Tác dụng của những bộ đồ bơi trên đường đua xanh

PV  | 15/07/2012 0:00 AM

Những vận động viên sử dụng những bộ quần áo cực kỳ tiết kiệm như vậy với ý đồ giảm đồ bơi phải mặc trên người sẽ khiến họ trở nên gọn nhẹ và đạt thành tích tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay, những thiết kế đồ bơi theo kiểu cách ôm kín cơ thể một lần nữa quay trở lại trên những đường đua xanh.

Vào những năm 90 của thế kỷ 19, các nữ VĐV bơi lội luôn phải thi đấu Olympic trong những bộ đồ nặng nề gồm tất dài, quần bó và váy ngắn tay. Cho đến năm 1907, nữ VĐV kiêm siêu sao điện ảnh Annette Kellerman, đưa ra cải cách táo bạo cho môn thể thao bơi lội. Những bộ đồ bơi 1 mảnh ra đời. Nếu không có Kellerman, có lẽ các nữ VĐV ngày nay vẫn phải nhảy xuống bể bơi với bộ đồ nặng như đá cũ kỹ trước đây. Với những bộ đồ như vậy, chúng ta khó có thể yêu cầu họ liên tục phá vỡ các kỉ lục Olympic như vẫn làm ngày nay.
 
Annette Kellerman - Người mở đầu cho mốt đồ bơi 1 mảnh.
 
Cùng tua nhanh đến khoảng thời gian những năm 1970, đồ thi đấu của những vận động viên nam từ thời điểm này đã là những chiếc quần spandex nhỏ bó sát cơ thể với kích cỡ chỉ như một chiếc khăn ăn. Những vận động viên sử dụng những bộ quần áo cực kỳ tiết kiệm như vậy với ý đồ giảm đồ bơi phải mặc trên người sẽ khiến họ trở nên gọn nhẹ và đạt thành tích tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay, những thiết kế đồ bơi theo kiểu cách ôm kín cơ thể một lần nữa quay trở lại trên những đường đua xanh. 
 
Ngày nay, khi những vận động viên chuyên nghiệp với sự hỗ trợ của máy móc, đội ngũ hỗ trợ, tất cả đều luyện tập không ngừng để hoàn thiện chính bản thân. Một VĐV bơi lội hiện nay không thể chiến thắng đối thủ với khoảng cách tính bằng vòng bơi, mà phải giành giật từng phần trăm của giây để chiến thắng. Một ví dụ tiêu biểu có thể thấy tại Olympic Bắc Kinh năm 2008, trong nội dung 100m bơi bướm, Michael Phelps đã giành chiến thắng trước Milorad Cavic chỉ với 0,01 giây.
 

 
Các nhà sản xuất đồ thể thao luôn cố gắng cải tiến sản phẩm của họ cả về chất liệu lẫn kiểu dáng, thậm chí họ còn sử dụng kiến thức của các nhà khoa học Thủy động lực học để có thể giành giật cho những khách hàng của họ những phần trăm giây quý giá đó. Những bộ đồ bơi ngày nay cũng được kiểm tra bằng công nghệ hiện đại, trong những đường hầm uốn lượn giống như những cuộc kiểm tra thường được thực hiện với máy bay vậy.
 
Tuy nhiên, trong các môn thể thao nói chung, thật khó mà biết được điều gì tạo nên sự khác biệt cho cuộc đua. Là nhờ những trang bị? Kỹ thuật? Tâm lí? Hay đơn giản thắng thua chỉ được phân định do may mắn? Dù sao đi nữa, những bộ đồ bơi không ít thì nhiều cũng đem lại cho những vận động viên thành tích tốt hơn. Hãy cùng tìm hiểu một chút ít về những vật dụng quan trọng trên đường đua xanh này.
 
