- Theo Trí Thức Trẻ | 18/12/2016 03:07 PM
Giờ đây, Super Mario Run đã trở thành cái tên thay thế cho mọi cơn sốt game mobile khác trên toàn thế giới. Mới chỉ ra mắt chính thức kể từ ngày 15/12 vừa qua, nó đã sở hữu được 2,85 triệu lượt tải về nội trong ngày đầu tiên. Tựa game chính thức đầu tiên cho nền tảng iOS của Nintendo đã ra mắt và cho phép người chơi dễ dàng tải về từ App Store. “Super Mario Run” sẽ giúp người có được cảm nhận rất giống với những tựa game kinh điển thời xưa, nhưng có sự cải tiến để phù hợp với nền tảng mobile và chỉ cần thao tác điều khiển bằng một tay mà thôi.
Tuy nhiên, một điều cần nhớ đó là để được trải nghiệm toàn bộ các tính năng của tựa game Super Mario Run, bạn sẽ phải bỏ ra 10 USD so với trải nghiệm miễn phí và bỏ tiền mua một số món vật phẩm trong cash shop như nhiều game mobile online khác trên Appstore hay Play Store.
Đây cũng chính là lý do gần như duy nhất khiến cho rất rất nhiều người Việt Nam chùn tay không muốn tải tựa game này về máy điện thoại của mình, mặc dù Nintendo đã khuyến khích người chơi tải miễn phí Super Mario Run hoàn toàn miễn phí, sau khi chơi thử nếu thấy hợp mới "đòi hỏi" mua bản game đầy đủ với giá hơn 200 nghìn Đồng. Thế nhưng vẫn có rất nhiều người chỉ trích việc Nintendo... KHÔNG MIỄN PHÍ tựa game đang rất hot này, với lý lẽ căn bản là, Pokemon GO miễn phí, vì sao Nintendo lại hút máu game thủ với việc đòi bỏ tiền ra để chơi game?
Đến lúc này đây, tôi mới bất ngờ nhận ra một điều trái khoáy: Người Việt đã bị game miễn phí, những tựa game thậm chí còn hút máu hơn rất rất nhiều so với những game mobile thu phí, hay những tựa game đang chơi thì chình ình trước mặt là một cái banner quảng cáo để nhà sản xuất game kiếm lợi nhuận "đồng hóa" hoàn toàn. Trong mắt họ, game mobile PHẢI MIỄN PHÍ. Bằng không, họ sẽ cài APK hoặc IPA crack cho bằng được để chơi miễn phí những game hay trên các cửa hàng ứng dụng game ảo.
Cũng cần nhắc lại một chút để các bạn độc giả nhớ, chính game miễn phí mới là công cụ "hốt tiền" về cho nhà phát hành. Dòng game miễn phí (free to play) có doanh thu lên đến 17,129 tỷ USD (chiếm 86,51% toàn thị trường). Điều này đồng nghĩa với việc thị phần của game miễn phí lớn hơn gấp 6 lần so với game thu phí. Dự kiến trong tương lai tư nay cho đến năm 2020, xu thế này của thị trường vẫn sẽ được duy trì với cán cân doanh thu nghiêng hoàn toàn về phía game miễn phí.
Vì sao lại như thế? Game ban đầu miễn phí để thu hút người chơi, sau đó dần giới thiệu các tính năng và cuối cùng quan trọng nhất đối với các NPH là "cầm tay" game thủ đến với cash shop, nơi họ chứng minh cho người chơi việc nạp tiền có ích "cho bản thân họ", giúp việc cày top trở nên dễ dàng như thế nào nếu bỏ tiền ra nạp vào game, hay đơn giản hơn là dùng những món vật phẩm đẹp lung linh để dụ dỗ người chơi.
Còn về phần cộng đồng game thủ, thấy được cái lợi trước mắt, game chơi miễn phí, nạp tiền là "tùy chọn" (optional) nên cũng rất vui vẻ chiến game và vui vẻ... nạp thẻ cho các nhà phát hành. Hệ quả là, một game miễn phí nhưng số tiền bạn bỏ ra cho nhân vật trong thế giới ảo đôi khi là vài triệu, thậm chí là vài chục triệu Đồng trong suốt dòng đời của sản phẩm game online. Các đại gia thì càng không cần bàn tới, từ vài trăm triệu đến tiền tỷ, miễn là nhân vật trong game đủ mạnh thì bao nhiêu tiền cũng chỉ là phiên phiến mà thôi!
Quay trở lại với Super Mario Run. Bản thân Pokemon GO, tựa game làm mưa làm gió cộng đồng game thủ vào hồi tháng 07 cũng đi theo mô hình free-to-play cùng cash shop trong game. Thế nhưng Super Mario Run thì lại khác. Game không có những món vật phẩm giúp bạn giành lợi thế, mà bản chất của phiên bản Mairo trên iPhone này cũng có rất ít tính năng online, hầu hết chỉ là chế độ Toad Rally hoặc so tài với bạn bè số điểm mà bạn giành được ở mỗi màn chơi mà thôi. Tuyệt nhiên không có đua top, không có PvP hay những vật phẩm mang phong cách của những game nhập vai.
Một khi game đã được phát triển ở mức độ cân bằng cao như vậy, việc nó trở thành game thu phí âu cũng là chuyện đương nhiên. Bản thân tôi vẫn tin rằng, mức giá 10 USD của Super Mario Run vẫn là cực rẻ so với chất lượng và chiều sâu của một phiên bản Mario. Điều đáng tiếc cho nó là, số lượng những game mobile có cái giá dao động trong khoảng mốc 10 USD là rất ít. Chính vì lẽ đó nó bị liệt vào danh sách những tựa game đắt đỏ bậc nhất trên chợ ứng dụng dành cho iPhone.
Ngày hôm qua, tôi cũng có đọc được một câu bình luận của ai đó trên mạng internet như thế này: "10 USD mà các người chê đắt? Hồi Super Mario 3 ra mắt, cái băng game của nó bán ngoài tiệm giá 50 USD, tính cả lạm phát của năm 2016 bây giờ vào khoảng 95 USD. Vậy mà các người chê một game mobile như Super Mario Run là đắt?"
Quả thật khi tư tưởng free to play và những game crack đã ăn quá sâu vào tâm trí của người Việt, thì ngay cả việc bỏ 1 USD mua game gỡ bỏ quảng cáo cũng trở thành một việc khó nhọc. Chúng ta đã chấp nhận mua game bản quyền, thế nhưng một khi game vẫn còn chơi được miễn phí và có tùy chọn bỏ tiền để thưởng thức tự do hơn, điều này vẫn khiến cho nhiều người phải "lăn tăn" suy nghĩ.