Tẩy não - Sự thật hay chỉ là hoang tưởng?

PV  | 08/06/2012 12:00 PM

Khi chiến tranh kết thúc, có ít nhất là 20 tù binh Mỹ đã tình nguyện ở lại Triều Tiên sau khi được trả tự do. Tuy nhiên, con số 20 người trên tổng số 20.000 cũng khiến không ít người hoài nghi.

Tháng 10 năm 2002, một loạt những bắn tỉa xảy ra ở thủ đô Washington DC của Mỹ khiến 10 người chết và 3 người bị thương. Vụ việc diễn ra liên tiếp trong vòng 3 tuần gây ra nỗi kinh hoàng cho người dân Mỹ. Sau quá trình điều tra, cảnh sát bắt giữ 2 nghi can là John Allen Muhammad – 42 tuổi – và Lee Boyd Malvo – 17 tuổi.
 
Những chứng cứ đã chỉ ra tội ác của 2 nghi phạm này. John Allen Muhammad bị kết án tử hình và Lee Boyd Malvo bị kết án tù chung thân do chưa đủ tuổi vị thành niên khi thực hiện hành vi tội ác. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra những vụ xả súng vào dân thường xảy ra tại Mỹ. Tuy nhiên, một điểm đặc biệt của vụ án đó là Lee Boyd Malvo đã được phía luật sư bào chữa bảo vệ với lý do: Malvo đã bị Muhammad tẩy não, nhồi nhét vào đầu những tư tưởng của Đạo Hồi, khiến Malvo tham gia phạm tội.
 
Lee Boyd Malvo khi bị bắt giữ.
 
Tuy thất bại trong việc bảo vệ thân chủ của mình như lập luận của phía luật sư bào chữa lại được khá nhiều người ủng hộ. Giả thuyết về khả năng tẩy não một người nào đó từng được sử dụng trong các cuốn sách, phim ảnh giờ lại xuất hiện trong cuộc sống thật.
 
Tẩy não cũng đã từng được phía Trung Quốc – Triều Tiên sử dụng trong chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950. Những đối tượng bị tẩy não trong thời kỳ này là binh lính Mỹ bị bắt làm tù binh. Khi chiến tranh kết thúc, có ít nhất là 20 tù binh Mỹ đã tình nguyện ở lại Triều Tiên sau khi được trả tự do. Tuy nhiên, con số 20 người trên tổng số 20.000 cũng khiến không ít người hoài nghi.
 
Có thật sự tồn tại những thủ thuật để thay đổi quan điểm, thái độ của một người? Liệu chúng ta có thể thực sự điều khiển suy nghĩ của người khác?
 
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về thứ được gọi là Tẩy não – Brainwashing.
 
1. Tẩy não là gì?
 
Tẩy não không phải là làm cho người ta quên mất những ký ức trong đầu như chiếc đèn Flash trong Man in Black. Kỹ thuật tẩy não trong đời thật là một kiểu điều khiển hành vi, thái độ của một đối tượng được chọn.
 

 
Trong tâm lý học, tẩy não thường được coi là sự tái hình thành suy nghĩ của một người, thuộc phạm vi nghiên cứu của “Sự chi phối của xã hội”. Sự chi phối của xã hội xảy ra liên tục, từng giờ, từng phút trong cuộc sống của chúng ta, nó được coi là những tác động ảnh hưởng đến tác động, hành vi, niềm tin của con người.
 
Những yêu cầu, mệnh lệnh từ cha mẹ, cấp trên được coi là một trong những hành động chi phối ở cấp thấp. Những yêu cầu, mệnh lệnh này được chấp nhận một cách miễn cưỡng, không ảnh hưởng đến thái độ, niềm tin của con người nhưng lại khiến họ thay đổi hành vi theo cách chủ thể muốn. Những hành vi thuyết phục như trong kinh doan đa cấp lại nhắm đến việc thay đổi thái độ của đối tượng. Phương pháp này đưa vào đầu đối tượng tư tưởng: “Làm chuyện này thì tôi sẽ được vui/ khỏe/ hạnh phúc…”. Cuối cùng là tuyên truyền, giáo dục. Phương pháp này muốn hướng chủ thể bị tác động đến việc nghĩ rằng những hành động của họ đang làm là đúng.
 

