Trái đất sẽ ra sao trong 50 thiên niên kỷ tới?

PV  | 15/04/2012 05:00 PM

Cùng tìm hiểu về sự biến đổi của Trái đất cũng như tương lai của con người trong 50 thiên niên kỷ tới.

Dự đoán tương lai của Trái đất cũng giống như dự báo thời tiết, bạn đi càng xa, những gì bạn vạch ra càng thiếu chính xác. Theo như logic này, việc dự báo tương lai 50.000 năm tới của Trái đất dường như là điều bất khả thi, nhưng chúng ta có trong tay hơn 4 tỷ năm lịch sử hình thành Trái đất để hoàn thành nhiệm vụ này.
 

 
Khi xem xét sự hình thành trái đất, bạn có thể dựa vào những quá trình bất biến: đó là sự tuyệt chủng, sự tiến hóa, sự kiến tạo địa tầng và những thay đổi của khí hậu – từ đó đưa ra những suy đoán về tương lai của hành tinh. Hãy cùng tìm hiểu về hình dạng của trái đất cũng như sự biến đổi của con người trong 50 thiên niên kỷ nữa qua bài viết dưới đây.
 
Những thay đổi của Trái đất
 
Thứ nhất, Trái đất là một hành tinh luôn tự quay quanh trục của nó và quanh mặt trời. Những chuyển động của Trái đất luôn có một ảnh hưởng nhất định đến sự tồn tại của các sinh vật trên hành tinh. Không chỉ tự quay quanh trục của mình, trái đất cũng có sự dao động không ngừng ở 2 cực - giống như một con quay lắc lư không ngừng. Các nhà khoa học gọi đây là hiện tượng tuế sai, và nó sẽ làm cho trục trái đất sẽ chỉ đến những điểm khác nhau trên vũ trụ.
 

 
Ngay vào thời điểm này, điểm cực bắc đang chỉ đến Polaris - sao Bắc Đẩu, nhưng trong 13.000 năm nữa, Vega sẽ trở thành ngôi sao Bắc Đẩu mới. Trong 50.000 năm, trái đất sẽ hoàn thành xong 2 chu kỳ tuế sai, có nghĩa là những gì bạn nhìn thấy trên bầu trời đêm nay cũng sẽ chẳng khác gì tương lai 50 thiên niên kỷ tới.
 
Quan trọng hơn, những thay đổi sẽ đến từ việc Trái đất sẽ không còn được giữ được quỹ đạo và độ nghiêng như lúc này. Trong một chu kỳ khoảng 97.000 năm, quỹ đạo Trái đất sẽ thay đổi từ dạng vòng tròn (một cách tương đối) sang dạng hình elip. Cũng trong thời điểm này, độ nghiêng của Trái đất sẽ thay đổi một vài độ, từ 22.1 độ ở 1 cực đến 24.5 độ ở cực còn lại.
 

 
Sự kết hợp của hai hiệu ứng này sẽ gây ra sự thay đổi trong việc tiếp nhận nguồn năng lượng từ mặt trời. Khi Trái đất đã đạt đến vị trí thích hợp, chúng ta sẽ lại được nếm trải mùi vị của kỷ Băng Hà. Trong quá khứ, kỷ Băng Hà đã kéo dài gần 100.000 năm, với một khoảng "nghỉ" 10.000 năm ở giữa. Nhiều nhà khoa học cho rằng, hiện nay Trái đất vẫn đang ở trong một khoảng lặng giữa kỷ Băng Hà. Họ cũng đưa ra dự đoán rằng băng và tuyết sẽ quay trở lại trong khoảng 80.000 năm nữa.
 
Tương lai Trái đất - từ Băng giá đến sự phun trào của núi lửa
 
Liệu sự nóng lên toàn cầu có gây ảnh hưởng đến kịch bản về kỷ Băng hà vừa được vẽ lên ở trên? Có lẽ là không, ít nhất là trong tương lai gần.
 
Nhưng với một tương lai gần hơn thế, nó sẽ làm thay đổi mạnh mẽ thế giới chúng ta đang sinh sống. Bạn sẽ cảm thấy sự ảnh hưởng này một cách rõ ràng trong tương lai 200 năm tới (nếu như bạn còn sống). Mức carbon dioxide trong khí quyển vào lúc đó sẽ cao hơn bất cứ thời điểm nào trong vòng 650.000 năm trở lại đây.
 