1. Sức cản
 
Cơ thể con người rất khó có thể chuyển động dưới nước. Không như những loài động vật có đời sống hoàn toàn dưới nước như cá heo, cá mập… cấu tạo cơ thể chúng ta không phù hợp cho việc bơi nhanh dưới làn nước. Theo Stephen Wilkinson, kĩ sư cơ khí thủy lực làm việc tại NASA, đó là do nước có những tác động của thủy lực mà ta không nhìn thấy được, những tác động của dòng nước này đã khiến ta bơi chậm lại. Dưới mặt nước này tồn tại rất nhiều tác động như vậy, chúng ta gọi chúng là Sức cản.
 
Kỹ sư Stephen Wilkinson bên cạnh các vận động viên bơi lội.
 
Sức cản có tác động mạnh nhất với cơ thể khi ở dưới nước là áp lực. Khi bạn đẩy nước đi, nước sẽ đẩy ngược lại bạn. Ngay cả khi không ở dưới nước, bạn vẫn có thể cảm nhận được áp lực tương tự trong không khí. Hãy thử cảm nhận áp lực này bằng cách thò tay ra ngoài cửa sổ ô tô, hay giơ tay ra khi đi xe máy với bàn tay dựng lên đón gió, áp lực của không khí sẽ đẩy bàn tay của bạn ngược ra phía sau.
 
Khi bạn bơi gần mặt nước, cơ thể bạn sẽ chịu thêm nhiều sức cản hơn so với khi bạn lặn dưới sâu. Thể tích của cơ thể chúng ta khi bơi đã thế chỗ của phần nước chuyển động như làn sóng phía trước. Trong khi bạn cứ cố gắng tiến về phía trước con sóng, những nguyên tắc vật lí sẽ khiến bạn không bao giờ tiến nhanh được. Những bức tường nước, hay còn được gọi là sức cản của sóng, sẽ là một nhân tố cùng với áp lực nước, ngăn cản bạn.
 
Một tác động yếu hơn nhưng không thể không kể đến là sức cản nhớt hay sức cản ma sát. Khi bạn bơi, có một lớp nước bám vào da bạn và cùng di chuyển với bạn trong khi những lớp nước ở xung quanh đang ở trong trạng thái tĩnh. Những lớp nước tĩnh đó sẽ kìm giữ lớp nước bám quanh bạn và cản bạn lại. Hơn nữa khi bạn cố bứt cơ thể mình cùng với lớp nước bám xung quanh ra khỏi vùng nước tĩnh, bạn sẽ tạo ra xoáy nước. Xoáy nước di chuyển thành quầng khoảng vài centimet quanh cơ thể bạn, gọi là lớp ranh giới. Những xoáy nước này cũng là một trong những nguyên nhân khiến bạn khó có thể bơi nhanh được trong môi trường nước. Sức cản ma sát lớn lên là do diện tích bề mặt cơ thể bạn tiếp xúc với nước và một phần do chính sức bám của nước với cơ thể bạn.
 
Cơ thể lông lá như thế này theo lý thuyết thì hoàn toàn không thích hợp khi di chuyển dưới nước.
 
Nếu là bề mặt thô ráp, một loại khác của sức cản ma sát mà Wilkinson gọi là sức cản thô ráp, cũng là cản trở với bạn. Cũng như thật khó để có thể vuốt bàn tay qua tấm thảm xù xì, điều này cũng giống như việc nước rất khó để có thể chảy qua tóc, lông trên cơ thể của bạn. Bề mặt cơ thể chúng ta khiến cho nước bị vướng lại, cản trở chuyển động của chính chúng ta dưới nước.
 
2. Giải pháp của những người chuyên nghiệp
 
Ngay cả khi không cần những bộ đồ bơi đặc biệt, bạn cũng có rất nhiều điều có thể làm để giảm thiểu những gì ngăn cản bạn lao đến đích.
 
