4 điều cần nhớ để làm ra phim "tiếp theo" hay "làm lại" tuyệt hay

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 31/03/2016 0:00 AM

Hiện nay, các rạp chiếu phim đang tràn ngập những bộ phim chuyển thể, tiếp nối, tiền truyện, tái dựng..., của những tác phẩm đã thành công trước đó.

Hiện nay, các rạp chiếu phim đang tràn ngập những bộ phim chuyển thể, tiếp nối, tiền truyện, tái dựng..., của những tác phẩm đã thành công trước đó. Chẳng có gì vui bằng lại được gặp gỡ những nhân vật quen thuộc ấy, nhưng tất cả những tác phẩm đi sau như vậy có thể khiến người xem khá mệt mỏi. Và cũng phải thừa nhận đi: những bộ phim ăn theo như thế này dù thuộc thể loại nào kể trên thì cũng hiếm khi hay được như phim gốc mà có khi còn làm hỏng một chút.

Nhưng vẫn có những ngoại lệ, phần sau hoàn toàn đạt yêu cầu hay có khi còn hấp dẫn hơn cả phần trước làm cho người ta hứng thú vô cùng. Và dưới đây là 4 điều cần nhớ khi sản xuất phim hậu truyện hoặc làm lại đáng để tham khảo:

1. Thay vì làm lại phim hay sẵn lại rồi, hãy chọn một bộ phim dở ẹc

Điều này hiển nhiên luôn khiến người xem thắc mắc: nếu như một bộ phim đã thành công mỹ mãn và vẫn còn được hàng triệu người ghi nhớ, thì sao bạn còn dám nói mình có thể làm được tốt hơn. Đứng đầu trong danh sách vi phạm điều này bao gồm những bản làm lại của phim Psycho, 101 Dalmatians, Planet of the Apes, và Oldboy. Thông thường, gần như phim nào cũng sẽ vẫn kể lại câu chuyện y hệt nhưng theo một cách khác mà các nhà làm phim mới tự cho rằng hiện đại và thương mại hơn. Ở trường hợp khác, các nhà làm phim vì muốn bộ phim khác biệt sẽ đem các chi tiết ra xào nấu với đủ loại gia vị kỳ dị mà không làm cho phim hay ho hấp dẫn hơn một phân lượng nào.

Đa phần những bộ phim làm lại được yêu thích nhất thực ra đều là những bộ phim không thật sự hay hoặc đã quá lâu không ai nhớ nổi. Phiên bản The Thing của đạo diễn Howard Hawk mặc dù cũng có ưu điểm của riêng mình nhưng nó đã lù mờ đi trước sự sắc bén của bản đạo diễn John Carpenter. Hay như bản The Fly gốc trước đó được nhớ đến như một phim hài xuất sắc cho đến năm1986, đạo diễn David Cronenberg đã bất ngờ tạo ra một phiên bản bi kịch thê thảm gây chấn động người xem. Khi người ta có không kỳ vọng nhiều vào bản làm lại, thì đạo diễn sẽ có nhiều đất sáng tạo hơn để mổ xẻ câu chuyện, biết rõ hơn bản gốc tốt chỗ nào, lỗi ra sao. Sau đó, những điểm sáng nhất ấy sẽ được giữ lại và phát triển mạnh hơn. Một bộ phim làm lại thành công sẽ khác biệt hoàn toàn khi đặt lên bàn cân với bản gốc và gây shock cho khán giả.

2. Không ngại đẩy nhân vật ra khỏi vùng an toàn, phải để cho nhân vật được phát triển

Còn gì nhàm chán hơn một phần phim tiếp theo ra lò mà các nhân vật vẫn vòng quanh giải quyết vấn đề y hệt phần trước. Chẳng hạn như Sherlock Holmes: A Game of Shadows và Batman Returns đã mắc phải lỗi nghiêm trọng này. Các nhân vật dường như dậm chân tại chỗ gây nhàm chán, lặp lại và xúc phạm tri thức của người xem. Star Wars: The Empire Strikes Back đã rất tinh ý né tránh cái bẫy sập này, bằng việc đặt Han Solo vào tình cảnh hi sinh thân mình để cứu Luke. Điều này hoàn toàn khác xa một trời một vực so với hành vi ích kỷ của anh ta trong suốt tập A New Hope. Và rồi tăng tiến theo diễn biến phim, Han Solo càng lúc càng thêm tin tưởng ở người khác và mở rộng lòng mình, kể cả khi điều đó điều đó khiến anh tổn thương vì bị Lando phản bội ở Cloud City.