 
Carbon dioxide sẽ tạo thành một bức tường ngăn chặn các bức xạ mặt trời thoát ra ngoài không gian, và do đó - làm hành tinh nóng lên một cách đáng kể. Nhiệt độ trung bình tăng lên, chỉ cần vài độ, sẽ kéo theo nhiều hậu quả cực kỳ tai hại. Băng ở 2 cực tan chảy, mực nước biển tăng lên và những quốc gia ven biển lúc đó sẽ phải gánh chịu đủ mọi tai họa. Các đại dương trở nên ấm hơn, và nước biển sẽ toan hóa nhiều hơn - điều này dẫn đến sự sụp đổ của hàng loạt rặng san hô. Nhiều loài sinh vật biển sẽ phải đối diện với nguy cơ tuyệt chủng, nhưng chúng không hề đơn độc. Một phần tư những loài động vật và thực vật trên đất liền cũng sẽ bị xóa sổ.
 
Kịch bản trên có vẻ không được tốt lành gì cho lắm, nhưng đó vẫn chưa phải điều tồi tệ nhất. Nếu như bạn cần rút ra vài ý chính từ lịch sử 4 tỷ năm hình thành Trái Đất, có lẽ bạn nên quan tâm đến việc đối phó với một thảm họa luôn lăm le giáng xuống đầu chúng ta bất cứ lúc nào. Một mảng thiên thạch ầm ầm lao thẳng xuống Trái Đất sẽ xóa sổ loài người vĩnh viễn, cũng như những gì nó đã làm với loài khủng long. Các nhà thiên văn học đã ước tính rằng, một thảm họa như thế chỉ xuất hiện với tỷ lệ 1 lần/vài triệu năm, do đó tương lai của nhân loại có vẻ vẫn còn tương đối sáng sủa.
 

 
Biến động thứ 2, có khả năng nhiều hơn, đến từ chính Trái Đất. Sự kiến tạo địa tầng khiến các châu lục ngày càng có xu hướng tách rời nhau hơn, nhưng đồng thời, nó cũng bơm thêm năng lượng cho các núi lửa, khiến chung phun thêm nhiều khói và bụi lên không trung. Các nhà khoa học cho rằng, 1 vụ phun trào như vậy sẽ diễn ra trong mỗi 50.000 năm, và lượng khói bụi từ một vụ phun trào sẽ đủ khả năng che khuất ánh sáng mặt trời trong vòng từ 10 đến 15 năm.
 

 
Loài người sẽ phải đối diện với một vụ phun trào núi lửa với sức tàn phá vô cùng ghê gớm, như những gì đã từng xảy ra vào cuối kỷ Permian (khoảng 251 triệu năm trước). Khoảng 95% sinh vật biển và 70% các loài động vật có xương sống đã biến mất hoàn toàn. Sự phun trào núi lửa, hay cụ thể hơn, sự phun trào của Siberian Traps chính là nguyên nhân gây ra thảm họa diệt vong này.
 
Và tương lai của loài người
 
Với hàng loạt những thay đổi và hàng loạt những thảm họa vừa được nêu ra ở trên, có vẻ như loài người không có nhiều cơ hội sống sót trong vòng 50.000 năm tới. Cùng nhìn lại lịch sử tồn tại và phát triển hơn 100.000 năm của loài người, bạn sẽ thấy chưa có một nền văn minh nào kéo dài quá 3000 năm. Có vẻ như chúng ta không hề chiếm ưu thế trong tương lai.
 

 
Nhưng con người vẫn luôn tiến hóa và phát triển. Nhiều nhà khoa học ước tính rằng, trong 10.000 năm vừa qua, con người đã tiến hóa với tốc độ nhanh gấp 100 lần so với trước. Do đó, chúng ta sẽ có khả năng thích nghi tốt hơn với những thay đổi của Trái đất trong tương lai.
 
Sự tồn tại của con người trong tương lai 50.000 năm tới vẫn chưa được khẳng định, nhưng có một điều chắc chắn rằng, nếu có cơ may sống sót, chúng ta sẽ không còn là những sinh vật giống như ngày hôm nay.
 
Tham khảo: Howstuffworks

 

Xem thêm:

khám phá