 
Để hoàn toàn điều khiển được một người, người điều khiển phải thực hiện được cả 3 hành động trên cùng lúc. Hành động tẩy não giống như xâm lược trí óc của một người, thống trị và biến đổi nó, do đó, quá trình làm việc phải được thực hiện trong môi trường cách ly, độc lập.
 
Người thực hiện sẽ điều khiển đối tượng từ bữa ăn, giấc ngủ,… dần dần hủy đi nhân dạng của đối tượng bằng thay thế bằng một nhân dạng mới được người thực hiện thiết lập. Nhân dạng mới này trải qua từng bước định hình về tính cách, cử chỉ, thái độ phù hợp với những gì người thực hiện muốn có.
 
Tuy nhiều nhà tâm lý học tin tưởng về khả năng thực tế của việc tẩy não, vẫn còn tồn tại rất nhiều hoài nghi về thủ thuật này. Nhiều người cho rằng, phương pháp tẩy não phải thực hiện đi kèm với việc gây thương tổn về mặt thể xác mới có thể thành công trong việc uốn nắn tâm trí của đối tượng theo ý muốn.
 
Dù tán thành hay không tán thành về sự tồn tại cũng như khả năng thực tế của việc tẩy não, tất cả những nhà nghiên cứu đều đồng ý với kết luận rằng nhân dạng mới được tạo ra sẽ không thể tồn tại lâu. Ngay khi nguồn lực kiểm soát biến mất, cá nhân bị chi phối sẽ nhanh chóng quay trở lại thành chính bản thân mình.
 

 
2. Kỹ thuật
 
Quá trình tẩy não không thể hoàn thành trong một khoảng thời gian ngắn, cần thực hiện rất nhiều bước để thực hiện quá trình này.
 
Như đã nói ở trên, tất cả việc Tẩy não phải thực hiện trong một không gian khép kín. Tâm trí của đối tượng chìm trong màn sương mà người kiến tạo lập ra, dần dần, tâm trí của đối tượng sẽ đi theo hướng mà người kiến tạo dẫn dắt.
 
Quá trình lâu dài này phải được thực hiện từ từ qua 10 bước, những bước nhỏ này lại được chia thành những giai đoạn lớn là: hủy nhân dạng gồm 4 bước đầu tiên, quy trách nhiệm gồm 4 bước tiếp theo và cuối cùng là 2 bước xây dựng nhân dạng mới.
 
- Ngươi không phải chính mình. Đây là hành động tấn công vào nhân dạng của một người, khiến người đó mất đi những khái niệm về bản thân. Chỉ bằng những câu nói lặp lại như “Mày không phải một thằng đàn ông”, “Mày không phải một người lính”, “Mày không bảo vệ chính nghĩa”… Quá trính này lặp lại nhiều ngày, nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng ròng rã gây nên sự mệt mỏi, bối rối cho cá thể bị tác động. Dần dần khiến cho những thứ người đó tin tưởng mất đi sự vững chắc.
 
- Người không tốt. Người làm nhiệm vụ tác động sẽ khép tội đối tượng của mình. Bất cứ hành động, thói quen, cử chỉ nào của đối tượng cũng sẽ bị quy là không tốt, xâu xa, kém cỏi,… Trong trạng thái mệt mỏi, tinh thần đang dao động, những hành động này càng thúc đẩy sự tự ti về bản thân và sự hoài nghi về đức tin của đối tượng.
 
- Hãy đồng ý với ta rằng ngươi không tốt. Đối tượng sẽ tiếp tục bị tấn công cả về thể xác lẫn tinh thần để đức tin của người ấy càng ngày càng bị lung lay. Cuối cùng, đối tượng sẽ phải bắt buộc thừa nhận rằng những gì bản thân, người thân, bạn bè đã làm, đã tin tưởng là không đúng. Sự tự phản bội chính mình này khiến cho nhân dạng ban đầu của đối tượng hoàn toàn bị phá hủy.
 
- Tôi là ai? Tôi đang ở đâu? Tôi phải làm gì ? Đối tượng sau khi cảm thấy xấu hổ về bản thân, bị phản bội bởi chính mình, rơi vào trạng thái suy sụp thần kinh. Người bị chi phối sẽ mất kiểm soát, rơi vào trạng thái chán nản, cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng và cô độc. Khi đã chạm tới đỉnh điểm của sự suy sụp, bước tiếp theo của quá trình sẽ được bắt đầu. 
 

