Thực vật có trí tuệ hay không?

PV  | 26/04/2012 11:00 AM

Mặc dù các loài thực vật không hề có cơ quan thần kinh nhưng chúng vẫn có thể giao tiếp,tính toán thời gian hay ngụy trang.

Mặc dù các loài thực vật không hề có cơ quan thần kinh nhưng chúng vẫn có thể giao tiếp,tính toán thời gian hay ngụy trang.
 
1. Giao tiếp với côn trùng
 

 
Một vài loài thực vật đã phát triển một chiến lược sống sót bằng cách sử dụng chất hóa học có tác dụng tương đương như việc gửi đi một yêu cầu trợ giúp. Điển hình như cây thuốc lá khi bị tấn công bởi loài sâu bướm, chúng tiết ra một hợp chất hóa học đặc biệt có tên gọi GLV vào không khí nhằm thu hút loài bọ thích ăn sâu bướm đến.
 
2. Thực vật có “trí nhớ”
 

 
Các loại thực vật không ghi nhớ theo cách của con người mà chúng sử dụng phương pháp kết hợp các bước sóng khác nhau của ánh sáng với các loại nguy hiểm để ghi nhớ. Để chứng minh điều này, các nhà khoa học đã chiếu ánh sáng vào thực vật trong một giờ, sau đó cho tiếp xúc với virus, thực vật liền tiết ra một hợp chất để tự bảo vệ mình. Sau đó, họ tiếp tục lặp lại như vậy và khám phá ra rằng chúng chỉ tiết chất hóa học bảo vệ khi nào gặp phải ánh sáng tương tự. Các nhà khoa học phỏng đoán rằng có lẽ thực vật đã phát triển "bộ nhớ" vì mỗi mùa mang đến một sự thay đổi trong ánh sáng cũng như những thay đổi trong các loại mầm bệnh có khả năng tấn công thực vật.
 
3. Thực vật tạo ra mạng lưới giao tiếp riêng
 

 
Các loài thực vật cảnh báo và chia sẻ thông tin với nhau thông qua mạng lưới riêng khi gặp phải các nguy hiểm. Một vài loài như cây dâu tây, cỏ ba lá, cây sậy chia sẻ thông tin với nhau thông qua một kênh riêng biệt – một phần thân cây giống như ống dẫn hoặc cáp nối chạy xuyên suốt và kết nối các cây lại thành một hệ thống. Khi một cây trong hệ thống bị tấn công, tín hiệu sẽ được truyền đi khắp hệ thống, các cây trong hệ thống sẽ tiếp nhận, xử lý và chuẩn bị phương pháp phòng vệ.
 
4. Âm thanh tác động tới sự sinh trưởng của thực vật
 

 
Nhà sinh vật học Monica Gagliano, trường đại học Western,Úc đã thực hiện thí nghiệm tiếng ồn với loài ngô. Cô cho cây ngô sinh trưởng trong môi trường nước và phát âm thanh ở mức 220Hz. Sau một thời gian liên tục phát âm thanh, rễ cây ngô đã có phản ứng và phát triển theo hướng phát ra âm thanh.
 
5. Tính toán thời gian
 

 
Làm thế nào để thực vật biết được thời điểm nở hoa. Các nhà khoa học đã khám phá ra một hợp chất protein ở thực vật có phản ứng với ánh sáng tiếp xúc trong ngày. Khi nó tiếp nhận đủ ánh sáng theo chu kì 24 giờ, nó sẽ gửi “tín hiệu” để khởi động chu kỳ nở hoa.
 
6. Tăng trưởng theo chiều hướng "trên xuống dưới"
 

 
Dù bạn có trồng chúng ở bất cứ "vị trí " nào, bất cứ tư thế nào đi chăng nữa thì tất cả các loài thực vật luôn có xu hướng hướng rễ của mình xuống dưới.
 
7. Thực vật nhận biết “họ hàng”
 

 
Các loài thực vật nhận ra “họ hàng” của mình thông qua hợp chất hóa học tiết ra từ rễ cây và chọn cách thức chia sẻ chất dinh dưỡng với đồng loại của mình hoặc cạnh tranh nếu môi trường xung quanh là các loài thực vật khác.
 
8. Ngụy trang
 
 
Đây là một trong những cách phòng vệ tốt nhất của thực vật. Loài thực vật Mimosa pudica có cách thức phòng thủ rất độc đáo, thay vì tiết ra mùi hương khó chịu thì chúng cuộn lá của mình lại khi gặp phải tác động. Nhờ vậy, chúng trông nhỏ hơn, héo úa và có vẻ ít “ngon” hơn khiến động vật bỏ qua khi tìm kiếm thức ăn.
 
9. Phát triển theo ánh sáng
 

 
Một hợp chất protein có tên gọi PIF7 tồn tại trong thực vật chịu trách nhiệm cảm ứng với ánh sáng. Khi thực vật ở trong bóng tôi, hợp chất protein sẽ tác động thúc đẩy cây phát triển về nơi có ánh sáng.
 
Tham kháo : io9