Lính bắn tỉa, họ là ai?

Trần Nam Sơn  | 05/10/2011 05:00 PM

Toàn bộ những gì bạn cần biết về những lính bắn tỉa huyền thoại.

Khi nhắc đến lính bắn tỉa, hẳn bạn đọc đều nghĩ đến hình ảnh một tay súng cô độc, vô hình, đang trên đường săn tìm mục tiêu của mình. Và với một tay súng bắn tỉa xuất sắc, một tay súng biết cách ẩn nấp, đưa mục tiêu vào tầm ngắm và bóp cò, chúng ta còn rất nhiều điều để nói tới.
 

 
Khi họ bắn một phát đạn, có vô vàn những tính toán phức tạp phải được cân nhắc trước khi bóp cò. Tốc độ, hướng gió, tầm di động của mục tiêu, nguồn ánh sáng, nhiệt độ, áp suất không khí, và đó mới chỉ là bước khởi đầu. Làm thế nào để di chuyển vào vị trí thích hợp - đó là cả một cuộc chiến. Đó là lý do tại sao hầu hết các tay súng bắn tỉa đều phải đi thành từng đôi một. Bất ngờ ư? Hầu hết ai cũng vậy.
 
Phần lớn mọi người đều cho là những kỹ năng của những tay sát thủ hàng đầu. Trên thực tế, mục tiêu của những người lính bắn tỉa liên quan nhiều đến việc cứu được bao nhiêu đồng đội của họ hơn là hạ sát được bao nhiêu quân địch.
 
Bài viết hi vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những tay súng thầm lặng này. Thông tin hầu hết được cung cấp bởi một cựu quân nhân Hoa Kỳ trước đây từng làm lính bắn tỉa trong biệt đội U.S. Army Ranger.
 
Lính bắn tỉa, họ làm những gì?
 
Một tay súng bắn tỉa được huấn luyện đặc biệt để hạ gục mục tiêu từ một khoảng cách cực kỳ xa. Không chỉ vậy, họ còn thông thạo việc ẩn nấp, ngụy trang, thâm nhập và quan sát đối tượng.
 
Những tay súng bắn tỉa được sử dụng với rất nhiều nhiệm vụ khác nhau trên chiến trường. Và phần lớn những nhiệm vụ này chẳng hề liên quan gì đến việc bóp cò. Vai trò chính của người lính bắn tỉa trên chiến trường là do thám. Đơn giản bởi họ là bậc thầy trong việc ẩn nấp, ngụy trang có thể dễ dàng xâm nhập sâu vào phòng tuyến địch để cung cấp về sở chỉ huy những thông tin về số lượng, sức mạnh, hay vị trí của địch. Khi cần, những sniper này có thể khai hỏa và hạ nhuệ khí quân địch. Không phí đạn vào những mục tiêu vô thưởng vô phạt, những người lính bắn tỉa tập trung vào những mục tiêu trọng yếu- sĩ quan chỉ huy, phi công, lái xe, kỹ thuật viên, thợ sửa chữa đường dây liên lạc… Với những phát súng tử thần tiễn đưa đối phương về với Chúa mà không hề có gì cảnh báo trước, họ đã phá nát cả ý chí và khả năng chiến đấu của quân địch.
 

 
Khi không có mục tiêu nào cụ thể, những tay súng bắn tỉa sẽ nhằm vào những mục tiêu trong khả năng. Một tay sĩ quan đi châm thuốc hút, 1 viên phi công đi kiểm tra lại động cơ, hay một đội tuần tra - đó đều là những mục tiêu trong khả năng. Họ di chuyển ống ngắm theo từng bước chân của con mồi, rồi kiên nhẫn chờ đợi để bắn một phát đạn hoàn hảo.
 
"Những mục tiêu nào bạn muốn loại bỏ để giúp đồng đội được nhiều nhất?" - đây là câu hỏi phải được đặt ra khi bạn chọn mục tiêu. Khi bạn đã phục vụ trong quân đội trong một khoảng thời gian dài, bạn sẽ biết cách một tay chỉ huy hành động ra sao. Bạn sẽ biết rằng một tay lính vô danh sẽ ru rú nấp sau một mô đất hay một cái hố nào đó, kè kè với khẩu súng của mình. Bạn sẽ biết được ai là ai- chỉ với một giây quan sát. "Ok- gã này là chỉ huy, còn gã kia chỉ là một tên lính vô danh tiểu tốt". Đó cũng là một trong những lý do mà trên chiến trường, binh lính không bao giờ giơ tay chào chỉ huy của mình. Chỉ với hành động đó, tay bắn tỉa sẽ biết ai là chỉ huy và "Bang"- chuyện gì phải đến cũng sẽ đến với viên sĩ quan bất hạnh.
 