 
- Tôi  có thể giúp. Bước đầu tiên của giai đoạn này là thể hiện sự khoan dung, ân cần với đối tượng. Người thực hiện chỉ cần đơn giản mời đối tượng uống một cốc nước, hỏi han về gia đình... Sau khi bị dìm xuống đáy của sự tuyệt vọng, những hành động nhỏ bé này lại có tác động rất lớn với đối tượng. Cá thể bị tẩy não sẽ biết ơn chính người đã hành hạ thể xác, tinh thần bản thân.
 
- Anh có thể giúp chính bản thân mình. Đối tượng phải đứng giữ sự hành hạ bấy lâu mình phải chịu và lòng biết ơn với người đã tỏ ra chút khoan dung với mình. Trong trường hợp này, đối tượng sẽ có khuynh hướng muốn trả ơn cho người đã tỏ một chút lòng tốt với mình. Điều này mở ra lối đi cho người thực hiện việc tẩy não.
 
- Đây là lý do anh phải chịu đau đớn. Sau một quá trình dài, đối tượng đã biết là mình sai, mặc dù không biết nguyên nhân. Ở bước này, người thực hiện sẽ dựa vào những điều muốn đối tượng tuân theo để chỉ ra cái sai của đức tin trước đây của đối tượng. Đối tượng được đặt giữa 2 hệ tư tưởng: cái cũ đi kèm với việc bị hành hạ, đau đớn và cái mới là con đường để thoát khỏi những đau đớn đó.
 
- Đó không phải do tôi, đó là do niềm tin sai lầm. Đối tượng được thuyết phục rằng bản thân của mình hoàn toàn không làm gì sai, đơn giản là do niềm tin đã bị đặt nhầm chỗ. Người đó có thể thoát khỏi sự sai trái bằng việc quên đi những gì từng thân thuộc. Bằng việc tự công nhận rằng những thứ đã từng tin tưởng là sai, đối tượng đã chính thức chối bỏ toàn bộ nhân dạng trước đây của mình.
 
Hãy nghe theo ta vì ta tốt với ngươi - Đây là một trong những giai đoạn của quá trình thay đổi suy nghĩ con người.
 
- Nếu muốn, anh có thể chọn cái tốt. Trong giai đoạn này, toàn bộ những hành hạ về thể xác lẫn tinh thần đều không được sử dụng nữa. Người thực hiện sẽ mở lối cho đối tượng đến với hệ tư tưởng mới. Đối tượng được bình lặng suy nghĩ, thoải mái về thể xác, điều này khiên cho đối tượng ngộ nhận rằng bản thân đang quyết định được tương lai của chính mình. Thực tế, sự lựa chọn đã được đưa ra từ trước: hệ tư tưởng mới sẽ tốt đẹp hơn, không như những gì đã khiến đối tượng phải chịu hành hạ, bị suy sụp trong thời gian qua.
 
- Tôi sẽ chọn cái tốt. Khi chọn đến với những đức tin mới, đối tượng cảm thấy mình sẽ tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Đây là giai đoạn cuối cùng, kết thúc toàn bộ quá trình thay đổi một con người. Giai đoạn này thường được tổ chức thành một buổi lễ, tượng trưng cho sự hồi sinh của đối tượng.
 
3. Sự thật
 
Những giai đoạn của cuộc tẩy não như trên không thể thực hiện được trong những phòng thí nghiệm vì những hành động ấy sẽ gây tổn thương cho người bị thí nghiệm. Do đó, thật khó thể biết được tác dụng thực tế cũng như khả năng phòng chống của con người trước việc bị tẩy não.
 
Những trường hợp đầu tiên ghi nhận áp dụng phương pháp này không phải là vào những năm 50 của thế kỷ trước mà là vào đầu thế kỷ 20. Phương pháp này được cho là xuất phát từ những trại tù tại Nga, những người Cộng sản đã tái định hình tư tưởng của những người chính trị đối lập, tuy nhiên, vẫn không có bằng chứng rõ ràng về việc này.
 
