Kiểm soát lượng thức ăn tiêu thụ, một biện pháp mới tránh béo phì

PV  | 27/06/2012 05:00 PM

Thị giác cũng có vai trò trong việc giúp con người nhận ra mức độ tiêu thụ năng lượng vừa phải và đồng thời là dấu hiệu cho việc ngừng ăn.

Ai cũng được cảnh báo rằng cần kiểm soát lượng thức ăn mà cơ thể hấp thụ mỗi ngày để đảm bảo đủ lượng calo. Dù chỉ là thêm một vài chiếc bánh quy, đối với nhiều người cũng gây ra dư thừa lượng chất dinh dưỡng trong cơ thể. Và  mới đây các nhà khoa học đã tìm ra một phương pháp mới, đó là dấu hiệu dừng ăn – giúp người tiêu dùng biết dừng ăn đúng lúc. 

Phương pháp này chính là sản phẩm của nhóm các nhà khoa học thuộc đại học Cornell. Họ tin rằng, nếu thêm vào những dấu hiệu cảnh báo thì sẽ tác động tới nhận thức của con người là họ đã nạp một lượng lớn thức ăn vào cơ thể rồi và việc đó đồng nghĩa là nên dừng ăn lại. Các nhà khoa học đã thực hiện thí nghiệm với các ống khoai tây chiên của hãng Lays. Trong các ống này, cứ 7 miếng  khoai thường lại có thêm một lát màu đỏ. Nhóm thứ hai lại gồm các ống cứ 14 miếng khoai thường thì có một lát màu đỏ. Và nhóm thứ ba thì vẫn gồm các ống bình thường, không có lát khoai màu đỏ nào trong các ống này. Ba loại này được chia cho 98 học sinh để họ ăn trong khi xem video.  

Các học sinh không hiểu lý do tại sao các lát khoai lại có màu đỏ. Tuy nhiên, màu đỏ cũng có những ảnh hưởng nhất định tới các học sinh này. Những học sinh ăn ở các ống có chứa lát khoai màu đỏ tiêu thụ ít hơn 50% lượng khoai so với các sinh viên không gặp lát khoai màu đỏ. Những học sinh ăn khoai ở các ống thường ăn hết trung bình 45 lát khoai nhưng họ nghĩ rằng mình mới chỉ ăn có 13 lát. Ngược  lại, với những người gặp lát khoai đỏ, họ lại kiểm soát được tốt hơn lượng khoai mình đã ăn và chỉ tiêu thụ hết một nửa so với nhóm không có lát khoai màu đỏ. Kết quả cũng đạt được tương tự khi các nhà khoa học cứ 5 hay 10 miềng lại cho thêm một lát khoai đỏ.  

Lý giải nguyên nhân vì sao các học sinh ăn ít khoai hơn, sẽ có nhiều người giải thích rằng, đó là do khi các học sinh này nhìn thấy miếng khoai màu đỏ thứ 2 hay thứ 3, họ sẽ nghĩ rằng hộp khoai này có vấn đề rồi. Tốt nhất là nên dừng ăn lại. Tuy nhiên, theo lời giải thích của giám đốc phòng thí nghiệm Cornell - Brian Wansink thì cũng có thể nguyên nhân là do họ đã chú ý nhiều hơn tới lượng thức ăn mà họ tiêu thụ. Thông thường mọi người sẽ không chú ý là họ đã ăn bao nhiêu nếu như họ cảm thấy ngon miệng. Chỉ khi nào cái đĩa đã hết sạch hoặc chỉ còn lại đáy bát không thì người đó mới nhận ra là mình nên dừng lại. Chính những nhận biết qua thị giác đã tác động đến nhận thức của mọi người là họ nên dừng lại. Và vì vậy, những lát khoai đỏ cũng là những dấu hiệu, giống như đáy bát không để cảnh báo người tiêu dùng lượng thức ăn mà họ đã tiêu thụ, làm gián đoạn thói quen ăn liền tù tì cho đến hết của họ. 

Tuy nhiên, lượng khoai mà chúng ta ăn thường khá lớn, chỉ  một vài dấu hiệu đơn giản có đủ để tạo ra sự khác biệt? Hơn nữa, lượng khoai mà chúng ta muốn ăn thường nhiều hơn so với lượng khoai có trong một hộp. Chính vì vậy, chúng ta vẫn thường ăn nhiều hơn so với lượng khoai cho phép. Hơn thế nữa, nhiều người cũng không nhất trí với việc cho thêm các lát khoai đỏ vào những hộp khoai tây này. Bởi lẽ, chính những lát khoai đỏ sẽ khiến họ giảm đi sự thích thú khi thưởng thức món ăn nhẹ yêu thích của mình. Thử tưởng tượng nếu như bạn đang ăn rất ngon lành và đột nhiên cầm lên một lát khoai màu đỏ cảnh báo việc bạn nên dừng lại. Chuyện này quả là mất hết tinh thần ăn uống. Ăn thức ăn nhẹ là vì vui thích, vậy mà lại khiến khó chịu như vậy thì quả là không vui chút nào.
 
Và vì vậy, các nhà khoa học đã đưa ra một giải pháp là nên sản xuất cả hai loại snack, có các lát khoai màu đỏ và không có các lát màu đỏ. Như vậy, người tiêu dùng có thể tự chọn lựa nên lấy loại nào. Đồng thời các nhà khoa học cũng kiến nghị nên đặt tên các hương vị như “tội lỗi” và “xấu hổ” để người tiêu dùng mỗi khi ăn nên biết dừng lại ở một mức vừa phải. Thế nhưng, dĩ nhiên, không có nhà sản xuất nào lại sẵn sàng làm như vậy để cắt giảm lãi suất của công ty. 

Dù sao đi nữa, qua kết quả này của các nhà khoa học, những người tiêu dùng thật sự quan tâm tới thực phẩm và sức khỏe của mình sẽ chú ý nhiều hơn tới những dấu hiêu ngừng ăn đẻ bảo đảm vừa đủ lượng chất dinh dưỡng trong cơ thể.
 
 Tham khảo: jezebel