Vật liệu mới sẽ tăng tuổi thọ pin lên gấp 100 lần?

S&L  | 28/11/2011 05:01 PM

Nếu công nghệ này thành công, tương lai, chúng ta chỉ phải thay pin mỗi 10 năm 1 lần.

Một trong những vấn đề lớn nhất đối với bất cứ thiết bị cầm tay di động nào chính là pin. Các loại pin sạc tốt nhất hiện nay thường bắt đầu "lão hóa" sau khoảng 12 tháng sử dụng liên tục. Điều này làm đau đầu cả nhà sản xuất lẫn người dùng. Tuy nhiên, sẽ có một loại vật liệu mới có khả năng thay đổi điều này hoàn toàn.
 

 
Một nhóm các nhà khoa học tại Stanford đang tiến gần đến việc phát minh ra một loại pin có khả năng sạc mới với vòng đời rơi vào khoảng 40.000 lần sạc. Con số này gấp khoảng một trăm lần so với các pin Lithium-Ion phổ biến hiện nay (được dùng trong hầu hết các thiết bị di động như smartphone, tablet...). Nếu thành công, loại pin mới sẽ có khả năng sử dụng trong khoảng 10 - 30 năm.
 
Đâu là nguồn gốc của sự kỳ diệu này? Nó bắt nguồn từ loại vật liệu sẽ được sử dụng để sản xuất: hexacyanoferrate đồng (công thức hóa học và cấu trúc các bạn có thể xem ở phía dưới). Cấu trúc mạng tinh thể của loại vật liệu này cho phép các ion ra và vào dễ dàng hơn trong suốt quá trình sạc. Điều này sẽ khiến cho pin chậm lão hóa và có tuổi thọ cao hơn rất nhiều. Hơn nữa, nó cũng giúp cho việc nạp và xả trở nên nhanh chóng hơn.
 

 
Tuy nhiên, vẫn có một trở ngại "nhỏ". Để cấp điện và dự trữ trong loại pin này: nó cần một hiệu điện thế rất lớn đặt ở hai đầu (điện cao áp ở ca tốt và cực thấp tại anot). Các nhà khoa học này vẫn chưa tìm ra cách để khắc phục trở ngại này và hiện tại, loại pin mới chưa thể đóng gói và sử dụng cho các nhu cầu thông thường (như pin điện thoại chẳng hạn). Tuy nhiên, có nhiều lý do để chúng ta hi vọng vào tương lai của loại pin mới này. Biết đâu, công nghệ này cộng thêm với công nghệ kéo dài tuổi thời lượng sử dụng pin gấp 10 lần mà chúng tôi đã đề cập cách đây không lâu sẽ cùng ra mắt trong thời gian tới?
 
Tham khảo Gizmodo
Theo Mask Online