- Theo Helino | 27/11/2019 01:15 PM
Căn bệnh "không biết đau" tưởng chừng như chỉ có trong phim viễn tưởng, nhưng thực chất, lại có những người đã sinh ra với một hội chứng đặc biệt khiến họ không thể cảm thấy đau đớn. Vô cảm bẩm sinh với cảm giác đau vô cùng hiếm gặp, đồng thời lại rất nguy hiểm. Cơn đau là cách cơ thể cảm nhận và ngăn chặn các rủi ro có thể tổn hại tới tính mạng, nếu không có chức năng đó, con người có thể chết mà không hay biết.
Những người không cảm thấy đau đớn phải có cách riêng để đối phó với cuộc sống. Thậm chí một cốc cà phê nóng cũng nguy hiểm, bởi có khả năng làm bỏng lưỡi chúng ta. Từ các rắc rối về sức khỏe cho đến rối loạn hành vi, những người mắc bệnh này đều phải trải qua. Đôi khi họ mắc cả chứng khô cứng, không thể đổ mồ hôi. Sự thật về những người không cảm thấy đau cùng lúc vừa bí ẩn, vừa hấp dẫn.
Không có con số chính xác bao nhiêu người mắc bệnh vô cảm bẩm sinh với cơn đau (gọi tắt là chứng CIP), nhưng các nghiên cứu cho thấy họ chiếm số lượng rất nhỏ. Tại Mỹ chưa có đến 100 người mắc bệnh này, tại Nhật có lẽ là nhiều hơn cả, với hơn 300 người.
Hội chứng này được chia thành hai loại: vô cảm bẩm sinh với cơn đau (CIP), và vô cảm bẩm sinh với cơn đau kèm giảm tiết mồ hôi (CIPA). Cả hai đều sinh ra bởi đột biến gen ở cơ thể người, gây gián đoạn cảm giác về nỗi đau được truyền tới não. Bên cạnh đó, chứng bệnh còn ảnh hưởng tới việc tiết mồ hôi và thân nhiệt cơ thể. Những người mắc CIPA không chảy mồ hôi hoặc rất ít, bởi họ không cảm nhận được sự thay đổi nhiệt độ xung quanh.
Đôi khi, bệnh CIP đi kèm với mất khứu giác, họ hoàn toàn không thể ngửi được mùi hương. Nguyên nhân cũng là do đột biến gen đã tạo ra hội chứng lạ kỳ này. Những gen đột biến có thể làm gián đoạn việc truyền tín hiệu tới não của các tế bào thần kinh cảm thụ khứu giác.
Vì những người mắc CIP không cảm thấy đau đớn hay sự thay đổi nhiệt độ, họ thường xuyên làm mình bị thương mà không hay biết. Những đứa trẻ có thể làm tổn thương má, môi, lưỡi của chúng trong lúc nhai, và đôi khi là cả ngón tay.
Các chấn thương mà người mắc CIP gây ra cho bản thân có thể để lại hậu quả lâu dài. Vì họ thường làm tổn thương một bộ phận nhất định, như đầu ngón tay hay ngón chân, nên sẽ ảnh hưởng tới cả mạch máu. Nếu mạch máu đó không thể hồi phục, phần cơ thể sẽ bắt đầu hoại tử do thiếu oxy. Cuối cùng, một phần cơ thể họ sẽ tự mục rữa và tách rời ra.
Đặc biệt, người mắc vô cảm với cảm giác đau có thể chịu đựng được bệnh nhiễm trùng xương mãn tính. Bệnh này xảy ra khi một loại vi khuẩn xâm nhập vào phần xương bị gãy, khiến người bệnh sốt, buồn nôn, sưng đau ở nơi xương bị gãy. Những đứa trẻ mắc CIP có nguy cơ cao mắc cả nhiễm trùng xương, nhưng may mắn thay, có thể điều trị được nếu phát hiện.
Những người mắc CIPA có thể thường xuyên bị sốt, do cơ thể họ không chảy mồ hôi để cân bằng thân nhiệt. Nếu không được theo dõi sức khỏe, họ có thể mắc hyperpyrexia, tình trạng sốt cao tới cực kỳ nguy hiểm.
Bệnh nhân không cảm thấy đau đớn cũng thường xuyên gặp rắc rối với tình trạng da và tóc của mình. Đôi khi những vùng da như lòng bàn tay họ bị dày cứng, sần sùi, móng tay của họ thường dễ gãy, biến dạng, hoặc nhiễm trùng. Tóc của họ cũng mắc một tình trạng đặc biệt khiến nhiều khu vực da đầu không thể mọc tóc.
Hiện tại không có cách nào chữa trị bênh CIP, vì vậy họ phải tìm nhiều cách khác nhau để kiểm soát chính mình. Họ cần sự giúp đỡ đặc biệt từ người thân, bạn vè và bệnh viện, để có thể hạn chế rủi ro sức khỏe và tính mạng.