Nguồn gốc chứng mộng du ở người

PV  | 06/05/2012 0:00 AM

Hầu hết những người trưởng thành bị mộng du cũng từng bị khi còn nhỏ, rất hiếm người bỗng nhiên xuất hiện hiện tượng này khi đã trưởng thành. Cả trẻ em và người lớn đều dễ bị mộng du khi cơ thể ốm, mệt mỏi hoặc khi uống thuốc, bia rượu.

Khi nào thì bạn được gọi là đang thức? Khi bạn có thể đứng lên, đi lại, nói chuyện, nấu ăn hay lái xe thì liệu có phải bạn đang thức hay không? Thật ra, có rất nhiều trường hợp đã được ghi nhận một người có những hoạt động như đi lại, làm việc… nhưng người ấy lại đang chìm sâu trong giấc ngủ và những việc đã xảy ra không được lưu vào tiềm thức, đối với người ấy, mọi chuyện như chưa từng xảy ra. Hiện tượng hoạt động trong giấc ngủ được gọi là “mộng du”.
 
Mộng du là một trong nhóm những hoạt động được gọi là parasomnia, đây là nhóm những hoạt động bất thường diễn ra trong khi ngủ, những hoạt động parasomnia thường gặp nhất là nghiến răng khi ngủ hoặc là “mộng tinh”…Các nhà khoa học coi những hiện tượng này là “những lỗi trong cân bằng và tính toán thời gian”
 
Bộ não của con người vô cùng phức tạp, nó nhắc chúng ta phải thở, giữ cho tim chúng ta luôn đập, lưu trữ ký ức, điều khiển hoạt động cười, nói…Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng khi ngủ, cơ thể chúng ta sẽ nghỉ ngơi, nhưng mọi chuyện có thật sự xảy ra như vậy? Tại sao khi ngủ say chúng ta vẫn có thể tự động kéo chăn xung quanh cho mình? Tại sao khi ngủ chúng ta vẫn có thể di chuyển được? Tại sao khi ngủ chúng ta vẫn nói mơ hoặc ngáy? Bộ não là trung tâm điều khiển hoạt động của con người, vậy nếu nó cũng nghỉ ngơi trong khi chúng ta ngủ thì tại sao cơ thể chúng ta vẫn hoạt động? Hoặc, nếu như bộ não vẫn hoạt động liên tục khi chúng ta ngủ thì làm cách nào mà chúng ta cảm giác thanh thản, thoải mái mỗi sáng thức dậy? Có rất nhiều câu hỏi mà cần phải có thêm thời gian con người mới có thể tìm được câu trả lời, trong bài báo này, chúng ta chỉ có thể đi tìm hiểu về hiện tượng mộng du.
 
Điều gì xảy ra trong bộ não khiến chúng ta bị mộng du?
 
Vậy điều gì đã khiến cho cơ thể một người đứng dậy khi người ấy đang ngủ? Mộng du có phải diễn tả những hành động đang xảy ra trong giấc mơ? Hay mộng du là phản ánh nỗi sợ hãi của chúng ta mà khi còn tỉnh?
 
1. Những người hay gặp hiện tượng mộng du
 

 
Trong những bộ phim điện ảnh, phim hoạt hình, người mộng du được miêu tả là có thể đi lại với đôi mắt nhắm nghiền và cánh tay duỗi thẳng ra. Trong cuốn sách DSM-IV, chứng mộng du được miêu tả là: 
 
           - Hiện tượng mộng du bắt đầu vào khoảng 1/3 thời gian đầu tiên của giấc ngủ
           - Rất khó để đánh thức người bị mộng du.
           - Người bị mộng du không thể nhớ về những gì đã xảy ra.
           - Bạn thực sự sẽ không hiểu nổi những gì đang xảy ra nếu như thức tỉnh khi đang mộng du.
           - Mộng du không phải bệnh tâm thần hay rối loạn cơ thể.
           - Mộng du có ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống của con người.
 
Mộng du xảy ra trong 1/3 thời gian đầu của giấc ngủ, đây là thời gian mà cơ thể vẫn còn đang hoạt động theo những phản xạ tự nhiên như lăn, kéo chăn…nhưng cũng là thời gian mà não bộ ít hoạt động nhất, chúng ta sẽ không thể có những giấc mơ trong thời gian này. Như vậy, có thể kết luận là mộng du không phải là diễn tả lại những hành động đang xảy ra trong giấc mơ. Sau 1/3 thời gian đầu của giấc ngủ, não bộ lại hoạt động mạnh nhưng cơ thể nghỉ ngơi, đây là thời điểm chúng ta chìm trong những cơn mơ.
 
