Liệu trường học Nhật Bản ngoài đời có giống với trong anime?

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 21/03/2016 0:00 AM

Anime về trường học thường tập trung tới những yếu tố như sự vui vẻ trong lớp, tham gia câu lạc bộ hàng năm, thực hiện công việc dọn dẹp hàng ngày và hơn cả là dành thời gian bên cạnh bạn bè.

Trong nhiều bộ manga hay anime Nhật Bản, bối cảnh chính được diễn ra ở một ngôi trường trung học và luôn gây được ấn tượng với phần đông khán giả ở độ tuổi học sinh bởi dường như các trường học này quá lí tưởng, nhưng thực tế thì sao?

Anime về trường học thường tập trung tới những yếu tố như sự vui vẻ trong lớp, tham gia câu lạc bộ hàng năm, thực hiện công việc dọn dẹp hàng ngày và hơn cả là dành thời gian bên cạnh bạn bè. Thật không may, các trường học Nhật Bản ngoài đời nghiêm khắc hơn hẳn và nhiều học sinh còn chẳng có thời gian đối với những việc khác. Hầu hết thời gian của học sinh được dành cho việc thi đua học tập, và các em có rất ít thời gian để giải trí.

Để hiểu hơn về sự khác biệt giữa trường học Nhật Bản trong anime và thực tế, dưới đây là một vài quy định mà các học sinh phải tuân theo ở hầu hết ngôi trường:

1. Không được đi xe ô tô đến trường

An toàn là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Nhiều học sinh hoặc đi bộ hoặc đi xe đạp nếu khoảng cách đến trường không quá xa. Ở các trường hợp khác, học sinh phải sử dụng phương tiện di chuyển công cộng ví như tàu hỏa và xe buýt. Hơn nữa, quy định trường học thường yêu cầu học sinh phải đứng khi tham gia phương tiện công cộng để nhường chỗ cho những người khách khác nhằm thể hiện thái độ biết cân nhắc.

2. Cấm một số hoạt động ở nơi công cộng

Đọc sách trong khi tản bộ, nhai kẹo cao su hay bất cứ hành động “bất lịch sự” nào đều không được cho phép bởi điều này có thể mang lại tiếng xấu cho ngôi trường mà các em đang theo học. Tuy nhiên, những hành vi này cũng được xem nhẹ hơn nếu học sinh đang ở nơi xa khu vực trường học.

3. Buộc phải mặc đồng phục

Có một vài kiểu khác nhau, nhưng kiểu phổ biến nhất vẫn là thủy thủ và blazer.

Kiểu blazer: Áo sơ mi dài tay cho cả nam và nữ, bên ngoài mặc áo khoác blazer, cổ đeo cà vạt. Đôi khi, học sinh nữ được yêu cầu chỉ được phép đeo nơ trên cổ.

Kiểu thủy thủ: Học sinh nữ sẽ mặc áo với thiết kế phần cổ kiểu thủy thủ và nơ ở trước ngực. Học sinh nam sẽ mặc áo khoác cổ cao với khuy màu vàng, kiểu áo này còn được gọi là “gakuran”.

Hầu hết các em học sinh đều có thể bỏ áo khoác vào mùa hè và chỉ mặc áo sơ mi ngắn tay, nam sinh thường mặc thêm t-shirt ở dưới áo sơ mi.

4. Đi giầy trong nhà

Lúc tới trường, các em học sinh thường có tủ hoặc gia để giầy riêng, nơi để cất đôi giầy đi ngoài trời của mình và thay đôi “uwabaki” (dép hay giầy đi trong nhà) trước khi vào lớp. Mục đích chính của việc sử dụng giầy đi trong nhà là để giữ vệ sinh và bảo trì sàn nhà ở mức tối thiểu, bởi vì không hề có lao công trong trường.

5. Không có đồ ăn vặt và mỳ ăn liền “ramen” ở trường

Các loại đồ ngọt ăn vật và thực phẩm chế biến sẵn bị cấm ở hầu hết trường học Nhật Bản bởi chúng cung cấp ít chất dinh dưỡng cần thiết. Cho phép sử dụng những đồ ăn này có thể góp phần phát triển nhiều vấn đề về sức khỏe, như sâu răng, béo phì, bệnh tim và huyết áp cao. Học sinh thường ăn trưa do trường chuẩn bị hoặc cơm hộp “bento” do mẹ nấu để mang đi từ sáng với thành phần chính gồm cơm, trứng, cá, hoa quả và rau xanh.

Theo Jpninfo