Khoa học giải thích: Tại sao lũ mèo thích hộp?

Zknight  - Theo Helino | 30/12/2019 11:20 AM

Không chỉ tự kỷ và sống nội tâm, mèo còn là một loài vật anti-social đúng nghĩa.

Đã bao giờ bạn mua cho con mèo nhà mình một thứ đồ chơi mới, nhưng kết quả chỉ nhận lại sự lạnh lùng và thờ ơ của nó? Một con mèo có thể không thích mấy quả bóng chuông, một cái bàn cào móng hay thậm chí cả một tòa nhà cây mà người giao hàng vừa mang tới.

Nhưng bạn đừng vội thất vọng. Con mèo chắc chắn sẽ thích một thứ: cái hộp. Bạn hãy tìm mấy cái hộp mà người giao hàng vừa để lại, dựng lên và mở nắp ra cho nó. Con mèo sẽ tự động trườn vào và cuộn tròn trong đó một cách bình yên và hạnh phúc.

Vô số video trên Internet đã chứng minh lũ mèo thích hộp, bất kể là một cái hộp to hay nhỏ, vuông, méo hay tròn đều không thành vấn đề. Bạn đặt cái hộp trên mặt đất, trên ghế hay trên tận nóc kệ sách, con mèo sẽ nhanh chóng rúc mình vào đó.

Nhưng rốt cuộc thì điều gì đã khiến cái hộp Tiki quyến rũ được loài Felis sylvestris catus? 

Khoa học giải thích: Tại sao lũ mèo thích hộp? - Ảnh 1.

Khoa học giải thích: Tại sao lũ mèo thích hộp?

Giống như những hành động kỳ lạ khác mà lũ mèo hay làm, khoa học cũng không thể giải thích được cặn kẽ cách chúng nghĩ về những cái hộp.

Nguyên nhân rõ ràng nhất có vẻ là từ bản năng săn mồi của mèo, một loài thích phục kích. Cái hộp cung cấp nơi ẩn náu tuyệt vời để nó có thể rình rập con mồi từ xa, và rồi rút lui về khi cần thiết.

Nhưng rõ ràng, mọi thứ không chỉ đơn giản như vậy. Một số nhà sinh học hành vi động vật và bác sĩ thú y đã đưa ra những lời giải thích thú vị khác. Mà nếu đặt tất cả các bằng chứng lại với nhau, bạn sẽ thấy lũ mèo không chỉ thích những chiếc hộp, mà chúng còn cần nó.

Mèo và khoa học về mèo

Ngay cả các nhà khoa học cũng không thể thoát khỏi sự quyến rũ từ xa của lũ mèo. Hãy kể đến Erwin Schrodinger với thí nghiệm nổi tiếng của ông. Edwin Hubble cũng nuôi một con mèo có tên là Copernicus, nó thường nằm dài trên bàn làm việc bừa bộn giấy tờ của nhà thiên văn người Mỹ.

Một con mèo Xiêm có tên là Chester thậm chí còn được liệt kê là đồng tác giả trong một bài báo khoa học trên tạp chí Physical Review Letters vào năm 1975, cùng với chủ nhân của nó nhà vật lý Physical Review Letters.

Năm 1963, các nhà khoa học người Pháp cũng đã tài trợ một chuyến bay khứ hồi miễn phí dành cho Félicette, một con mèo cái đầu tiên được đưa vào không gian.

Khoa học giải thích: Tại sao lũ mèo thích hộp? - Ảnh 2.

Không gian sống và độ kín của nó tác động sâu sắc đến cả hành vi và sinh lý của loài mèo.

Tuy nhiên, sự thật thì mèo rất ít khi được chọn làm đối tượng nghiên cứu so với các loài động vật khác như chó hay chuột. Bạn cứ thử tưởng tượng đến cái bộ dạng dửng dưng và bất hợp tác của nó thì biết. Ngay cả các nhà khoa học cũng khó có thể hiểu được lũ mèo nghĩ gì.