Những tay súng bắn tỉa còn được sử dụng nhiều trong vai trò hỗ trợ. Việc hỗ trợ ở đây có thể là một vị trí quan sát, hay tham gia vào việc đánh chặn phòng thủ.
 
Khi ở vị trí quan sát, họ sẽ ngụy trang ở những vị trí thích hợp để có được một tầm nhìm bao quát trên chiến trường. Tại đó, họ có thể hỗ trợ cho lực lượng tập kích bằng cách loại bỏ những thành phần có thể gây nguy hiểm cho trung đội đang tiến quân. Trong vai trò đánh chặn, lính bắn tỉa sẽ tham gia vào việc bảo vệ một địa điểm đang được kiểm soát bởi một trung đội nào đó. Họ sẽ cắm rễ ở đâu đó và giúp lực lượng bộ binh phòng thủ ở đây.
 
Và mục tiêu của họ không chỉ là người. Họ còn thường xuyên nhận được mệnh lệnh phá hủy cơ sở vật chất của địch. Máy phát điện, radio, hay nguồn cung cấp xăng dầu và nước. Một viên đạn vào động cơ chiếc trực thăng chuyên chở cũng tương đương với một viên đạn vào đầu viên phi công. Không phải tự nhiên mà những nhà hoạch định chiến lược quân sự gọi lực lượng lính bắn tỉa là lực lượng cấp số nhân. Chỉ với một lực lượng rất nhỏ, khi được sử dụng vào những chiến thuật đặc biệt, họ có thể gây ra sức công phá tương đương với một binh đoàn có số lượng lớn gấp nhiều lần. Thú vị ở chỗ, họ có thể tạo ra tổn thất ở mức cực kỳ lớn mà chẳng cần phải đối mặt với quân địch.
 
Họ đã được đào tạo ra sao?
 
Tất cả các loại quân chủng đều cần đến những tay súng bắn tỉa trong nhiều nhiệm vụ của mình. SEAL (lực lượng đột kích), CCT (lực lượng chiến đấu phối hợp), Army ranger (lực lượng biệt kích), họ đều sở hữu thành phần bắn tỉa trong đơn vị của mình. Và mặc dù những binh chủng này đều sở hữu trường đạo tạo bắn tỉa riêng, nhưng United States Marine Corps Scout Sniper School (USMC Scout Sniper School) vẫn được xem như là nơi đào tạo những tay súng hàng đầu.
 

 
USMC Scout Sniper School được biết đến như là nơi sở hữu một khung huấn luyện súng bắn tỉa tốt nhất trong quân đội. Những người lính ở đây phải chấp nhận một chương trình đào tạo vô cùng khắc nghiệt để có đủ tư cách trở thành một tay súng có đủ khả năng phục vụ trong tất cả các binh chủng. Những người được chọn đến tham dự khóa đào tạo này được xem như là những thành phần “cứng cựa” nhất trong binh chủng của họ.
 
Khi lựa chọn ,người chỉ huy không dựa vào khả năng nhắm bắn, hay bản năng sát thủ của binh lính. Đơn giản là có quá nhiều binh lính với khả năng thiện xạ. Họ cũng đã được đào tạo để sẵn sàng hạ sát mục tiêu nếu cần thiết. Trở thành một tay súng bắn tỉa đồng nghĩa với một trách nhiệm vô cùng nặng nề đặt lên vai người lính. Và người chỉ huy đòi hỏi ở họ có thể đưa ra những quyết định đúng đắn và luôn tỉnh táo.
 
Không có cái đầu lạnh, đừng mong thành lính bắn tỉa”- trích lời 1 sỹ quan huấn luyện. Những tay súng bắn tỉa luôn phải có khả năng làm việc độc lập, để khi không ở cùng với đơn vị, họ có thể đưa ra được những quyết định đúng đắn mà không cần vặn bộ đàm và rên rỉ “Tôi phải làm gì đây?” , “ Tôi có nên hạ gã kia không?
 
Chương trình đào tạo súng bắn tỉa thường kéo dài trong hai tháng. Học viên sẽ có những bài tập thể lực và bắn tỉa hàng ngày. Thêm vào đó, những “trò chơi” được đưa ra để giúp học viên có những kỹ năng cần thiết trên chiến trường. Những giờ học lý thuyết được dùng để dạy cho họ những nguyên tắc trong việc ước tính khoảng cách, hướng gió, áp suất khí quyển, cách dàn trận và chiến thuật.Sau chương trình đào tạo hai tháng này, học viên chủ yếu được rèn luyện những kỹ năng sau:
 
1.Khả năng thiện xạ.
 
