Nga tìm dấu vết sự sống dưới hồ nước 15 triệu năm

Leonids  | 08/02/2011 10:00 AM

Liệu có sự sống nằm dưới lớp băng hàng cây số?

Những người Nga đã khoan hàng cây số qua lớp băng của một hồ nước ngọt cổ đại đã bị tách rời so với phần còn lại của hành tinh từ hàng triệu năm qua. Nếu như họ tìm được sự sống ở dưới đó, điều đó có ý nghĩa tương tự như chúng ta có thể tìm thấy được sự sống ở một nơi nào đó trong vũ trụ bao la.



Vostok là hồ nước ngọt có kích thước tương đương tiểu bang New Jersey của Mỹ (có diện tích vào khoảng 23.000 km²), bị chôn vùi hoàn toàn dưới lớp băng dày của Nam cực ở độ sâu khoảng 4 km. Nó đã bị vùi lấp và tách biệt hẳn so với phần còn lại của thế giới, ước chừng đã ở trong tình trạng này từ hơn 15 triệu năm về trước. Sau một thập kỷ lên kế hoạch, những nhà khoa học của Nga đã bắt tay vào công cuộc tìm kiếm sự sống tại địa phương bí ẩn này.

Trạm Vostok của Nga đặt tại Nam cực nằm ở khu vực đo được nhiệt độ thấp nhất trên Trái đất, -89.2°C, cũng là nơi có hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, nếu ở lâu có thể gây tình trạng tiêu cực như đau đầu, co rút mắt, đau tai, chảy máu mũi, nghẹt thở, đột ngột tăng huyết áp, mất ngủ, nôn mửa, đau khớp giảm trọng lượng lên đến 25 kg. Tuy nhiên, vị trí của trạm Vostok trùng hợp nằm trên chính hồ nước ngọt bí ẩn mà chúng ta đang nhắc đến.
 
Người Nga là những người duy nhất cũng như tiến rất gần đến việc nghiên cứu để lấy về một số mẫu thí nghiệm dưới lòng hồ này. Tuy nhiên, việc khoan sâu hàng cây số xuống dưới lớp băng tại Nam cực cũng gặp phải nhiều vấn đề khó khăn cần giải quyết. Phương pháp họ định sử dụng là bơm dầu hỏa cùng Freon (một loại chất hóa học tổng hợp) vào lỗ khoan nhằm ngăn cản sự tái kết băng của nước. Nhưng những nhà khoa học cũng lo ngại trong thành phần nước ngọt của hồ sẽ chứa nhiều khí gas phân hủy, và một khi chúng phát nổ, mọi công sức của họ sẽ đổ xuống sông xuống bể. Người Nga thực sự muốn trở thành những người đầu tiên khai phá hồ nước bí ẩn này, hay giống như một giáo sư của đại học Columbia đã nói: "Họ (người Nga) đã không thể trở thành những người đầu tiên bước lên mặt trăng, nên họ sẽ vô cùng, vô cùng muốn trở thành người đầu tiên khoan xuống dưới hồ nước dưới mặt băng."

Lý do những nhà khoa học chú ý đến hồ Vostok là do thành phần môi trường của nó có phần tương tự với Europa, vệ tinh của Sao Mộc và Enceladus, vệ tinh Sao Thổ. Hai vệ tinh này đều có bề mặt được phủ kín bởi những lớp băng dày và có thể tồn tại nước ở dưới đó. Không vệ tinh nào có bầu khí quyển, tuy nhiên hồ Vostok lại có. Nếu như sự sống có thể tồn tại ở một hệ sinh thái đóng tại Nam Cực, điều đó hoàn toàn có ý nghĩa một sự sống khác sẽ xuất hiện ở một hệ sinh thái tương tự trong hệ Mặt Trời, thậm chí là ngoài vũ trụ. Nếu như kế hoạch của người Nga mang lại những kết quả đầy hứa hẹn, họ sẽ gửi một robot xuống đó để khám phá và phân tích, một nhiệm vụ tương tự sẽ được thực hiện trên vệ tinh Europa.
 
Xem thêm:

lạ

khoa học