Đã có thể tìm được ánh sáng cho người khiếm thị

PV  | 23/05/2012 0:00 AM

Với những nỗ lực của các nhà khoa học tại đại học Standford, những bệnh nhân khiếm thị có hy vọng sẽ nhìn thấy ánh sáng.

Thoái hóa điểm vàng do tuổi và viêm võng mạc chính là hai nguyên nhân chính dẫn đến bệnh mù lòa ở rất nhiều người trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, phát minh của các nhà khoa học ở đại học Standford, California, Mỹ có thể giúp những người thiếu may mắn này nhìn thấy ánh sáng. Các nhà khoa học đang cố gắng chế tạo một cặp mắt điện tử gồm có cặp kính lắp camera và bộ vi xử lý, một con chip được cấy vào dưới võng mạc. Cặp kính lắp camera có vai trò như một tấm bảng năng lượng mặt trời thu nhỏ dùng để chuyển các tín hiệu ánh sáng thành xung thần kinh.
 
 
Theo tiến sĩ Daniel Palanker,”Cặp kính lắp camera này giống như mái nhà thu năng lượng mặt trời vậy, nó sẽ chuyển ánh sáng thành các dòng điện. Nhưng thay vì sinh ra dòng điện để chuyển tới các thiết bị điện, nó sẽ sinh các xung thần kinh chuyển tới bộ não.” Bên cạnh đó, con chip được cấy vào võng mạc có thiết diện tương đương đầu bút chì nhưng mỏng hơn sợi tóc của chúng ta. Con chip này có chứa hàng trăm hạt photodiode – một loại chất bán dẫn để phát hiện ánh sáng".
 
 
Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Danile Palanker đã thử thí nghiệm với võng mạc của loài chuột, bao gồm võng mạc của cả loài chuột nhìn thấy được và loài chuột bị mù do viêm võng mạc như nhiều bệnh nhân bị mù hịện nay. Hiện tượng bị mù như nhiều bệnh nhân hiện nay là do các nơ-ron võng mạc vẫn tồn tại nhưng không hoạt động. Khi các nhà khoa học thử phản xạ của con chip, nó không phản xạ với các nguồn ánh sáng thông thường, tuy nhiên nó có thể phản xạ với tia hồng ngoại. Do vậy, nếu chủ thể sử dụng con chip này, dù không thể nhìn rõ nhưng vẫn có thể cảm nhận được nguồn ánh sáng xung quanh.
 
 
Các nhà khoa học đã làm thí nghiệm đối với loài chuột, và giờ họ hy vọng có thể làm thí nghiệm thành công trên cơ thể con người.  Theo họ, võng mạc của các bệnh nhân khi được cấy chip vào sẽ giúp họ đi lại độc lập được mà không cần sự trợ giúp của người khác. Con chip này sẽ giúp tăng cường khả năng quan sát của người bệnh. Ngoài ra,nhóm nghiên cứu ở trường đại học Standford đang cố gắng nâng cấp các thiết bị hiện đại hơn nữa để phục vụ cho cuộc sống của con người. Chúng ta có quyền hy vọng nhiều hơn nữa vào những kết quả khả quan từ trường đại học Standford – nguồn hỗ trợ thị lực cho những người mù.
 
Tham khảo: gizmag