Ung thư tuyến tụy - Căn bệnh cướp đi mạng sống của Steve Jobs

Trần Nam Sơn  | 16/10/2011 05:00 PM

Cùng tìm hiểu về căn bệnh đã cướp đi tính mạng của thiên tài Steve Jobs.

Căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của Steve Jobs
 
Trong thông báo chính thức về cái chết của nhà sáng lập Steve Jobs, ở tuổi 56, Apple không đề cập chi tiết đến nguyên nhân gây ra cái chết của ông. Nhưng theo nhiều nguồn đáng tin cậy, ông đã chống chọi với căn bệnh ung thư tụy kể từ khi được chẩn đoán vào năm 2004.
 
Ung thư tụy là một trong những ung thư di căn rất nhanh, chỉ có khoảng 4% bệnh nhân có thể sống sót được đến 5 năm sau khi được chẩn đoán. Mỗi năm, có khoảng 44.000 ca mới được chẩn đoán ở Mỹ, và 37.000 người ra đi vì căn bệnh này.
 

 
Về chức năng, tụy được chia làm 2 phần: Tụy ngoại tiết sản xuất ra các men giúp tiêu hóa thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng, tụy nội tiết thì sản sinh ra các hormon (nội tiết tố) giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Steve Jobs chết vì khối u phát triển trong tụy nội tiết, một loại ung thư tụy cực-kỳ-hiếm-gặp.
 
Những nỗ lực chống lại bệnh tật của Steve Jobs
 
Năm 2004, Steve Jobs bước vào cuộc phẫu thuật loại bỏ khối u khỏi tụy. Năm 2009, ông bước vào cuộc phẫu thuật ghép gan, trong một nỗ lực giữ lại càng nhiều chức năng sinh lý bình thường càng tốt, sau khi ung thư đã di căn đi nhiều nơi. Tháng 1 năm đó, ông đã đệ đơn xin từ chức.
 
"Tôi luôn nói rằng nếu như có ngày tôi không còn có thể thực hiện những nghĩa vụ và tâm nguyện của mình ở Apple, tôi sẽ là người đầu tiên nói cho các bạn biết." -- trích lời Steve Jobs trong lá thư gửi ban quản trị tập đoàn Apple vào ngày 24 tháng 8. "Thật không may mắn, ngày đó đã đến."
 

 
Theo như các chuyên gia, cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư tụy của Jobs là một cuộc chiến không cân sức. "Không chỉ mắc ung thư, ông ấy còn phải chiến đấu chống lại chứng ngăn chặn miễn dịch sau khi ghép gan" - Trích lời bác sỹ Timthy Donahue trong bài phỏng vấn với MSNBC.com. "Phần lớn bệnh nhân được ghép gan sống thêm được khoảng 2 năm sau khi phẫu thuật".
 
Phác đồ điều trị chuẩn cho bệnh ung thư tụy, cũng giống như các loại ung thư khác, bao gồm phẫu thuật, hóa trị liệu, xạ trị, và gần đây nhất, là những loại thuốc điều trị nhắm đích kháng tế bào ung thư, góp phần kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân. Năm 2005, cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ đã cho phép sử dụng thuốc erlotinib (một loại thuốc chuyên nhắm vào những yếu tố thúc đẩy phát triển khối u), trong phác đồ điều trị bệnh ung thư tụy. Loại thuốc này đã chứng tỏ vai trò của nó trong thực nghiệm, khi tăng phần trăm bệnh nhân sống sót qua 1 năm lên 23% khi phối hợp với hóa trị liệu. Khối u ở bệnh nhân được dùng loại thuốc này kết hợp với hóa trị liệu phát triển chậm hơn thấy rõ, so với những bệnh nhân chỉ dùng liệu pháp hóa trị liệu đơn độc.
 
Tiên lượng ở những bệnh nhân ung thư tụy thường là rất xấu, tuy nhiên, vẫn có nhiều bệnh nhân lựa chọn giải pháp điều trị thay thế, trong đó phổ biến nhất là chế độ ăn kiêng mang tên nhà khoa học Gonzalez, liên quan tới việc sử dụng các men của tuyến tụy để chống lại chính khối u ở tụy. Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ này còn nhận một lượng cung cấp dinh dưỡng lớn, bao gồm các vitamin và khoáng chất, ví dụ như magie sulfat.
 

 
Người phát triển phác đồ điều trị này, tiến sĩ Nicholas Gonzalez đã thừa nhận rằng việc sử dụng các men tụy là một cách thức rất hiệu quả trong việc ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư tụy. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu xuất bản năm 2009 trên tờ Journal of Clinical Oncology (1 tạp chí xuất bản 1 năm 3 lần của hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ), sự so sánh giữa 2 nhóm bệnh nhân, 1 nhóm điều trị theo phác đồ của Gonzalez, 1 nhóm điều trị theo phác đồ hóa trị liệu thông thường, cho thấy rằng nhóm của Gonzalez chỉ sống thêm được trung bình là 3-4 tháng, trong khi nhóm còn lại là khoảng 14 tháng.
 
Không có báo cáo chính thức nào cho thấy Steve Jobs đã thử phương thức điều trị của Gonzalez, tuy nhiên ông đã được điều trị theo những phác đồ điều trị thay thế khác.Theo báo cáo của tờ Fortune năm 2008, Steve Jobs đã bắt đầu điều trị bằng chế độ kiêng khem thay vì phẫu thuật, sau khi ông được chẩn đoán bệnh vào năm 2004. Cũng theo báo cáo của Fortune năm 2009, Steve Jobs đã đến Thụy Sĩ để tiến hành phác đồ điều trị xạ trị phụ thuộc hormone. Chi tiết cụ thể không được tiết lộ, nhưng trường đại học Y Basel ở Thụy Sĩ cho biết đó là một liệu pháp điều trị đặc biệt cho những khối u thần kinh nội tiết, và không được phép áp dụng ở Hoa Kỳ.
 
Những nỗ lực đó để kéo dài tuổi thọ cho Steve Jobs, hay để cải thiện chất lượng cuộc sống cho những ngày cuối cùng của ông, điều đó vẫn chưa được làm sáng tỏ. Nhưng những chuyên gia trong lĩnh vực ung thư đều bất ngờ khi Steve Jobs vẫn có thể sống và chiến đấu với bệnh tật được lâu đến thế. Phần lớn những bệnh nhân ung thư tụy đều chết sau 4-6 tháng kể từ khi được chẩn đoán. Một nhân vật nổi tiếng khác cũng mắc bệnh ung thư tụy, diễn viên Patrick Swayze, không được may mắn như Steve. Ông mất 20 tháng sau khi được chẩn đoán.
 

 
Steve Jobs đã mất trong thời điểm mà những nhà nghiên cứu đang không ngừng thúc đẩy những nỗ lực trong điều trị ung thư, đặc biệt là với những tác nhân kháng tế bào ung thư có thể tìm và diệt chính xác ổ bệnh. Không may là, căn bệnh của ông được cho là đã đến giai đoạn cuối cùng, và quá khó để ghìm lại tốc độ phát triển của khối u, cho dù là với những công nghệ tiên tiến nhất.
 
"Apple đã mất một thiên tài với tầm nhìn chiến lược và khả năng sáng tạo, và thế giới đã mất đi một con người vĩ đại" - Trích lời Tim Cook, người kế vị Steve Jobs ở Apple. "Steve đã để lại những công trình mà chỉ có ông ấy mới có khả năng tạo nên, và tinh thần của ông sẽ sống mãi với Apple".
 

Tham khảo: healthlandtime.com

Xem thêm:

khám phá