Muỗi và cách phòng ngừa hiệu quả

PV  | 04/07/2012 05:00 PM

Mùa hè chính là mùa muỗi sinh sôi và gây ra nhiều dịch bệnh bùng phát. GenK và bạn đọc sẽ cùng tìm hiểu những thông tin xung quanh và cách phòng ngừa "kẻ hút máu" này.

Vào một buổi tối mát mẻ đang ngon giấc, bạn choàng tỉnh vì ngứa ngáy khắp người. Nguyên nhân cũng là do bạn quên không mắc màn trước khi ngủ. Nhưng nếu không có muỗi, thì việc gì bạn phải lo lắng chuyện có mắc màn hay không. Hẳn bạn đã tự hỏi, tại sao lại sinh ra loài muỗi để làm gì? Không biết chúng có mang dịch bệnh gì không và làm thế nào để không bị muỗi đốt. Trong bài viết này, GenK xin cung cấp tới bạn đọc những thông tin cơ bản có liên quan tới kẻ thù chuyên hút lén máu người – muỗi.
 
Muỗi - động vật nguy hiểm với con người.
 
Muỗi là loại côn trùng đã xuất hiện trên Trái đất được khoảng 30 triệu năm. Và dường như trong hàng ấy năm, muỗi đã trở thành một chuyên gia trong việc tìm người để đốt. Trên thực tế, cấu tạo loài muỗi rất thích hợp để chúng có thể phát hiện ra con mồi. Trước nhất, muỗi có thể cảm nhận được cacbon dioxit và axit lactic – hai loại khí có trong hơi thở của các động vật có vú và chim. Trong phạm vi 36 m, muỗi vẫn có thể phát hiện ra những khí này. Mồ hôi cũng rất thu hút muỗi. Những người nào ra ít mồ hôi thì sẽ ít bị muỗi đốt hơn. Thứ hai, nếu bạn mặc những bộ quần áo có màu sắc nổi bật và di chuyển nhiều cũng sẽ là đối tượng của loài muỗi. Các sinh vật chuyển động được, tức là vẫn còn sống và nếu còn sống tức là còn rất nhiều máu. Thứ ba, muỗi có thể cảm nhận được hơi ấm. Và như vậy, những động vật máu nóng, bao gồm cả con người sẽ thu hút rất nhiều muỗi.
 
Mồ hôi cũng là một trong những thủ phạm thu hút muỗi.
 
Cũng giống như bất kỳ loại côn trùng nào, cấu tạo cơ thể một con muỗi trưởng thành gồm ba phần: đầu, lồng ngực và bụng. Phần đầu có chứa tất cả các giác quan và vòi để hút máu, nhưng chỉ muỗi cái mới có chiếc vòi cấu tạo đặc biệt có thể đâm xuyên da người và động vật để hút máu. Lồng ngực có tính đến cả hai cánh và sáu chân. Đây cũng là phần gồm các cơ bay, tim và một số tế bào thần kinh hạch. Phần cuối cùng là bụng có chứa các cơ quan tiêu hóa và bài tiết.Trên thế giới, các nhà khoa học đã tìm ra hơn 2700 loài muỗi, trong đó có 13 loài tìm thấy ở Mỹ. Một số loại muỗi được khá nhiều người biết đến như muỗi Aedes aegypty gây bệnh sốt vàng da, muỗi Anopheles quadrimaculatus gây sốt xuất huyết.
 
Muỗi cái chuyên hút máu người để có thể đẻ trứng được.
 
Vòng đời của muỗi cũng trải qua một số giai đoạn giống như những loài côn trùng khác. Muỗi cái đẻ trứng trong nước, ấu trùng muỗi và nhộng vẫn ở trong nước. Khi chuyển từ giai đoạn nhộng sang con trưởng thành, muỗi sẽ rời khỏi mặt nước và bay đi tìm thức ăn. Vòng đời của muỗi có thể kéo dài từ một tuần đến một vài tuần, điều này còn phụ thuộc vào từng loại muỗi, giống đực hay giống cái và điều kiện sống. Muỗi cái có thời gian sống gấp 2-3 lần (khoảng 1 tháng) so với muỗi đực (khoảng 1-2 tuần). Nhiều con trưởng thành của một số loài, nếu như đang ở giai đoạn giao phối có thể sống sót được qua mùa đông ở những nơi ẩm ướt, sau đó chúng sẽ đẻ trứng vào mùa xuân rồi mới chấm dứt vòng đời của mình.
 
