Thể Thao Văn Hóa | 08/05/2023 11:53 AM
Vào cuối thời Đông Hán, thiên hạ loạn lạc, anh hùng khắp nơi nổi lên tranh cứ. Người xưa có câu "Loạn thế xuất anh hùng". Câu nói này quả không sai với giai đoạn lịch sử này. Cụ thể, trong thiên hạ lúc bấy giờ bỗng xuất hiện rất nhiều võ tướng, anh hùng, hào kiệt. Trong số đó, có một vị tướng từng khiêu chiến với Triệu Vân, đuổi giết Quan Vũ và tấn công Lã Bố, gây "chấn động" thiên hạ.
Hạ Hầu Đôn là võ tướng được Tào Tháo tin tưởng.
Người này chính là Hạ Hầu Đôn, công thần khai quốc của nhà Tào Ngụy thời Tam Quốc. Ông cũng chính là anh họ của Hạ Hầu Uyên và là một trong những mãnh tướng rất trung thành với Tào Tháo. Lúc sinh thời, Hạ Hầu Đôn không chỉ là đồng hương, bạn chí cốt mà còn là một vị tướng thân tín của Tào Tháo, được phép đi chung xe ngựa với vị quân chủ này. Đây là vinh dự mà ngay cả hai tướng cận vệ là Điển Vi và Hứa Chử cũng không có.
Ngay từ khi còn trẻ, Hạ Hầu Đôn đã đầu quân cho Tào Tháo từ rất sớm. Vì dũng mãnh, thiện chiến nên Hạ Hầu Đôn luôn ở vị trí tiên phong trong các trận chiến. Tuy nhiên, vị tướng được Tào Tháo tin tưởng lại không may hỏng một bên mắt trong một trận chiến. Theo đó, vào năm 198, sau khi nhận thấy thế lực của Lưu Bị ở Tiểu Bái, Lã Bố lo ngại nên liền mang quân tới đánh.
Trong tình thế này, Lưu Bị phải cầu cứu Tào Tháo. Lúc bấy giờ, Tào Tháo đã sai Hạ Hầu Đôn mang quân tới để cứu Lưu Bị. Đại quân Tào và quân của Lã Bố đụng độ ở Từ Châu. Trong trận chiến này, Hạ Hầu Đôn không những bị quân của Lã Bố đánh bại mà còn bị mù một mắt.
Khi nhắc đến Hạ Hầu Đôn, nhiều người cho rằng vị tướng này tuy dũng mãnh, tài giỏi hơn người, nhưng lại có thành tích quân sự khá mờ nhạt. Trên thực tế, khi dẫn quân ra trận, Hạ Hầu Đôn rất ít giành chiến thắng. Tuy nhiên, luận về võ nghệ, khả năng của võ tướng này khiến nhiều người ngạc nhiên.
Sau khi Lã Bố qua đời, khi các anh hùng, võ tướng trong thiên hạ được xưng tụng, họ thường được coi là "dũng mãnh không thua Lã Bố". Tuy nhiên, trên thực tế, khi Lã Bố còn sống, có rất ít người thắng được danh tướng này.
Lã Bố là danh tướng vô cùng thiện chiến.
Đặc biệt, về đơn thương độc mã, càng có ít người dám cả gan khiêu chiến với Lã Bố, võ tướng vô cùng thiện chiến và có võ nghệ cao siêu. Nhưng Hạ Hầu Đôn lại là một trong số ít võ tướng đó.
Trong lần giao đấu đầu tiên, quả nhiên Hạ Hầu Đôn bị Lã Bố đánh bại. Tuy nhiên, đến lần thứ hai giao chiến, kết quả của trận đấu là hòa.
Cụ thể, vào năm 194, Lã Bố đã lấy Bộc Dương làm bản doanh và mang quân tới chiếm các thành trì ở Duyện Châu của Tào Tháo. Theo Tam Quốc chí, Hạ Hầu Đôn truyện, khi võ tướng này đưa quân vận và tư trang đến cho gia quyến của Tào Tháo tại Yên Thành (thành trì trung thành với Tào Tháo) thì gặp Lã Bố. Hai bên đã giao chiến.
Không ngờ Lã Bố vờ rút chạy về Bộc Dương rồi sau đó dùng mưu tập kích ở phía sau nhằm cướp quân vận của Hạ Hầu Đôn. Lã Bố còn bày kế để bắt giữ Hạ Hầu Đôn làm con tin. May mắn là tướng dưới quyền dẫn quân đến vây trướng và bắt người của Lã Bố nên cứu được Hạ Hầu Đôn.
Khi Tào Tháo bỏ Từ Châu để mang quân về lấy lại Duyện Châu, Hạ Hầu Đôn cũng đi theo để đánh Lã Bố. Sau trận chiến này, mặc dù Hạ Hầu Đôn đã bị mất một mắt, nhưng võ tướng này vẫn có thể đánh cho quân của Luu Bị thua chạy tan tác vào đầu năm 200.
