Top 10 phim khoa học viễn tưởng “hàn lâm” hay nhất mọi thời đại (P1)

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 06/04/2016 0:00 AM

Vẫn thuộc đề tài khoa học viễn tưởng, song đây là những bộ phim có phần bớt “hư cấu” hơn bởi nội dung của chúng phần lớn được phát triển dựa trên khoa học thực nghiệm, với mức độ chi tiết và chính xác nhất định.

Vẫn thuộc đề tài khoa học viễn tưởng, song đây là những bộ phim có phần bớt “hư cấu” hơn bởi nội dung của chúng phần lớn được phát triển dựa trên khoa học thực nghiệm, với mức độ chi tiết và chính xác nhất định. Không xoay quanh những yếu tố “đại chúng” như người ngoài hành tinh xâm lược hay những pha hành động xen lẫn chút hài hước, phim khoa học viễn tưởng “hàn lâm” (hard sci-fi) hầu hết đều gây xúc động mạnh, có diễn biến chậm và thời lượng chiếu dài.

Yếu tố hành động trong đó nếu có chỉ là để phục vụ cho một mục đích nhất định, thường là liên quan tới tính chất của bộ phim, bởi lẽ chúng chủ yếu phụ thuộc vào đối thoại và kỹ thuật quay phim để truyền tải thông điệp đến người xem. Một món ăn khá “khó nhằn” với dân ngoại đạo, nhưng nếu bạn là một người hứng thú với khoa học và thích nghiền ngẫm, suy luận, sau đây là 10 bộ phim khoa học viễn tưởng không thể bỏ qua:

10. The Martian (2015)

The Martian, bộ phim khoa học viễn tưởng “gây bão” với 7 đề cử Oscar vừa qua chắc chắn không thể nằm ngoài danh sách của chúng ta. Nội dung phim là câu chuyện về một phi hành gia mắc kẹt trên Sao Hỏa do bị phi hành đoàn của chính mình bỏ rơi, anh cố gắng tìm mọi cách liên lạc với Trái Đất và cuối cùng cũng trở về được.

Câu chuyện này được kể trên hai góc nhìn. Một là của nhân vật chính – người phi hành gia (Matt Damon), với cuộc đấu tranh sinh tồn ngày qua ngày trên hành tinh lạ, và của NASA (cùng với những tổ chức không gian của các quốc gia khác), những nhà chức trách phải tính toán, cân nhắc về những chi phí, rủi ro thực dụng cho một chiến dịch giải cứu hoàn toàn có thể thực hiện được, cuối cùng hướng đến việc đặt lòng nhân đạo lên trên lợi ích kinh tế.

The Martian được nhiều người xem là màn quay trở lại đầy mạnh mẽ của đạo diễn Riddley Scott với thể loại này sau những tác phẩm đầu tay như Blade Runner và Alien. Và có lẽ đây cũng là một điều tương đối hiển nhiên, bởi: Nó là một bộ phim dựa trên khoa học, tiết tấu đa phần là kịch tính, kết hợp thêm một vài yếu tố hài hước, và không bao giờ bỏ tính hiện thực ra ngoài phương trình. Hơn thế nữa, bộ phim này là một minh chứng cho thấy khoa học viễn tưởng “hàn lâm” là một thể loại luôn luôn biến hóa, không bị bó buộc vào yếu tố độc thoại hay những cảnh quay dài, hoành tráng.

Trong một xã hội điện ảnh ngày càng bị cuốn nhiều hơn vào lối triển khai diễn biến phim nhanh, và tập trung ít hơn vào những suy ngẫm triết lý, The Martian là một minh chứng cho thấy thể loại này có thể và cõ lẽ sẽ phát triển theo hướng kỳ vọng của công chúng. Điều đó có tốt hay không thì còn phải để người xem quyết định.

9. Interstellar (2014)

Tác phẩm khoa học viễn tưởng đỉnh cao của đạo diễn Christopher Nolan, Interstellar được đánh giá là phiên bản hiện đại của bộ phim kinh điển 2001: A Space Odyssey, tái thể hiện xuất sắc hầu hết những ý tưởng gốc của nó. Phim lấy bối cảnh tương lai gần, khi đó loài người đang dần mất đi ngành nông nghiệp bởi ngày càng có nhiều loài cây bị tuyệt chủng.

Nó tập trung vào mối quan hệ giữa người cha (Matthew Mcconaughey) và đứa con gái trong cảnh ly tán khi ông phải đi vào không gian để tìm một ngôi nhà mới cho loài người sinh sống bởi Trái Đất đang dần lâm vào cảnh diệt vong.

Interstellar dựa trên nền tảng khoa học là Thuyết Tương Đối của bác học Einstein, và bộ phim đã thành công ở chỗ không những vận dụng nó một cách chính xác mà còn đồng thời lý giải học thuyết này cho người xem.

Nó không hẳn là một bộ phim sẽ dẫn dắt bạn từng tí một từ đầu đến cuối và cố gắng giải thích tất cả mọi thứ, mặc dù ở đôi chỗ điều này có xảy ra, song việc khán giả có thích như vậy hay không là tùy thuộc vào họ. Trong hai phần ba thời gian đầu, bộ phim gắn kết rất chặt chẽ với khoa học, chỉ có một số phá cách nghệ thuật cần thiết tương tự như 2001: A Space Odyssey, mặc dù vì những lý do hoàn toàn khác nhau.