Từ “Brainwashing” được sử dụng lần đầu tiên bởi nhà báo Edward Hunter vào năm 1951 khi nói về việc uốn nắn tư tưởng cho tù binh tại Trung Quốc và Triều Tiên. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là một món vũ khí được người Mỹ dựng lên trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Thời kỳ này, phương tiện truyền thông thổi phồng sức mạnh của Tẩy não đến nỗi người dân Mỹ lo sợ mình đang bị một đối tượng bí mật thao túng mà không hay biết.
 
Cuốn sách của Edward Hunter về Brainwashing.
 
Vào những năm 60, 70 của thế kỷ 20, tại Mỹ hình thành những trường phái chính trị, tôn giáo được nhiều người trẻ tuổi ngưỡng mộ, đi theo. Những bậc cha mẹ, người lớn tuổi lo ngại con cái họ bị mê hoặc bởi những giáo phái này. Sự lo ngại lên đến đỉnh điểm khi cha mẹ đưa con cái đến những trung tâm để gỡ bỏ những hệ tư tưởng bị coi là sai trái ấy.
 
Một trong những trường hợp nhắc đến Tẩy não đã nói ở trên là Lee Boyd Malvo. Ngoài ra còn có trường hợp của Patty Hearst vào năm 1976, cô ta tham gia vào một vụ cướp ngân hàng và bị tuyên án 7 năm tù. Hearst cũng tuyên bố cô bị ép buộc của tổ chức SLA, theo cô, SLA đã sử dụng quá trình tẩy não và điều khiển cô làm theo những gì họ yêu cầu.
 
Patty Hearst - Tự cho rằng mình bị SLA tẩy não.
 
Tất cả những trường hợp bị tẩy não đều rất khó có thể được chứng thực. Mặc dù rất nhiều người khẳng định khả năng của những thủ thuật này, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ý kiền hoài nghi về sự tồn tại của nó.
 
4. Kết
 
Trong bộ phim V for Vendetta, Evey Hammon bị V bắt cóc và thực hiện một loạt quá trình hành hạ, sau đó cho xem bức thư của một nữ diễn viên quá cố… Tất cả những hành động ấy chính là một kiểu tẩy não. V đưa hệ tư tưởng mới vào Evey, giúp cô trở thành một con người mới, mạnh mẽ hơn, can đảm hơn…
 

 
Tuy nhiên, trong rất nhiều bộ phim khác, việc tẩy não dựa vào những kỹ thuật, công nghệ cao siêu, biến đổi hoàn toàn con người. Trong những bộ phim ấy, những tiến bộ của khoa học được sử dụng để điều khiển con người. Những phương pháp này nếu thực sự được phát triển thì dù ít đau đớn, tổn thương cho nạn nhân hơn nhưng lại nguy hiểm hơn rất nhiều. Ví dụ như trong phim Gamer, con người chỉ còn là một cỗ máy bị người khác điều khiển bằng những con robot nano nằm trong não.
 
Rất may mắn là những nhà khoa học hiện nay vẫn chưa thể nghiên cứu về não bộ của con người chúng ta một cách chuyên sâu như vậy. Đầu óc con người vẫn là cỗ máy tính phức tạp, khó có thể nắm bắt hết được.
 

 
Sẽ có thành phần nào đó trong xã hội nói rằng luật pháp chính là một cỗ máy để bẻ cong suy nghĩ của người dân, ép buộc và khiến chung ta làm theo những gì nhà nước muốn. Nhưng không. Chúng ta là những con người tự do, chúng ta quyết định và hành động theo những gì chúng ta đặt ra. Tuy nhiên, tự do không có nghĩa là tùy tiện. Con người là loài động vật phát triển đến mức hình thành cộng đồng lớn, liên kết chặt chẽ với nhau. Quy luật chung cho những loài sống theo cộng đồng chính là sự tự do của cá thể không được phép đi ngược lại chuẩn mực đạo đức cũng như luật pháp. Đơn giản thì những chuẩn mực tồn tại đến ngày nay là sự tổng hợp và được thừa nhận bởi rất nhiều người, những người đi ngược lại những chuẩn mực ấy thường sẽ bị đào thải khỏi cuộc sống.
 
Tham khảo: Howstuffworks