Trong giấc ngủ sâu, não bộ sẽ tránh không tiếp nhận những khuấy động từ bên ngoài, do đó, rất khó để có thể đánh thức những người bị mộng du. Trên thực tế, người ta vẫn chưa nghiên cứu được xem có nên đánh thức người đang mộng du hay không, tuy nhiên, cũng sẽ rất nguy hiểm nếu để họ tự ý hành động trong khi đang ngủ. Điều tốt nhất nên làm là dẫn dắt người bị mộng du quay trở lại giường, bạn có thể yên tâm là trong một đêm, con người chỉ có thể bị mộng du một lần.
 
Người đàn ông này bị mộng du hay ngủ gục trước tay lái?
 
Những cơn mộng du có thể kéo dài từ vài giây cho đến nửa tiếng đồng hồ, và không như trong phim ảnh, những người bị mộng du vẫn sẽ mở mắt, khuôn mặt ngây dại. Những người bị mộng du trông không khác gì người đang thức nhưng hành động của họ vô cùng vụng về. Người bị mộng du có thể thực hiện các hành động đơn giản như đứng dậy và đi dạo vòng quanh, nhưng cũng có những trường hợp họ có thể lái xe hoặc chơi nhạc.
 
Mộng du có tính di truyền và trẻ em là đối tượng thường gặp hiện tượng mộng du, đặc biệt là các bé trai. Càng lớn lên, chúng ta càng hiếm gặp mộng du hơn tuy nhiên lại có những hoạt động parasomnia khác như ngáy, nghiến răng…
 
2. Tại sao con người lại mộng du?
 
Thực sự thì chưa ai dám khẳng định vì sao lại xảy ra hiện tượng mộng du, phải cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để có thể đưa ra kết luận cuối cùng. Như đã nói ở trên, mộng du xảy ra khi chúng ta đang ở trong giấc ngủ sâu, khi não bộ ít hoạt động nhất nhưng cơ thể lại chưa hoàn toàn nghỉ ngơi. Vậy hiện tượng mộng du là hiện tượng cơ thể hoạt động với một cỗ máy điều khiển đang ngủ.
 
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, mộng du xảy ra do một điều gì đó đã tác động vào hệ thần kinh của chúng ta, khiến cho người bị mộng du bị lẫn lộn giữa trạng thái ngủ và thức.
 
Ở trẻ em, đối tượng dễ gặp hiện tượng mộng du, trí não của chúng phát triển rất nhanh trong những năm đầu đời, phát triển từ những đứa trẻ thò lò mũi xanh và chỉ 5 năm sau thôi đã có thể biết đọc, viết, điều này hoàn toàn không thể xảy ra trong những năm sau đó. Một số người cho rằng do trí não của trẻ trong những năm này chưa phát triển đầy đủ, não bộ của chúng không thể phân biệt được sự khác nhau của thức và ngủ, điều này dẫn đến hiện tượng mộng du. Những ý kiến khác thì cho rằng, não bộ của trẻ phát triển nhanh nhưng không đồng đều, có những phần của bộ não đã phát triển vượt quá những phần khác, điều này cũng có thể đã khiến cho hiện tượng mộng du xảy ra.
 
Quá trình ngủ sâu cũng là khi cơ thể tự hồi phục, tiết ra những hormon, trong đó có cả những hormon tăng trưởng. Trẻ em trong quá trình lớn lên tiết ra rất nhiều hormon này, không thể loại trừ khả năng việc này liên quan đến hiện tượng mộng du.
 
Hầu hết những người trưởng thành bị mộng du cũng từng bị khi còn nhỏ, rất hiếm người bỗng nhiên xuất hiện hiện tượng này khi đã trưởng thành. Cả trẻ em và người lớn đều dễ bị mộng du khi cơ thể ốm, mệt mỏi hoặc khi uống thuốc, bia rượu.
 
Trẻ em - Đối tượng thường gặp mộng du.
 
Mộng du không hoàn toàn vô hại, thực tế thì hiện tượng mộng du cũng có liên quan tới những bệnh về não như mất trí nhớ hay Parkison. Thậm chí có nhiều trường hợp đã xảy ra án mạng mà hung thủ là những người được cho là bị mộng du. Trẻ em có thể tự hết bị mộng du khi lớn lên hoặc có thể khỏi bằng cách giúp trẻ hết căng thẳng và sử dụng thời gian biểu hợp lý. Tuy nhiên, nếu như bạn là người lớn và đột nhiên xuất hiện hiện tượng mộng du, tốt nhất là bạn nên đến xin tư vấn của bác sỹ.
 
Scott Falater tuyên bố mình giết người khi đang mộng du.
 
