- Theo Helino | 29/01/2018 05:00 PM
Từ trước tới nay các bậc phụ huynh Việt Nam thường có cách suy nghĩ rằng chơi game, ngồi lỳ trước máy tính quá lâu sẽ khiến cho thành tích học tập của con em họ kém đi. Dĩ nhiên những điều các bậc làm cha làm mẹ lo lắng hoàn toàn không hề vô căn cứ một chút nào. Những cậu bé tuổi ăn tuổi học thường luôn bị thu hút bởi những tựa game đầy màu sắc và lôi cuốn, khác xa những cuốn vở hay sách giáo khoa “cứ nhìn là buồn ngủ”.
"Trò chơi điện tử làm hạn chế khả năng hoạt động của não", "Trò chơi điện tử có thể thay đổi bộ não của trẻ em", "Trò chơi điện tử tăng cường sức mạnh não"... Trên đây là tất cả vấn đề đã xuất hiện trong những năm qua xung quanh việc chơi game có ảnh hưởng như thế nào đến não bộ con người. Một bức tranh hoàn toàn rối rắm và thiếu tính chính xác về mặt khoa học về những tác động của loại hình giải trí tương tác này.
Trong khi rõ ràng đã có nhiều nghiên cứng về vấn đề này và đưa ra những kết luận khá mâu thuẫn nhưng tựu chung thì tất cả vẫn chỉ còn đang trong giai đoạn "trứng nước". Nhưng có một điều mà dường như được khá nhiều người đồng ý là chơi game có thể nâng cao vài kỹ năng nhất định chẳng hạn như khả năng làm nhiều việc cùng lúc (đa tác nhiệm), nhận thức vấn đề chi tiết hơn, quan tâm chuyên sâu đến công việc cụ thể hơn, thay đổi phù hợp với hoàn cảnh và đưa ra các quyết định đúng đắn.
Dưới đây là một nghiên cứu tương tự. Theo một cuộc nghiên cứu tại Úc, được tổ chức bởi Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne, dựa trên dữ liệu của 12 nghìn học sinh trung bọc cho thấy những cô bé cậu bé chơi game nhiều sẽ học giỏi những môn khoa học tự nhiên, toán học và đọc hiểu. Những người chơi game hàng ngày có điểm số cao hơn hẳn những bạn đồng trang lứa trong những bài kiểm tra. Tuy nhiên cho dù có bằng chứng cho thấy những người chơi game có điểm số cao hơn, nhưng không thể từ đó mà mặc định rằng chơi game giúp game thủ học và có kết quả học tập tốt hơn, chỉ đơn thuần là họ... không dốt hơn mà thôi.
Alberto Rosso, một trong những người chịu trách nhiệm cho cuộc nghiên cứu cho biết: "Khi bạn chơi những tựa game online với gameplay giải đố, khả năng sử dụng những kiến thức và kinh nghiệm trong thế giới ảo cũng sẽ theo bạn ra ngoài đời thực và từ đó giúp kết quả học tập được nâng lên."
Và cùng với đó, họ cũng chứng minh được một vấn đề khác, đó là nghiện những mạng xã hội như Facebook hay Twitter sẽ khiến cho kết quả học tập bị giảm sút. Cụ thể hơn, những cô cậu học trò sử dụng mạng xã hội hàng ngày có điểm số thấp hơn trung bình 4%. Đáng sợ thay, càng mê mạng xã hội, điểm số sẽ càng thấp đi.