Vòng đời của muỗi
 
Như đã đề cập ở trên, chỉ muỗi cái mới hút máu người và động vật. Chúng dựa vào nhiệt độ cơ thể con mồi, mùi mồ hôi, mùi cơ thể, axit lactic, cacbon dioxit để tìm ra con mồi. Và khi đã xác định được ổ máu, muỗi cái đậu lên da và dùng chiếc vòi thon, nhọn để hút máu. Trong nước bọt của muỗi cái chứa protein chống máu đông nên máu sẽ không bị đông lại. Lượng máu hút được sẽ đi thẳng vào bụng muỗi cái. Tuy nhiên, lượng máu này không phải để nuôi cơ thể mà để muỗi cái sản xuất ra trứng sau này.  Một điểm đáng chú ý nữa là nếu như chúng ta cắt dây thần kinh bụng của muỗi, chúng sẽ không cảm nhận được là đã no và cứ tiếp tục hút máu cho đến khi bụng chúng bị nổ tung vì quá căng máu. Khi muỗi đốt xong và bay đi, nước bọt của chúng vẫn đọng lại trong vết thương. Lượng protein trong nước bọt này sẽ khiến cơ thể bạn phản ứng lại qua việc da căng phồng lên và cảm thấy ngứa. Một lúc sau, vết sưng xẹp xuống nhưng bạn vẫn cảm thấy ngứa, chỉ đến khi nào các protein nước bọt bị các tế bào miễn dịch trong cơ thể bạn phá vỡ thì cơn ngứa mới chấm dứt.
 
Trên đây mới chỉ là những con muỗi thường không mang bệnh. Thực tế, nước bọt và chất chống đông máu của nhiều loại muỗi có mang virut dịch bệnh. Chúng sẽ truyền bệnh sang cơ thể người hay động vật bị chúng chích. Một số bệnh khá phổ biến do muỗi lây truyền có thể kể đến dưới đây:
 
Sốt rét - Bệnh sốt rét gây ra bởi một loại ký sinh trùng được truyền qua muỗi Anopheles. Ký sinh trùng này phát triển trong máu người và có thể gây ra các triệu chứng từ 6-8 ngày đến vài tháng sau khi muỗi Anopheles tấn công con người. Các triệu chứng này bao gồm sốt, lạnh, đau đầu, đau cơ và mệt mỏi (tương tự như triệu chứng cúm). Sốt rét là một bệnh nghiêm trọng có thể gây tử vong, nhưng ngày nay các bác sĩ có thể điều trị thuốc chống sốt rét cho bệnh nhân. Sốt rét là bệnh phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới.
 
Bệnh sốt rét
 
Sốt vàng da - Bệnh sốt vàng da không xuất hiện ở Hoa Kỳ hay châu Âu, nhưng lại khá phổ biến ở châu Phi và khu vực Nam Mỹ. Căn bệnh này lây truyền qua muỗi Aedes aegypti. Sốt vàng da cũng gồm các triệu chứng tương tự như bệnh sốt rét và thêm các biểu hiện khác như buồn nôn, nôn và vàng da. Giống như sốt rét, sốt vàng da có thể gây tử vong. Ngày nay đã có thuốc tiêm phòng bệnh sốt vàng da.
  
Viêm não - Viêm não do virus được truyền qua muỗi Aedes hoặc muỗi Culiseta gây ra. Các triệu chứng của viêm não bao gồm sốt cao, cứng cổ, nhức đầu, rối loạn và buồn ngủ. Chính phủ và người dân miền đông Hoa Kỳ đã từng phải thực hiện các chiến dịch để kiểm soát sự bùng nổ của căn bệnh này.
 
Mặc quần áo che kín cơ thể cũng là một cách để phòng muỗi đốt.
 
Để có thể phòng ngừa được các dịch bệnh do muỗi gây ra thì bạn phải học cách tự bảo vệ bản thân cũng như tiêu diệt  muỗi. Bạn có thể giảm được tình trạng bị muỗi đốt bằng cách mặc quần áo che kín cơ thể. Còn nếu như việc mặc quần áo quá kín có thể gây nóng bức hoặc khó chịu, bạn có thể sử dụng cách thứ hai là bôi thuốc chống muỗi đốt có chứa chất NN-diethyl-meta-toluamide (DEET) với nồng độ từ 7,5 đến 100%. Đối với làn da nhạy cảm như của trẻ em, loai thuốc có nồng độ DEET 15% là phù hợp.
 
Nói không với muỗi
 
Bên cạnh việc bảo vệ bản thân, bạn cũng có thể ngăn chặn việc bị muỗi đốt bằng cách tiêu diệt muỗi. Nếu như trong khu  vườn của bạn có ao nhỏ, hãy nuôi những loại cá ăn trứng và ấu trùng của muỗi để chúng không có cơ hội phát triển thành con trưởng thành.  Một biện pháp khác cũng để giết trứng muỗi đó là sử dụng nước xà phòng. Bạn hãy pha một chậu nước có xà phòng để ở những nơi nhiều muỗi. Trứng muỗi không thể chịu được môi trường kiềm nên sẽ bị hỏng và không thể tiếp tục vòng đời. Vợt bắt muỗi cũng là lựa chọn của nhiều người. Trên thị trường cũng bày bán khá nhiều loại thuốc diệt muỗi và hương muỗi để bạn lựa chọn. Tuy nhiên, muỗi cũng có khả năng kháng thuốc nên bạn nên sử dụng nhiều biện pháp phòng ngừa khác nhau. Cách phòng ngừa chủ động nhất, đó là bạn hãy luôn vệ sinh môi trường sạch sẽ, tránh để đồ đạc và dụng cụ bị ẩm mốc, thu hút muỗi. Chúc bạn sẽ có một mùa hè bổ ích và không muỗi đốt!
 
Tham khảo: howstuffworks
Xem thêm:

khám phá