Một ví dụ tuyệt vời cho luận điểm này chính là Aliens. Bộ phim bắt đầu với việc nữ chính Ellen Ripley thay đổi chóng mặt sau những trải nghiệm kinh hoàng ở phần một, mắc chứng rối loạn do sang chấn tâm lý, trầm cảm và âu lo đang dần dần làm cô mất đi bản ngã. Chỉ đến khi cô quyết định vượt qua nỗi sợ hãi và trở lại hành tinh lạ, cô mới có thể trở lại chính mình. Một phần tiếp nối hay phải để cho nhân vật phát tiển và bộc lộ những khía cạnh mới để khán giả nhìn nhận những nhân vật ây khác đi.

3. Khi chuyển thể một quyển sách, hãy sáng tạo chứ đừng sao y bản chính

Những tác phẩm chuyển thể trung thành với nguyên tác nhất tất nhiên vẫn có thể thành công. Gạt những phản đối của người hâm mộ nguyên tác sang một bên, chuỗi phim Harry PotterLord of the Rings đã giống với bản gốc lắm rồi. Mặc dù vậy thành công của phim không nằm ở sự trung thành của nguyên tác, mà ở việc phim có thể bám sát tinh thần của quyển sách đến đâu. Vì nói cho cùng, không thiếu những phim trung thành nguyên tác vô cùng mà tuyệt đối ngớ ngẩn và ngờ nghệch. Quá tập trung vào chi tiết sẽ khiến toàn bộ câu chuyện bị đè bẹp dưới mớ hỗn độn vụn vặt, và hơn nữa sách hay chưa chắc đã làm nên được phim hay.

Lấy Blade Runner làm ví dụ, được chuyển thể từ “Do Androids Dream of Electric Sheep?” Có thể có cốt truyện giống nhau, nhưng từ cốt truyện ấy Blade Runner đã tập trung hơn vào sự thấu cảm và tiền đồ của nhân loại còn cuốn sách thì tập trung vào việc thế giới tự nhiên bị phá hủy hơn. Không thể so sánh xem hướng nào thì hay hơn, nhưng truyện và phim thì triển khai những vấn đề khác biệt nhau theo những chiều hướng thú vị của riêng mình. Hay nhìn vào tác phẩm trinh thám kinh điển The Long Goodbye, dù đọc truyện hay xem phim, đây vẫn là câu chuyện về sự phản bội. Nhưng trong khi các thám thử trong truyện đều luôn gần như đi trước một bước trước mọi mưu đồ của kẻ xấu, bộ phim năm 1973 cho anh thám tử Phillip Marlowe ngây thơ và quê mùa luôn luôn đến chậm một bước. Suy cho cùng câu chuyện về sự phản bội sẽ gây sửng sốt và choáng váng hơn nhiều khi nam chính chẳng biết gì về chuyện sẽ xảy đến với mình.

4. Đừng chỉ làm theo khả năng của mình, mà hãy thử thách bản thân để vượt lên một nấc thang mới

Khi đi xem phần hai của một phim hay, ai chẳng muốn được thưởng thức “một tầng cao mới” thay vì nội dung tương tự. Nhưng nhiều phim quá sa đà, họ đã làm một bộ phim y hệt và chỉ được ngụy trang với một cái vỏ mới bóng bẩy mà thôi. Ghostbusters II, Jurassic Park III và The Hangover II xem thì vui, nhưng những bộ phim nhân bản vô tính thế này chỉ khiến người xem thấy trống rỗng so với những cảm hứng phim gốc đã đem lại. Các phần phim mới cần táo bạo hơn và biến đổi với kỳ vọng của người xem.

Lại nói về phim Aliens, không tiếp tục đi theo con đường của bộ phim kinh dị gây shock và sợ hãi như phần đầu, thay vào đó phim chuyển hướng sang phim hành động gay cấn, trong khi vẫn giữ được không khí ác liệt được yêu thích trước đó. Người xem không biết được sắp tới chuyện gì sẽ xảy ra và rồi sẽ lại có một loạt những ngạc nhiên thú vị chờ đón. Một đại diện nữa là bộ ba Toy Story, mỗi phim đều có một tông màu khác biệt, đưa các nhân vật đồ chơi tới những địa điểm mới không chỉ có hành động nguy hiểm mà còn đan xen yếu tố cảm xúc phức tạp.

Được nhiều người ca tụng là “phần phim tiếp nối hay nhất mọi thời đại” - The Godfather II không chỉ phát triển câu chuyện theo phương thức mới mà còn mang đến một cách nhìn hoàn toàn khác về những sự kiện đã xảy ra ở phần một. Những bộ phim vốn dĩ đã là phần tiếp theo không thể chỉ phụ thuộc vào những vinh quanh còn sót lại từ phần trước, mà phải có khả năng tự mình đứng vững nếu muốn vượt qua sự thử thách của thời gian.

Theo Geek