Áp lực nước tác động lên cơ thể có thể được kiểm soát bằng việc điều chỉnh tư thế cơ thể khi ở dưới nước. Chính bề mặt của cơ thể bạn bao gồm lông, bề mặt da đã cản trở chuyển động của bạn dưới nước. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể lao xuống bể nước thật nhẹ nhàng, giữ cơ thể nằm ngang khi bơi và không để đôi chân chùng xuống quá thấp. Đó là những phương pháp hiệu quả mà những vận động viên chuyên nghiệp thường làm để giúp giảm áp lực cản khi bơi. Tuy nhiên, ở đầu, vai, ngón tay và bàn chân, áp lực nước vẫn còn tác động khá lớn.
 

 
Bạn có bao giờ để ý rằng các VĐV bơi lội thường bắt đầu đường đua bằng cách lặn 1 hơi dài dưới nước? Thực tế thì đây là cách để giảm sức cản của sóng khi bắt đầu cuộc đua. Khi ở sâu dưới nước, chúng ta gặp ít lực cản hơn nhiều vì ở đó không có sóng như trên mặt nước. Thông thường, những VĐV chuyên nghiệp sẽ cố gắng bơi một nửa quãng đường ở dưới nước trước khi nổi lên. Không chỉ có vậy, khi bất ngờ nổi lên, bạn sẽ tạo nên một làn sóng nhỏ hơn phía trước mình. Làn sóng này sẽ đối lập lại với những sóng nước cản trở chuyển động của chúng ta, do đó, nó sẽ giúp chúng ta phần nào đó bơi nhanh hơn.
 
Một bộ dao cạo thật tốt cũng là những thứ bạn cần nếu như muốn trở thành VĐV bơi lội chuyên nghiệp. Cạo bớt lông trên cơ thể cũng giúp giảm sức cản, do bề mặt cơ thể bạn trở nên trơn nhẵn hơn và giúp cho nước có cơ hội chạy qua cơ thể bạn một cách dễ dàng hơn. Ngoài ra, cơ bụng rắn chắc có thể giúp bạn tiến thẳng và nổi cao hơn trong nước. Với cơ thể khỏe mạnh và những động tác dứt khoát, mạnh mẽ, có lẽ sức cản của nước sẽ không còn là mối bận tâm quá lớn với bạn.
 
Thứ dụng cụ có thể giúp ích cho các VĐV bơi lội.
 
3. Giải pháp cuối cùng
 
Khi may mắn, kỹ thuật, thành quả luyện tập của tất cả các vận động viên đều ngang ngửa nhau, công nghệ sẽ là cuộc chạy đua nhỏ bên lề của đường đua xanh.
 
Liên Đoàn bơi lội quốc tế ( Federation Internationale de Natation – FINA) đã chấp nhận cho vận động viên sử dụng những bộ đồ bơi 1 mảnh có thể giảm lực cản của nước từ Olympic Trials năm 2000. Cho đến năm Olympic 2008, những bộ đồ bơi LZR Racer của hãng Speedo đã vượt lên tất cả để trở thành bộ đồ bơi được ưa chuộng nhất đối với các vận động viên bơi lội. Cho đến nay, hãng Speedo vẫn tự hào vì những bộ LZR Racer vẫn là loại đồ bơi hỗ trợ tốc độ tốt nhất tính đến thời điểm hiện tại.
 

 
Những bộ đồ bơi có khả năng tăng tốc độ tốt nhất là những bộ đồ phải đảm bảo được 2 điều kiện tối thiểu. Thứ nhất, những bộ đồ bơi này phải làm giảm sức cản lên cơ thể của vận động viên. Thứ hai, đi kèm với việc làm giảm sức cản, những bộ đồ bơi không khiến những vận động viên trở nên nặng nề hơn khi di chuyển dưới nước.
 