2.Khả năng quan sát.
 
3.Khả năng lẩn tránh.
 
Không nặng nề và khủng khiếp như kỳ luyện tập địa ngục của SEAL nhưng các sniper cũng không kém phần căng thẳng. Thật ra, nếu nghe, theo nhiều người, kỳ luyện tập của Sniper có vẻ khá nhẹ nhàng: ngoài các bài tập thể lực đơn giản của quân đội, bạn chỉ cần cầm súng, luyện bắn và một chút kỹ năng lẩn tránh. Các bài tập thể lực của sniper dù là ở cấp độ nào cũng tương đối nhẹ nhàng (tất nhiên là so với chuẩn của quân đội).
 
Tuy nhiên, sự vất vả và khó khăn của các sniper nằm ở việc họ phải tập trung cao độ trong cả khi làm nhiệm vụ lẫn luyện tập. Họ có những bài tập khắc nghiệt kiểm tra sự tập trung của đầu óc trong nhiều hoàn cảnh khác nhau bởi một lẽ đơn giản: chỉ cần một chút mất tập trung, các xạ thủ súng ngắm sẽ khiến cho địch phát giác và khả năng thành công sẽ giảm đi rất nhiều. Khác với SEAL, tỷ lệ sniper bị loại trong quá trình luyện tập không quá nhiều.
 
Thật ra, trong các bài tập của sniper, kỹ năng mà nhiều người coi là "chính": kỹ năng bắn lại có thời gian luyện tập tương đối thấp. Điều này cũng không có gì quá khó hiểu bởi lẽ có rất rất nhiều người trong quân đội có khả năng bắn cực tốt. Điều làm nên một sniper giỏi là sự tinh tế, tập trung, khả năng ngụy trang, chọn mục tiêu, tính toán thời tiết, tốc độ phản ứng trong mọi tình huống: những điều sẽ được đào tạo nhiều hơn trong hai tháng tại khu luyện tập.
 
Ngoài ra, do tính chất hoạt động độc lập, khả năng định hướng, đọc bản đồ, di chuyển trong các địa hình phức tạp cũng rất được chú ý. Tuy nhiên, chỉ có một số đơn vị đặc thù phải luyện tập sâu những kỹ năng này. Và nếu là một trong số ít này, các bạn sẽ phải dành khoảng 4 ~ 5 tháng cho kỳ luyện tập chứ không còn là hai tháng nữa.
 
Nó không đơn giản như việc cầm một quyển sách lên và đọc nó. Bạn cần phải luyện tập rất nhiều lần, và chỉ cần xao lãng việc tập luyện, bạn sẽ đánh mất những kỹ năng của mình. Đó là những thứ rất dễ tàn lụi.” –trích lời viên huấn luyện trên.
 
Đồng đội
 
Một nhóm bắn tỉa thường có hai người: Một lính bắn tỉa (Sniper) và một quan sát viên (Spotter). Một đội 2 người này sẽ tạo ra nhiều thuận lợi hơn so với một tay súng cô độc. Người quan sát mang theo một ống nhòm đặc biệt với khả năng quan sát mạnh gấp nhiều lần so với ống ngắm trên súng tỉa. Họ sẽ giúp người lính bắn tỉa xác định mục tiêu và thiết lập cú bắn. Có vô vàn những yếu tố cần phải được tính toán chính xác: khoảng cách mục tiêu, hướng gió, sức gió, tốc độ di chuyển của mục tiêu, nhiệt độ, áp khí và cả điều kiện ánh sáng...
 

 
Khi cú bắn đã hoàn thành, người quan sát sẽ theo dõi đường đi của viên đạn để giúp xạ thủ điều chỉnh lại tầm ngắm hoặc vị trí, trong trường hợp không may mắn khi tay xạ thủ bắn trượt. Cách mà tay quan sát theo dõi cú bắn làm người ta phải kinh ngạc. Tốc độ cao, khoảng cách xa của viên đạn bay đi sẽ tạo ra một vệt hơi nước trong không gian, và tay quan sát sẽ dựa vào đó để theo dõi đường đi của viên đạn. “Trông giống như viên đạn đã bóp méo không gian” – trích lời viên cựu quân nhân.
 
Với nhiệm vụ quan sát, hai người có thể thay phiên nhau sử dụng ống nhòm để theo dõi quân địch. Việc này giúp tránh cho mắt phải hoạt động quá tải, và tạo điều kiện cho một người được nghỉ ngơi trong khi người còn lại tiếp tục quan sát. Điều này rất quan trọng, vì trong nhiều trường hợp, việc quan sát dễn ra trong nhiều ngày.
 
