Tính cách mỗi người không phải do "trời sinh"

PV  | 01/06/2012 0:00 AM

Người xưa có câu “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, nghĩa là sự tồn tại tính cách của con người là do thượng đế hay ông trời ban tặng một cách ngẫu nhiên.

Người xưa có câu “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, nghĩa là sự tồn tại tính cách của con người là do thượng đế hay ông trời ban tặng một cách ngẫu nhiên. Liệu rằng đây có phải là lời giải thích chuẩn mực đúng đắn? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng tới sự hình thành và  phát triển tính cách của mỗi cá nhân nói riêng hay con người nói chung để có cái nhìn thấu đáo, sâu sắc hơn.
 
Tính cách là từ ngữ được sử dụng để miêu tả cách thức suy nghĩ, biểu đạt những đặc điểm của cảm xúc, hành vi ứng xử trong xã hội của mỗi cá thể riêng biệt. Nó là một tổ hợp nhất quán được hình thành và thay đổi theo thời gian lớn lên của từng người trong cuộc sống. Tính cách không ngẫu nhiên mà có, chúng xuất phát và ảnh hưởng từ những yếu tố nhất định. Các nhân tố này có thể được khái quát như sau:
 

 
Yếu tố di truyền
 
Di truyền là hiện tượng chuyển những tính trạng của cha mẹ cho con cái thông qua gien của bố mẹ. Vì vậy , các nhà khoa học cho rằng tính cách cũng bị ảnh hưởng bởi sự di truyền đó. Ví dụ cụ thể, trong gia đình khi người bố hoặc mẹ có thiên hướng năng khiếu bẩm sinh về hội họa hay  toán học thì con cái của họ cũng có khuynh hướng thừa hưởng những khả năng này. Chúng sẽ có  đam mê, cách nhìn sự vật, sự việc và lấy hình tượng bố mẹ để làm mục đích hướng tới. Qua đó, tính cách của đứa con sẽ được hình thành dựa  trên tính cách lí tưởng của cha mẹ. Tiến sĩ David Reiss và các đồng nghiệp từ Đại học George Washington, đã tiến hành một nghiên cứu toàn diện và dài hạn về tác động của di truyền học. Kết quả nghiên cứu cho thấy  dường như di truyền có ảnh hưởng khá lớn đến sự phát triển tính cách của mỗi con người.
 

 
Hoàn cảnh gia đình
 
Một trong những nhân tố có tầm ảnh hưởng lớn đến việc hình thành tính cách của mỗi cá thể chính là hoàn cảnh gia đình của cá nhân đó. Gia đình là nơi nuôi dưỡng chúng ta lớn lên, là một xã hội thu nhỏ để mỗi con người có cơ hội rèn luyện đạo đức, hành vi và lối ứng xử chuẩn mực. Từ khi chập chững biết đi,  học đánh vần chữ cái abc, bập bẹ tập nói đến khi lớn lên đi học và làm việc, những thành viên trong gia đình đóng vai trò là người luôn bên cạnh dạy dỗ, dìu dắt chúng ta. Do vậy, những bài học nhận được từ lúc chưa có khả năng nhận thức là yếu tố tác động mạnh, ăn sâu vào lối suy nghĩ của mỗi con người, thậm chí đến khi tầm hiểu biết mở rộng cũng khó có thể thay đổi được những tính cách đó. Điều này lí giải tại sao, cha mẹ luôn phải để tâm, chú ý đến từng lời ăn tiếng nói, cách ứng xử của con trẻ để điều khiển, dẫn dắt chúng vào quỹ đạo chuẩn mực đúng đắn phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Đa phần, những đứa trẻ được sinh ra từ gia đình gia giáo, nề nếp đạo đức tốt, có tính cách hoàn thiện hơn những trẻ em xuất thân từ gia đình không được giáo dục tử tế, cụ thể là dân chợ búa, tội phạm, hoặc những người không có “ăn học”. Ở đây bài viết không đề cập đến việc so sánh công việc giữa những người tri thức và không tri thức. Lao động chân chính là vinh quang. Mỗi ngành mỗi nghề đều có những mặt đáng trân trọng của nó. Có người không được ăn học tử tế những vẫn có tính cách rất tốt, phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội. Điều tác giả muốn nói đến được cụ thể trong ví dụ sau: Một gia đình gồm cha mẹ là những người luôn văng tục chửi bậy, không tuân theo các quy tắc hành xử đúng đắn, luôn dùng bạo lực để giải quyết vấn đề thì chắc chắn tính cách của đứa con sẽ  dễ dàng trở nên thô bạo, vô lễ và hành xử vô đạo đức. Còn đối với gia đình mà trẻ em được giáo dục tử tế sẽ mang lại tác động tích cực hơn.
 
Ngoài ra những nỗi đau hoăc vết sẹo tinh thần xuất phát từ gia đình để lại như: bố mẹ nghiện hút, giết người hoặc cưỡng hiếp v.v... sẽ khiến cho tính cách của đứa trẻ mang đầy tiêu cực: chúng sẽ trở thành những người luôn thù địch, hành xử bạo lực , suy nghĩ bi quan đối với những gì diễn ra xung quanh cuộc sống của chính mình.
 

 
Hoàn cảnh xã hội
 
Không ai có thể sống mãi trong vỏ bọc che chở của bố mẹ hay gia đình. Bất kì người nào cũng phải tự đứng trên đôi chân của bản thân để bước đến con đường danh vọng của chính mình. Họ phải tự mình lăn lộn trong xã hội mới có thể nhận được bài học cũng như kinh nghiệm quý giá có ích. Tuy nhiên, xã hội luôn cạnh tranh phức tạp và đầy rẫy sự khắc nghiệt. Có những người xuất phát là người tốt nhưng vì chịu ảnh hưởng tác động lớn của xã hội dẫn đến hủy hoại bản thân và hình thành những tính cách tiêu cực trái ngươc hoàn toàn với những gì vốn có. Từ những cô gái trong sáng , ngoan ngoãn, lễ phép trở thành gái bán hoa, giang hồ thô tục, hung bạo, đanh đá. Hay từ những anh thanh niên chăm chỉ, cần cù trở thành những tay giết người khét tiếng, buôn lậu ma túy, v.v. Vì vâỵ, xã hội có thể coi là yếu tố quyết định tính cách của mỗi con người khi trưởng thành.
 

 
Lời kết
 
Tính cách không phải là điều ngẫu nhiên xảy đến, nó phụ thuộc chính vào hoàn cảnh sống của mỗi người. Do vậy, bản thân phải tự đấu tranh với những tác động xấu để giữ vững phẩm chất cũng như tính cách đúng mực vốn có, dù cho xã hội có thay đổi như thế nào, cũng không để mất đi cái tôi của riêng mình. Đó là cách con người trở nên hoàn thiện và phát triển hơn.