Khoa học "rảnh" thực sự: Chuyên gia Stanford tìm ra phần não bộ lưu giữ kỹ năng... chơi Pokémon của chúng ta

J.D  - Theo Helino | 10/05/2019 04:34 PM

Tưởng rảnh mà hóa ra cũng không rảnh lắm. Nghiên cứu có ý nghĩa ra phết đấy nhé.

Trong chúng ta, hẳn không ít người có một tuổi thơ gắn liền với Pokémon (Pocket Monster). Từ game ra anime, nhiều thế hệ đã lớn lên cùng những Pikachu, Bulbasaur, Charmander... và những trận chiến nảy lửa, mà thậm chí lớn lên rồi vẫn chẳng thể nào quên.

Và ngay khi các fan đang hào hứng với bản live-action mang tên Pokémon: Detective Pikachu chuẩn bị ra mắt, thì các nhà khoa học cũng cho thấy họ không thể đứng ngoài cuộc được nữa bằng một nghiên cứu được đánh giá là có phần... rảnh.

Khoa học rảnh thực sự: Chuyên gia Stanford tìm ra phần não bộ lưu giữ kỹ năng... chơi Pokémon của chúng ta - Ảnh 1.

Cụ thể thì mới đây, các chuyên gia từ ĐH Stanford (Hoa Kỳ) đã công bố nghiên cứu tìm ra phần não bộ chịu trách nhiệm ghi nhớ... kỹ năng chơi Pokémon mà chúng ta từng thu thập được. Theo đó thì phần não này nằm ngay sau tai, đã có phản ứng mỗi khi ta nhìn thấy hình ảnh Pokémon lướt qua. 

Đáng chú ý, con đường phát tín hiệu của bộ phận này bao gồm số neuron thần kinh lên đến hàng triệu.

Khoa học rảnh thực sự: Chuyên gia Stanford tìm ra phần não bộ lưu giữ kỹ năng... chơi Pokémon của chúng ta - Ảnh 2.

"Câu hỏi là tại sao vùng não này lại phản ứng với từ ngữ và khuôn mặt, mà không phản ứng với các thứ quen thuộc hơn như ô tô chẳng hạn?" - trích lời Jesse Gomez, chuyên gia giải phẫu thần kinh từ ĐH Stanford, hiện đang làm việc tại ĐH California, Berkeley.

"Tại sao khu vực này tồn tại ở cùng một vị trí trong mọi bộ não cũng là điều bí ẩn chưa thể giải đáp."

Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên giả thuyết rằng não bộ trẻ em rất dễ uốn nắn, nhất là với những sự vật được đặt ở trung tâm của sự chú ý. Theo Gomez, Pokémon chính là nguyên liệu hết sức phù hợp cho nghiên cứu này, bởi lẽ qua rất nhiều phiên bản trò chơi thì các nhân vật vẫn luôn được giữ nguyên. Công cụ để chơi cũng vậy, có cải tiến nhưng gần như tương đồng. 

"Điều đặc biệt ở Pokémon là có đến hàng trăm loài, và bạn phải nhận ra chúng thì mới có thể hoàn thành game suôn sẻ được."

"Rồi tôi chợt nhận ra nếu não bộ không có khu vực chịu trách nhiệm cho việc này, có thể bạn sẽ chẳng bao giờ chơi xong cái game đó đâu."

Theo như nghiên cứu của Gomez thì hóa ra anh đã đúng. Cụ thể, nhóm của Gomez đã làm một thử nghiệm trên 11 "fan cứng" của Pokémon, những người đã chơi trò này muộn nhất là từ năm 8 tuổi, và 11 người khác chỉ mới tiếp xúc với game. Họ được cho quan sát các hình tượng trong Pokémon, đồng thời thực hiện chụp cộng hưởng từ MRI với não.

Khi so sánh, các chuyên gia nhận thấy một phần não bộ của các "fan cứng" tỏ ra nhạy cảm hơn với hình ảnh Pokémon, với cùng một vùng não phản ứng. Trong khi đó, những người mới thì không cho phản ứng gì nhiều.

Khoa học rảnh thực sự: Chuyên gia Stanford tìm ra phần não bộ lưu giữ kỹ năng... chơi Pokémon của chúng ta - Ảnh 3.

Khu vực não của các "fan cứng" cho phản ứng mạnh hơn

Theo giả thuyết của Gomez thì Pokémon là các hình ảnh có kích cỡ nhỏ, mô phỏng lại động vật, lại được tiếp xúc thường xuyên với mắt, và từ đó được lưu trữ vào vỏ thị giác của chúng ta.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy trải nghiệm thị giác thời thơ ấu có thể góp phần hình thành cấu trúc của vỏ não khi lớn lên, và ta có thể hoàn toàn dự đoán được xu hướng." 

Nghĩa là nếu biết cách, chúng ta có thể giúp trẻ em nhớ được một kỹ năng quan trọng ngay trong những năm đầu đời, để chúng có thể áp dụng sau này.

Đây là một nghiên cứu có quy mô nhỏ, nên kết luận chưa mang tính tuyệt đối. Nhưng có một điểm cần chú ý: não bộ của những "fan cứng" của dòng game Pokémon trong nghiên cứu này không hề chịu tác động xấu trong dài hạn, thậm chí nhiều người còn có học vị cao.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Human Behaviour.

Tham khảo: Science Alert