Nhưng, phần việc quan trọng nhất của tay quan sát chính là bảo vệ xạ thủ. Để giúp cho việc này, quan sát viên sẽ được trang bị một khẩu súng trường tự động, như M4 hoặc M16. Viên cựu quân nhân giải thích : "Khi bạn ở đó và bị tấn công, khẩu súng tỉa sẽ chẳng giúp bạn tìm được lối thoát."
 
Mối quan hệ giữa tay xạ thủ và người quan sát là rất quan trọng. Đầu tiên và quan trọng nhất, hai người sẽ phải phụ thuộc vào nhau để sống sót. Đội bắn tỉa hoạt động gần như độc lập và tách rời khỏi chiến tuyến, họ nhận được rất ít sự hỗ trợ từ đơn vị, và nếu như không hoàn thành nhiệm vụ, sinh mệnh của cả một binh đoàn có thể bị đe dọa.
 
Trở thành quan sát viên cũng là một phần trong quá trình học việc. Xạ thủ chính là trưởng nhóm. Trên chiến trường, tay xạ thủ là người có tiếng nói quyết định trong việc xác định đường đi, vị trí, điểm tập kết và lối thoát. Người quan sát học hỏi được rất nhiều điều từ tay xạ thủ, và cuối cùng cũng sẽ trở thành xạ thủ và dẫn dắt nhóm của riêng mình.
 
Họ được trang bị những gì?
 
"One shot, one kill" là khẩu hiệu của những tay bắn tỉa. Điều này là hoàn toàn có thể với những gì họ được trang bị trên chiến trường. Một khẩu súng như M-21 hay PSG-1 khi vào tay một người lính bắn tỉa được đào tạo chuyên nghiệp có thể trở thành thứ vũ khí chết người với khoảng cách trên một dặm (khoảng 1.6km).
 

Súng bắn tỉa thường được sử dụng là loại bắn từng viên một (bolt-action rifles). Cho dù chúng rất khó sử dụng, và tốc độ bắn chậm hơn rất nhiều, nhưng những loại súng này thường được ưa chuộng hơn, do chúng thường ít di động hơn so với loại tự động. Cũng có những khẩu bán tự động, ví dụ loại M-21. "Nếu như bạn dùng loại bolt-action, bạn có thể lãng phí khoảnh khắc lúc thay đạn. Nhưng với loại bán tự động, bạn có thể lãng phí cả một loạt đạn" . Cuối cùng thì, lựa chọn loại nào hoàn toàn phụ thuộc vào thói quen cá nhân của mỗi tay xạ thủ.
 
Mỗi quân đội và mỗi binh chủng lại sử dụng những vũ khí khác nhau tùy vào đặc điểm và nhiệm vụ của họ. Giá cả trung bình của một khẩu súng bắn tỉa thường dao động từ $8000 đến $15000.
 
Ống ngắm
 
Ống ngắm được xem là thành phần quan trọng thứ hai sau thân súng. Ống ngắm ở đây cơ bản chỉ là một kính thiên văn chuyên dụng chứa nhiều thành phần khác nhau, được sắp xếp sao cho dấu hồng tâm được đặt lên hình ảnh đã được khuếch đại.
 

 
Khi nhắm vào mục tiêu qua ống nhòm, người lính bắn tỉa sẽ phải tính toán sao cho điểm hồng tâm trùng với điểm đến của viên đạn. Đơn giản là, khi khai hỏa ở cự ly trên 600 mét, nơi mà bạn nhắm đến sẽ không còn là nơi viên đạn đáp xuống. Nhiều yếu tố sẽ ảnh hưởng đến đường đi của viên đạn, trong khi người xạ thủ cần điểm hồng tâm trùng với điểm đến của viên đạn. Vì những lý do đó, ống ngắm đã được thiết kế để tính toán tới tất cả những yếu tố trên.
 
Ống ngắm thường được sử dụng trong quân đội Hoa Kỳ là loại Unertl sniper scopes. Nặng khoảng 1 kg, dài khoảng 25 cm, với khả năng phóng đại hình ảnh lên gấp 10 lần. Tay xạ thủ sẽ sử dụng những điểm mili xung quanh hồng tâm để ước lượng khoảng cách tới mục tiêu. Như trên hình vẽ có thể thấy, 1 điểm mili ứng với 3 yards ( khoảng 0,9 mét).
 
Trong phần tới, chúng ta sẽ cùng tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về các loại súng và các trường hợp sử dụng, kỹ chiến thuật và một ngày của những xạ thủ đích thực.
Xem thêm:

khám phá