Chỉ có một số lượng không quá nhiều các nghiên cứu hành vi trên những con mèo được thực hiện trong vòng 50 năm qua. Hầu hết là các nghiên cứu thuộc dạng "environmental enrichment", trong đó, các nhà khoa học đưa lũ mèo vào các môi trường sống với nhiều kích thích khác nhau để điều tra những kích thích não đáp ứng với mỗi môi trường ấy.

Kết quả từ những nghiên cứu này đều cho thấy con mèo của bạn là một sinh vật tự kỷ và sống nội tâm. Nó có được sự thoải mái và cảm giác an toàn trong các không gian kín, cho dù đó là một hốc cây, một góc nhà, khe hở giữa hai bức tường hay… đúng rồi, một chiếc hộp.

Không gian sống và độ kín của nó tác động sâu sắc đến cả hành vi và sinh lý của loài mèo. Claudia Vinke, một nhà nghiên cứu đạo đức học đến từ Đại học Utrecht, Hà Lan đã từng làm một nghiên cứu với những con mèo bị bỏ rơi trong một đơn vị cứu hộ.

Thí nghiệm được thiết kế đơn giản, cô chia lũ mèo mới được nhận về thành hai nhóm. Một nhóm được cung cấp rất nhiều hộp, trong khi đó, nhóm còn lại không hề được trông thấy bất kỳ chiếc hộp nào.

Kết quả, Vinke đã tìm thấy sự khác biệt đáng kể về mức độ căng thẳng giữa những con mèo có hộp và những con mèo không. Những con mèo được cung cấp hộp đã làm quen với môi trường sống mới trong trạm cứu hộ nhanh hơn, chúng ít bị căng thẳng hơn rất nhiều và thích thú hơn khi tương tác với con người.

Khoa học giải thích: Tại sao lũ mèo thích hộp? - Ảnh 3.

Mèo cảm thấy an toàn hơn khi ở trong một chiếc hộp.

Cũng dễ hiểu, bởi bất kỳ con mèo nào khi đối mặt với một tình huống căng thẳng, điều đầu tiên mà chúng sẽ làm là rút lui và ẩn trốn. "Ẩn trốn là một chiến lược hành vi của loài vật để đối phó với những môi trường bị biến đổi và sự xuất hiện của yếu tố gây căng thẳng", Vinke giải thích.

Điều này đúng với lũ mèo trong tự nhiên, và cũng đúng với con mèo trong nhà bạn. Chỉ khác ở chỗ, trong khi những con mèo hoang có thể rút lui lên một cái cây, một xó xỉnh hoặc một cái hốc, con mèo nhà bạn có thể tìm thấy sự thoải mái của nó trong chiếc hộp giày.

Cái hộp anti-social

Không chỉ tự kỷ và sống nội tâm, mèo còn là một loài vật anti-social đúng nghĩa. Chúng rất kém trong khoảng gặp gỡ và giao tiếp so với các loài khác. Vì vậy, mèo thường tránh mặt trong các cuộc tiếp xúc với một con mèo hay bất kỳ loài sinh vật nào khác, bao gồm cả chúng ta.

Nếu bị ép buộc phải gặp gỡ, nó sẽ cố gắng thu mình và giảm hoạt động của chúng xuống thấp nhất có thể. Hóa ra không phải lũ mèo thờ ơ với bạn, chỉ là chúng đang bối rối và không biết làm gì như một anh chàng nhút nhát trong buổi hẹn hò đầu tiên.

Đúng vậy, thay vì đối mặt, mèo có xu hướng chạy trốn. Theo lý thuyết này, một chiếc hộp chính là vùng an toàn cho lũ mèo có thể lánh mặt. Chui vào đó, mọi lo lắng, thù địch và sự chú ý dành cho nó đơn giản sẽ bị xua tan đi hết. Con mèo thậm chí chẳng cần nhìn mặt bất cứ ai khi nó nằm cuộn trong một chiếc hộp.