3. Mộng du xuất hiện trong nghệ thuật
 
Trong vở bi kịch của Shakespeare, MacBeth, Bà MacBeth do mặc cảm phải sống trong tội lỗi mà hằng đêm, bà đã đi quanh lâu đài, thú thật về những tội ác mà bà ta và chồng đã gây ra. Đây là tình tiết quan trọng trong tác phẩm của William Shakespeare.
 
Trong vở opera "La Sonnambula" của Bellini, một người phụ nữ cũng bị mộng du và thức giấc trong phòng của một người đàn ông không phải chồng của bà. Nỗi oan của người phụ nữ chỉ được giải khi mọi người chứng kiến cảnh bà ta trèo lên một chiếc cầu cao khi đang ngủ. Đây cũng có thể lấy làm ví dụ đối với tác hại của bệnh mộng du, một người không kiểm soát được hành vi của mình có thể gây hại cho chính bản thân.
 
Nhà biên đạo múa huyền thoại George Balanchine đã dàn dựng lại "La Sonnambula" cũng với âm nhạc của Bellini nhưng lại lấy một câu chuyện khác. Balanchine đã dàn dựng vở ballet kể về một nhà thơ gặp một cô gái xinh đẹp bị mộng du tại một buổi vũ hội. Câu chuyện kết thúc khi nhà thơ bị người chủ của buổi vũ hội giết chết vì lòng đố kỵ và xác của ông được người con gái mộng du ấy ôm chặt trước khi cánh gà khép lại. Người vũ công đã phải rất khó khăn để biểu diễn những động tác múa uyển chuyển, phức tạp nhưng lại phải thể hiện được yếu tố mộng du trong không gian mờ nhạt, kỳ bí.
 
Vở ballet La Sonnambula của George Balachine.
 
Mộng du trong nghệ thuật thường được biểu hiện bằng máu, nguy hiểm, kỳ bí nhưng chủ yếu là sự mất tự chủ, những người mộng du thường được coi là giao phó toàn bộ sinh mạng cho những người xung quanh. Những người bị mộng du như những cái xác không hồn, có thể nói họ có nét nào đó giống với Zombie-Thây ma di động.
 
4. Các loại parasomnia khác
 
Mộng du không chỉ là loại parasomnia duy nhất, nói đúng hơn thì mộng du không phải loại hoạt động phổ biến nhất. Xin được giới thiệu về một số loại hoạt động được xếp cùng loại parasomnia.
 
Nghiến răng khi ngủ là hoạt động thường xảy ra nhất. Tiếng động nghiến răng nghe giống như chúng ta đang nhai đá, thậm chí có thể đánh thức những người xung quanh và chính bản thân mình. Nghiến răng làm tổn thương răng và hàm, lực nghiến răng có thể lên đến 250 pound, hiện tượng nghiến răng khi ngủ xảy ra ở những người mệt mỏi hoặc đang căng thẳng.
 
Nói mê là hoạt động được xếp vào loại parasomnia. Nói mê được coi là vô hại, ngoại trừ việc người nói mê sẽ đánh thức những người xung quanh. Nói mê có thể chỉ là những tiếng động vô nghĩa nhưng cũng có thể là những màn độc thoại dài.
 
Đái dầm là một loại đặc biệt của parasomnia. Đái dầm được coi là một hiện tượng rối loạn kiểm soát hành vi trong giấc ngủ nông. Đái dầm thường xuất hiện ở trẻ em hoặc người già, nó thường xảy ra để phản ứng lại những điều đang xảy ra trong giấc mơ như đi vệ sinh, dính nước…
 
Ăn khi ngủ. Một vài người thức dậy vào buổi sáng và thấy bếp nhà mình đã bị lục lọi, phát hiện những mầu thức ăn ở quanh mình và thấy cơ thể tăng cân mặc cho những biện pháp giảm cân đã được thực hiện. Hiện tượng này xảy ra khi những người đó sử dụng thuốc an thần gây ngủ Ambien, rất nhiều người đã không còn hiện tượng này khi chuyển sang dùng loại thuốc ngủ khác.
 
Sleepsex. Là hiện tượng giống như mộng du hay ăn trong lúc ngủ, những người bị sleepsex có những hành vi liên quan đến tình dục khi đang ngủ. Họ chỉ biết đến những hành động của mình khi những người xung quanh nói với họ. Từng có trường hợp được tuyên bố trắng án sau khi chứng minh người này thực hiện hành vi cưỡng hiếp khi đang ngủ.
 
Sheikh Issa bin Zayed được tuyên bố trắng án vì phạm tội cưỡng hiếp khi đang ngủ. 
 
Tham khảo Howstuffworks