Vô Kỵ ép phải thề không được hãm hại giáo chúng Minh giáo. Cái tên "nhà Minh" cũng là từ chữ "Minh giáo".
Chu Nguyên Chương sau đó khống chế Minh giáo, đánh bại người Mông Cổ
Dương Tiêu tuổi già nên không tranh lại được Chu Nguyên Chương. Chu Nguyên Chương sau đó thống lĩnh Minh giáo và vận dụng binh pháp trong Vũ mục di thư đánh đuổi người Mông Cổ, lập ra nhà Minh trở thành Hồng Vũ hoàng đế tức vua Minh Thái Tổ (chữ Minh chỉ Minh giáo vì Minh giáo là lực lượng nòng cốt của Thái Tổ). Minh Thái Tổ lên ngôi, liền tàn sát công thần. Thường Ngộ Xuân vốn được Hồ Thanh Ngưu tiên đoán sống không qua tuổi 40 nên may mắn không bị thanh trừng, còn Từ Đạt và vô số mưu thần tướng lĩnh thì không thoát khỏi sự sát hại của nhà vua. Minh giáo bị xem như tà giáo, phải rút lui vào trong bóng tối và trở thành Nhật nguyệt thần giáo.