Tất nhiên vấn đề với lời giải thích này là nó chỉ đúng trong trường hợp lũ mèo gặp căng thẳng, cái hộp sẽ thu hút chúng như một nơi ẩn trốn. Thế còn những con mèo tăng động đang chơi với cái hộp một cách điên cuồng như video dưới đây thì sao? Hẳn phải có một lời giải thích khác.

Con mèo Maru và cái hộp

Nguyên tắc là: Thứ gì vừa, thì trẫm sẽ ngồi

Nếu bạn dành cả ngày để quan sát con mèo nhà mình một cách tinh tế, bạn sẽ thấy ngoài chiếc hộp, nó còn chọn nhiều địa điểm kỳ lạ khác để thư giãn. Một số con mèo sẽ cuộn tròn trên bồn rửa mặt trong phòng tắm, một số chui cả vào giày, túi mua sắm, cốc cà phê, hộp trứng rỗng, nhiều loại không gian nhỏ hẹp mà bạn không nghĩ chúng sẽ thoải mái.

Điều này đưa chúng ta đến một lý do khác khiến mèo thích những chiếc hộp nhỏ: Ngoài trời đang quá lạnh.

Theo một nghiên cứu năm 2006 của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Hoa Kỳ, một con mèo nhà sẽ cảm thấy thoải mái nhất trong khoảng nhiệt độ từ 30-36 độ C. Ở khoảng nhiệt này, lũ mèo sẽ không cần phải tạo thêm nhiệt để giữ ấm hoặc tiêu tốn năng lượng để làm mát cơ thể chúng xuống.

Khoảng nhiệt thoải mái của mèo cao hơn nhiều so với con người chúng ta. Điều này giải thích tại sao bạn thấy con mèo nhà hàng xóm có thể nằm dài trên đường bê tông vào mùa hè, đắm mình dưới ánh sáng mặt trời trong khi bạn thì đang phát ngốt lên được.

Nó cũng giải thích tại sao nhiều con mèo thích cuộn tròn trong những chiếc hộp bìa các tông nhỏ và cả những nơi kỳ lạ khác. Các tông là một chất cách nhiệt tuyệt vời và không gian hạn chế buộc con mèo phải cuộn tròn lại từ đó giúp nó giữ được nhiều nhiệt cơ thể hơn.

Khoa học giải thích: Tại sao lũ mèo thích hộp? - Ảnh 5.

Lũ mèo cảm thấy thoải mái nhất trong khoảng nhiệt từ 30-36 độ, thấp hơn chúng sẽ thấy lạnh và cần một nơi ấm áp để chui mình vào.

Một nghiên cứu khác của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy, vì nghĩ rằng mèo cũng giống người mà chúng ta thường để môi trường sống của chúng quá lạnh, trung bình ở ngưỡng 22 độ C, mát mẻ với chúng ta nhưng dưới khoảng nhiệt thoải mái của mèo tới 8 độ.

Vậy thì chẳng có gì ngạc nhiên nếu con mèo cần đến một cái hộp trong lúc đó. Bạn cứ tưởng tượng mình bị ném vào một căn phòng 14 độ mà xem, bạn có cần một chiếc hộp hay không?

Nói tóm lại, lũ mèo cảm thấy những chiếc hộp sẽ đem lại sự ấm áp, an toàn và thoải mái cho chúng. Mèo có thể trốn trong đó, thư giãn, ngủ và đôi khi là để rình rập con mồi trong bếp nhà bạn. 

Nó cũng coi cái hộp như một chỗ trú ẩn để lui về, ai mà biết được mấy con khỉ to lớn và khó đoán sẽ bất chợt làm gì chúng, một sinh vật nhút nhát và tự kỷ đôi khi lắm mới cào ghế sofa và trèo qua mâm cơm.

Tham khảo Wired, Trí Thức Trẻ