Những bộ LZR Racer của hãng Speedo thiết kế sử dụng loại vải bóng spandex với những ô vải xám rất trơn ở trước ngực, lưng và chân. Loại vải bóng của hãng Speedo sử dụng có cấu trúc phẳng hơn những loại vài thông thường, những ô vải xám trên bộ LZR Racer cũng đã được qua các cuộc thử nghiệm, kiểm duyệt tại NASA. Một bộ LZR Racer được cấu tạo chỉ từ 3 phần vải khâu chìm với nhau để hạn chế sự hiện diện của các mối hàn hay những đường may nổi trên bề mặt bộ đồ bơi.
 

 
Con người không như các loài cá nổi tiếng về tốc độ như cá heo hay cá mập, cơ thể chúng ta gồ ghề, lồi lõm với các múi cơ, bắp thịt, lông, tóc gây cản trở cho những chuyển động tiến lên phía trước dưới mặt nước. Bộ đồ bơi của Speedo bó sát gần như toàn bộ những vùng cơ lồi lõm nhất của cơ thể chúng ta, đi kèm với chất vải đặc biệt trơn của nó khiến cho những người sử dụng bộ đồ bơi này có vẻ trơn nhẵn hơn so với làn nước. Những cuộc thử nghiệm với LZR Racer đã được thực hiện để đảm bảo rằng những thiết kế này không bó quá sát vào cơ thể người sử dụng do lo ngại sẽ khiến khách hàng của Speedo khó có thể lấy đủ Oxy sau mỗi nhịp bơi.
 
Theo nhà sản xuất Speedo khẳng định, những khách hàng sử dụng LZR Racer có thể bơi nhanh hơn không đơn giản vì nỗ lực bản thân của họ mà còn là nhờ những bộ đồ bơi đặc biệt đã giúp họ giảm đi sức cản của nước trên cơ thể.
 
Alain Bernard - Vận động viên người Pháp đã đạt kỷ lục 21.50 giây tại đường bơi 50m nội dung bơi tự do của nam nhờ những bộ LZR Racer.
 
4. Những bộ đồ bơi có thật sự giúp ích?
 
Từ khi những bộ LZR Racer của hãng Speedo ra đời, những con số kỳ lạ đã được ghi nhận trên đường đua xanh. Chỉ trong năm 2008, đã có hơn 40 kỷ lục mới trên các đường bơi được thiết lập, con số này thậm chí còn gấp đôi những gì các VĐV bơi lội đã làm trong khoảng thời gian 30 năm trước năm 2008. Chính xác thì những bộ đồ bơi LZR Racer được bán ra trên thị trường trong tháng 2 năm 2008, và cũng tư khoảng thời gian đó đến hết tháng 3 cùng năm, hàng loạt kỷ lục đã được các VĐV bơi lội lập ra.
 

 
Nhiều người cho rằng việc huấn luyện hay những công nghệ khoa học hiện đại đã giúp cải thiện khả năng bơi lội của các VĐV một cách đáng kể. Tuy nhiên, lẽ dĩ nhiên là các nhà sản xuất đồ bơi sẽ khẳng định do những bộ đồ bơi của họ đã giúp các VĐV rất nhiều.
 
Có thể những bộ đồ bơi và phương pháp nghiên cứu khoa học đã tác động không nhỏ đến thành tích của các VĐV. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận công sức luyện tập của VĐV cũng như khả năng huần luyện của các ông thầy nhà nghề. Một bộ phim từng được trình chiếu trên TV nói về một cậu bé nhặt được đôi giày thể thao của Michael Jordan và nhờ đó mà cậu có thể thi đấu bóng rổ chuyên nghiệp mặc cho thể hình nhỏ bé và độ tuổi khá khiêm tốn của mình. Tuy nhiên, phim ảnh vẫn chỉ là phim ảnh, nếu thực sự cho bạn đi đôi giày của Michael Jordan, bạn cũng không thể ngay lập tức trở thành vận động viên bóng rổ nhà nghề được.
 
Dù với những đồ vật đặc biệt, chúng ta cũng không thể trở thành những siêu sao như trong phim ảnh được.
 
Tham khảo: HowStuffWorks