Kiếm hiệp Kim Dung: Không phải Quách Tĩnh và Hoàng Dung đây mới là chủ sở hữu đầu tiên của Đồ long đao và Ỷ thiên kiếm

Quốc Tiệp - Người Đưa Tin  - Theo Nhịp Sống Việt | 31/03/2020 05:00 PM

Hai chị em Quách Tương và Quách Phá Lỗ chính là những chủ sở hữu đầu tiên của Ỷ thiên kiếm và Đồ long đao.

Trong tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký của cố nhà văn Kim Dung, Đồ long đao và Ỷ thiên kiếm chính là nguyên nhân gây nên những tranh chấp trong chốn võ lâm, bởi trên giang hồ tương truyền rằng kẻ nào có được Đồ long đao và Ỷ thiên kiếm sẽ làm bá chủ thiên hạ dẫn đến cuộc huyết chiến, võ lâm tàn sát lẫn nhau nhằm tranh giành hai vũ khí này.

Kiếm hiệp Kim Dung: Không phải Quách Tĩnh và Hoàng Dung đây mới là chủ sở hữu đầu tiên của Đồ long đao và Ỷ thiên kiếm - Ảnh 1.

Đồ long đao là nguyên nhân gây nên những tranh chấp trong chốn võ lâm.

Đồ long đao và Ỷ thiên kiếm vốn là một cặp binh khí lợi hại được vợ chồng Quách Tĩnh rèn từ một khối huyền thiết có thể chém đứt mọi thứ trên đời, người thợ rèn cặp binh khí này cũng là một đệ tử cũ của Hoàng Dược Sư, cặp binh khí này được rèn trước khi Tương Dương thất thủ, bên trong Đồ long đao và Ỷ thiên kiếm cất giấu Võ Mục di thư của Nhạc Phi và bí kíp Cửu âm chân kinh.

Chủ sở hữu đầu tiên của Đồ long đao là Quách Phá Lỗ (con trai út của Quách Tĩnh) nắm giữ, tuy nhiên sau khi thành Tương Dương bị thất thủ đã rơi vào tay người Mông Cổ, sau đó bị thất lạc trên giang hồ và theo thời gian rơi vào tay Tạ Tốn.

Còn về Ỷ thiên kiếm, sau khi thành Tương Dương bị thất thủ, cả gia đình Quách Tĩnh đều tự vẫn, ngoại trừ Quách Tương lúc đó ở xa nên thoát nạn. Sau khi biết được chuyện đó, Quách Tương vì quá đau buồn nên đã bỏ đi tu trên núi Nga My. Ngay tại nơi này cô đã sáng lập ra phái Nga My và cũng là chủ sở hữu đầu tiên của Ỷ thiên kiếm. Về sau Ỷ thiên kiếm trở thành bảo khí trấn môn của Nga My Phái được truyền lại cho Diệt Tuyệt sư thái, người sau này kế nhiệm Quách Tương làm chưởng môn Nga My.

Kiếm hiệp Kim Dung: Không phải Quách Tĩnh và Hoàng Dung đây mới là chủ sở hữu đầu tiên của Đồ long đao và Ỷ thiên kiếm - Ảnh 2.

Ỷ thiên kiếm là bảo vật của phái Nga My.

Trong cốt truyện Ỷ thiên đồ long ký, Chu Chỉ Nhược dùng mưu mẹo ăn cắp được Đồ long đao và Ỷ thiên kiếm. Để lấy bí mật trong đao và kiếm, Chu Chỉ Nhược đã làm gãy đao và kiếm.

Quách Phá Lỗ

Quách Phá Lỗ là nhân vật phụ trong Thần điêu đại hiệp của cố nhà văn Kim Dung. Quách Phá Lỗ là con trai út của cặp vợ chồng Quách Tĩnh - Hoàng Dung, là em song sinh với Quách Tương. Quách Phá Lỗ cũng là em của Quách Phù (con gái đầu của Quách Tĩnh - Hoàng Dung).

Từ tính cách đến diện mạo Quách Phá Lỗ đều rất giống cha, mày rậm, mặt vuông, chậm chạp nhưng cẩn thận, chắc chắn. Cái tên Phá Lỗ là do Quách Tĩnh đặt cho chàng với ý nghĩa "tiêu diệt quân Mông Cổ".

Quách Phá Lỗ sinh ra trong lúc quân Mông Cổ tấn công thành Tương Dương nhưng không giống Quách Tương, cuộc đời chàng bình lặng, không có gì đặc biệt, rất ít xuất hiện trong truyện. Khi thành Tương Dương thất thủ, Quách Phá Lỗ tự vẫn cùng cha mẹ.

Quách Tương

Kiếm hiệp Kim Dung: Không phải Quách Tĩnh và Hoàng Dung đây mới là chủ sở hữu đầu tiên của Đồ long đao và Ỷ thiên kiếm - Ảnh 3.

Quách Tương có rất nhiều điểm giống mẹ, thông minh, khôn ngoan, lanh lợi, bướng bỉnh và cũng rất si tình.

Quách Tương là nhân vật trong tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp của cố nhà văn Kim Dung. Nàng cũng xuất hiện trong phần đầu của bộ truyện tiếp theo Ỷ thiên đồ long ký.

Quách Tương là con gái của cặp vợ chồng Quách Tĩnh - Hoàng Dung nhưng nàng kém chị mình - Quách Phù tới mười sáu tuổi. Quách Tương còn có một người em trai song sinh là Quách Phá Lỗ. Cái tên Tương là do mẹ nàng, Hoàng Dung đặt cho theo tên tòa thành họ đang trấn giữ, Tương Dương. Khác với người chị mình, Quách Tương có rất nhiều điểm giống mẹ, thông minh, khôn ngoan, lanh lợi, bướng bỉnh và cũng rất si tình.

Khi thành Tương Dương thất thủ, cha mẹ, chị gái và em trai cô tử tiết, lúc đó cô đang ở Tứ Xuyên và vội vàng quay trở về nhưng không kịp, nên cô là người duy nhất còn sống sót của Quách gia. Sau cùng vì không tìm được Dương Quá nên Quách Tương đã bỏ đi tu trên núi Nga My, trở thành tổ sư sáng lập của phái Nga My.