"Khổng Minh khẩu chiến quần hùng" - Màn "solo" kinh điển thể hiện khả năng hùng biện thiên tài của Gia Cát Lượng

Nga0Du  - Theo Trí Thức Trẻ | 16/09/2016 03:42 PM

Với tầm quan trọng của sự kiện này, đây được coi là tiền đề cho đại chiến Xích Bích, trận chiến đánh dấu cho sự ra đời của Tam Quốc với thế chân vạc Ngụy - Thục - Ngô.

Trong chuỗi bài viết Trích Đoạn Kinh Điển ngày hôm nay, GameK xin được giới thiệu tới độc giả một trích đoạn nổi tiếng trong bộ phim Tam Quốc Diễn Nghĩa sản xuất năm 1996. Trích đoạn này mang tên “Khổng Minh khẩu chiến quần hùng”, nói về màn “solo” kinh điển của Gia Cát Lượng trước quần hùng Đông Ngô.

Gia Cát Lượng khẩu chiến quần hùng

Gia Cát Lượng (181- 234) tự Khổng Minh, là một nhân vật chính trị kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc. Ông được công nhận là chiến lược gia tài giỏi và xuất sắc nhất thời đại của ông. Gia Cát Lượng thường được so sánh với một số nhà chiến lược tài ba khác trong lịch sử Trung Quốc như Tôn Tử, Trương Lương, Lưu Bá Ôn... Dù không thành công trong mục tiêu cuối cùng là thống nhất Trung Nguyên, khôi phục nhà Hán nhưng người đời sau vẫn rất yêu mến và ngưỡng mộ tài năng cũng như lòng trung thành của ông.

Trích đoạn “Khổng Minh khẩu chiến quần hùng” diễn ra trong bối cảnh Tào Tháo vừa đánh chiếm được Kinh Châu qua đó thâu tóm được gần hết (khoảng 2/3) lãnh thổ Trung Quốc thời bấy giờ. Mục tiêu còn lại của họ Tào là phần lãnh thổ phía Đông Nam sông Trường Giang. Trước tình thế này, Lưu Bị đã quyết định cử Gia Cát Lượng sang Giang Đông gặp Tôn Quyền để thuyết khách và tạo liên minh chống lại Tào Tháo.

Khi sang đất Giang Đông, Gia Cát Lượng đã gặp phải rào cản rất lớn đến từ các mưu sĩ của Tôn Quyền (những người đang có ý định đầu hàng Tào Tháo). Tuy nhiên, bằng khả năng hùng biện đại tài của mình, Khổng Minh đã có màn “solo” kinh điển để lấn át hết những ý kiến nhu nhược của quần hùng Giang Đông. Cộng thêm sự hậu thuẫn của hai nhân vật quan trọng là Chu Du và Lỗ Túc, cuối cùng Gia Cát Lượng đã thuyết phục được Tôn Quyền đứng lên chống lại Tào Tháo.

Với tầm quan trọng của sự kiện này, đây được coi là tiền đề cho đại chiến Xích Bích, trận chiến đánh dấu cho sự ra đời của Tam Quốc với thế chân vạc Ngụy - Thục - Ngô.