Sau khi Tào Tháo đích thân mang theo đại quân tới đánh, Lưu Bị thua chạy tan tác nên phải chạy lên Hà Bắc để nương nhờ Viên Thiệu. Trương Phi cũng phải chạy tới tận Cổ Thành, thuộc quận Nhữ Nam. Trong khi đó, Quan Vũ trấn thủ Hạ Bì nhưng không chống nổi đại quân của Tào Tháo, do chênh lệch về lực lượng giữa đôi bên quá lớn.
Quan Vũ là danh tướng nổi danh trong Tam Quốc, đồng thời là người mà Tào Tháo cả đời muốn chiêu mộ.
Để chặn đường trở về thành của Quan Vũ, Tào Tháo đã cử Hứa Chử và Từ Hoảng đến chặn hậu. Tuy nhiên, Quan Vũ dễ dàng đánh bại hai mãnh tướng của Tào Tháo. Đúng lúc này, Hạ Hầu Đôn lại ra tay ngăn cản. Cả ba mãnh tướng của Tào Ngụy bao vây Quan Vũ ở Thổ Sơn. Quan Vũ ban đầu không chịu đầu hàng, nhưng sau nghĩ đến sự an toàn của gia quyến Lưu Bị nên ông đành chấp nhận.
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, Cũng trong năm 200, sau khi lập công báo đáp Tào Tháo, Quan Vũ nghe được tin tức của Lưu Bị. Ngay lập tức, Quan Vũ đã hộ tống gia quyến của Lưu Bị, một mình một ngựa vượt qua 5 ải, chém 6 tướng của Tào Tháo.
Quan Vũ giao đấu với Hạ Hầu Đôn trên đường đi tìm Lưu Bị.
Hạ Hầu Đôn mặc dù là người chính trực và trung thành, nhưng lại rất nóng nảy. Sau khi nghe tin Quan Vũ qua 5 ải, chém 6 tướng trên đường đi tìm Lưu Bị, võ tướng này đã rất bực tức.
Do đó, Hạ Hầu Đôn đã dẫn theo kỵ binh đuổi theo Quan Vũ để chặn đường. Khi đuổi đến nơi, Hạ Hầu Đôn đã lao tới giao chiến với Quan Vũ. Hai bên giao đấu kéo dài. May mắn là sứ giả của Tào Tháo đã tới để thông báo cho Quan Vũ được qua ải và chấm dứt trận đấu này.
Việc Hạ Hầu Đôn có thể giao đấu với Quan Vũ trong nhiều hiệp đủ để thấy bản lĩnh và khả năng chiến đấu của võ tướng này.
Trong số 3 lần từng giao đấu với Quan Vũ, Hạ Hầu Đôn dù không đánh thắng được Quan Vũ, nhưng cũng không bị thua. Dù bị hỏng một bên mắt nhưng ông vẫn không hề nao núng khi giao đấu với Quan Vũ.
Triệu Vân vô cùng dũng mãnh và có khả năng chiến đấu tuyệt vời trên chiến trường.
Người cả gan khiêu chiến với Triệu Vân, võ tướng được xưng tụng là "hoàn mỹ nhất Tam Quốc" chính là Hạ Hầu Đôn.
Theo đó, khoảng năm 202, khi Triệu Vân đi theo Lưu Bị khởi binh từ Tân Dã để tiến đánh Tào Tháo, có đi qua Nam Dương, Bác Vọng, sau đó đến huyện Diệp thuộc phía tây nam Hứa Xương. Tướng trấn thủ huyện Diệp lúc bấy giờ là Hạ Hầu Đôn, Vu Cấm và Lý Điển. Sau khi đánh huyện Diệp không nổi, Lưu Bị đành phải rút lui.
Khi Hạ Hầu Đôn mang theo quân đến truy kích, Lưu Bị đã đặt phục binh tại Bác Vọng. Hạ Hầu Đôn giao chiến với Triệu Vân. Kết quả, không những Triệu Vân đánh bại Hạ Hầu Đôn mà còn bắt sống bộ tướng dưới quyền là Hạ Hầu Lan. Lúc bấy giờ, Hạ Hầu Đôn đành phải lui binh.
Hạ Hầu Đôn là một trong những võ tướng mạnh nhất dưới trướng của Tào Tháo.
Dù không thắng được Lã Bố, Quan Vũ hay Triệu Vân, nhưng việc dũng cảm khiêu chiến và giao đấu với ba võ tướng trên đủ để thấy Hạ Hầu Đôn không phải là một vị tướng tầm thường.
Sau khi Tào Tháo qua đời vào năm 220, Tào Phi đã phong chức Đại tướng quân cho Hạ Hầu Đôn. Đáng tiếc, chỉ 3 tháng sau ông đã qua đời vì bệnh. Theo Tam Quốc chí mô tả, Hạ Hầu Đôn là người rộng rãi và khiêm nhường. Ông từng phân phát của cải dư thừa và chỉ giữ lại số tài sản đủ để sống. Sau khi qua đời, Hạ Hầu Đôn đã được phong tước là Trung hầu để tôn vinh lòng trung thành của ông.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Baidu