Bộ phim là một sự kết hợp xuất sắc giữa hành động và khoa học, với những cảnh quay ngoài không gian vô cùng kịch tính, tái hiện lại những gì mà 2001: A Space Odyssey có và đẩy tốc độ lên gấp 10 lần. Điều thực sự phi thường là, mặc dù có thời lượng dài “lê thê”, song gần như không thể chê trách bất cứ phần nào của bộ phim này.

8. Gravity (2013)

Thống trị Oscar 2014 khi chiến thắng tới 7 hạng mục giải thưởng, Gravity chắc chắn sẽ được nhiều người nhớ đến hơn cả, đây rõ ràng là ví dụ về một bộ phim khoa học viễn tưởng “hàn lâm” điển hình.

Bộ phim này có thể nói là màn biểu diễn “solo” của Sandra Bullock cùng với “phụ tá” George Clooney đóng góp một vài phần trong đó. Nội dung của Gravity là cuộc đấu tranh sinh tồn của hai phi hành gia sau khi tàu vũ trụ của họ bị phá hủy bởi những mảnh vụn thiên thạch, trong những cảnh quay 3D chân thực và hoành tráng nhất của điện ảnh hiện đại.

Toàn bộ tình tiết của Gravity xoay quanh một sự cố hoàn toàn có thể xảy ra trong thực tế, dẫn dắt người xem đi qua một quá trình thoát hiểm từng bước một, cùng lúc đó xoáy sâu khai thác tâm lý con người trong một tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” như vậy. Bộ phim đã tái hiện một cách chân thực nhất về sự nguy hiểm ngoài không gian, chứng minh rằng không cần phải có máy móc nổi loạn hay người ngoài hành tinh tấn công, giữa vũ trụ mênh mông đó cũng là một nơi đủ hiểm họa “chết chóc” rồi.

Một điểm có thể làm một số người xem (đặc biệt là nếu xem online) không hài lòng là Gravity được sản xuất chủ yếu dành cho công nghệ 3D tại các rạp chiếu phim chứ không phải nền 2D. Với nhiều cảnh quay góc nhìn thứ nhất, bộ phim sẽ khiến người xem 3D có cảm giác mình đang thực sự bay lơ lửng ngoài không gian, và điều này không thực sự có hiệu quả nếu bạn xem phim trên nền 2D.

7. Moon (2009)

Một bộ phim được truyền cảm hứng từ 2001: A Space Odyssey và Solaris, Moon được sản xuất với kinh phí tương đối thấp song lại gây ấn tượng mạnh với người xem nhờ màn trình diễn xuất sắc của nam diễn viên chính Sam Rockwell. Nhân vật của anh trong phim là một phi hành gia, thực hiện những công việc thường nhật của mình trên căn cứ tại Mặt Trăng, chờ đợi hết hợp đồng “công tác” để quay trở lại Trái Đất. Giọng dẫn truyện đầy truyền cảm của Kevin Spacey cũng là một nhân tố quan trọng làm nên thành công của bộ phim.

Cốt truyện nghe có vẻ khá đơn giản, song lại được triển khai cực kỳ tốt, và mặc dù phim có diễn biến chậm rãi nhưng chỉ riêng màn trình diễn của Sam thôi cũng đủ để lôi kéo khán giả rồi. Moon khai thác một khía cạnh quen thuộc của các bộ phim tiền nhiệm cùng thể loại, đó là diễn biến tâm lý xáo trộn và chi tiết kỹ thuật về cuộc sống cũng như công việc của nhân vật phi hành gia trong một căn cứ ngoài không gian. Nếu bạn là fan của những bộ phim hard sci-fi đời đầu, đây sẽ là bộ phim dành cho bạn.

6. Man from Earth (2007)

Một bộ phim có lẽ là hơi khác biệt so với phần còn lại của danh sách, cốt truyện của Man from Earth là về giả thuyết của một học giả vừa nghỉ hưu, trong bữa tiệc chia tay đã khẳng định với đồng nghiệp của mình rằng ông đã … 14,000 tuổi. Tuy nhiên bộ phim đã phát triển ra rộng hơn nhiều so với cốt truyện đó, đi sâu vào khía cạnh tâm lý và các mối quan hệ của con người.

Nội dung phim không phải toàn bộ xoay quanh vị giáo sư đó, mà thiên nhiều hơn về sự tương tác của các học giả cộng sự của ông khi họ tự vấn về kiến thức cũng như đạo đức nghề nghiệp của họ, rồi từ đó bắt đầu cho rằng câu chuyện này có thể không phải là giả thuyết, mà là sự thật.

Một bộ phim thực sự khiến người xem phải suy luận, tự đặt ra những câu hỏi sâu sắc về hiện thực và tâm lý. Man from Earth có thể nói là chỉ dành những khán giả có đầu óc cởi mở, sẵn sàng thử thách và đẩy đến giới hạn trí tuệ của mình, chứ không phải đến vì sự giải trí đơn thuần.

Theo Cinema

10 sự thật "quái gở" về Nhật Bản mà không phải ai cũng biết