Khá 'Bảnh' kiếm hơn 400 triệu từ YouTube, số tiền này được 'hack' ra như thế nào?

Tâm Sự Game Thủ  - Theo Helino | 04/04/2019 11:59 PM

Rất nhiều trường hợp, một chủ kênh YouTube có thể kiếm tới hàng triệu USD mỗi tháng qua quảng cáo hiển thị trên video. Tuy nhiên cách làm của Khá Bảnh lại vô cùng phản cảm, giang hồ nên cuối cùng đã bị trừng trị đích đáng.

Nhờ tính năng kiếm tiền qua lượt xem, Youtube thu hút lượng lớn đội ngũ sáng tạo chuyên sản xuất clip với nội dung đa dạng. Tuy nhiên bên cạnh nhiều nội dung tốt, nền tảng của Google vẫn không thể kiểm soát hết những thứ mà người dùng đưa lên.

Gần đây nhất, khi Khá "Bảnh" bị bắt và tiết lộ số tiền y kiếm hàng tháng có thể lên đến 10.000 - 20.000 USD (tương đương hơn 400 triệu đồng) khiến nhiều người cảm thấy choáng ngợp. Từ 1 tay giang hồ, YouTuber tay ngang mà Khá "Bảnh" vẫn có thể kiếm gần 5 tỷ đồng/năm.

Song nếu tìm hiểu về cách thức mà các YouTuber kiếm tiền, có lẽ bạn sẽ còn thấy khủng khiếp hơn nhiều. Rất nhiều trường hợp, một chủ kênh YouTube có thể kiếm tới hàng triệu USD mỗi tháng qua quảng cáo hiển thị trên video.

Khá Bảnh kiếm hơn 400 triệu từ YouTube, số tiền này được hack ra như thế nào? - Ảnh 1.

Khá Bảnh kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng từ YouTube.

Đối với người dùng Internet, việc tạo một kênh YouTube không quá khó, chỉ cần một tài khoản Google. Sau khi có kênh và tải video lên, người dùng có thể thu được tiền thông qua lượt xem. Lượt xem càng nhiều, số tiền kiếm được càng lớn.

Theo điều khoản cộng đồng của YouTube, một kênh đủ điều kiện bật tính năng kiếm tiền phải có ít nhất 4.000 giờ xem trong 12 tháng gần nhất cho toàn bộ video và 1.000 người đăng ký (subscribe). Bên cạnh đó, kênh cũng phải đạt 10.000 lượt xem (view) và đây là lượt xem thật, không phải lượt xem ảo. Việc phát hiện view thật hay ảo thực hiện thông qua công cụ chuyên dụng của YouTube.

Bên cạnh trong nước, các nhà sáng tạo có thể xây dựng clip hướng ra nước ngoài, do số tiền quảng cáo được trả cao hơn. "Với 1.000 lượt xem, nếu ở Mỹ hoặc châu Âu trả 2 - 3 USD, tại Việt Nam chỉ được 0,3 - 0,5 USD", một người đang làm nội dung YouTube tại TP HCM tiết lộ.

Khá Bảnh kiếm hơn 400 triệu từ YouTube, số tiền này được hack ra như thế nào? - Ảnh 2.

Lượt xem là yếu tố quan trọng để đánh giá sự hấp dẫn của một video YouTube.

Theo Quora, có hai hình thức làm nội dung trên YouTube: "xào nấu" lại các clip cũ, hoặc tự sáng tạo cái mới. Trong số này, sự sáng tạo được lựa chọn nhiều hơn bởi doanh thu mà nó mang lại cao hơn, cũng như không sợ vướng phải vấn đề về bản quyền.

Để có doanh thu, người dùng phải trở thành đối tác của kênh, gọi là YouTube Partner - chương trình hợp tác giữa YouTube với các "nhà xuất bản" để hiển thị quảng cáo trên video của họ. Có hai cách để trở thành YouTube Partner, một là đăng ký trực tiếp với YouTube hoặc đăng ký thông qua một đối tác trung gian, hay còn gọi là YouTube network.

Thông thường chủ kênh có thể kiếm tiền trực tiếp qua YouTube bằng cách liên kết tài khoản với Google Adsense - một dịch vụ phân phối quảng cáo của Google. Khi kết nối với dịch vụ này, video của bạn sẽ hiển thị quảng cáo của những đối tác Google, tiền kiếm được sẽ thông qua người dùng xem hoặc click vào chúng. Chủ kênh có thể nhận tiền thông qua Western Union hoặc chuyển khoản ngân hàng trong nước, nhưng tối thiểu phải đạt 100 USD.

Khá Bảnh kiếm hơn 400 triệu từ YouTube, số tiền này được hack ra như thế nào? - Ảnh 3.

Quảng cáo xuất hiện trên các video bật kiếm tiền.

Cách phổ biến hơn để kiếm tiền qua YouTube là gia nhập YouTube network, chủ yếu là mạng đa kênh (Multi Channel Network - MCN). Khi tham gia, chủ kênh sẽ được hưởng một số lợi ích nhất định như quảng bá kênh, kết nối tới một số nhà quảng cáo, giải quyết các tranh chấp...

Đặc biệt, kênh sẽ được bật content ID - tính năng giúp YouTube tìm video vi phạm bản quyền. Nó cho phép người nắm giữ bản quyền có thể yêu cầu xóa bỏ clip vi phạm hoặc để chúng tồn tại nhưng lấy toàn bộ doanh thu quảng cáo.

Đổi lại, khi hợp tác, chủ kênh không được hưởng 100% tiền quảng cáo như với hình thức đầu tiên. Thay vào đó, MCN sẽ hưởng một số phần trăm nhất định từ doanh thu mà kênh tạo ra, thường là 35-50%. Việc kiếm tiền vẫn chủ yếu qua Google Adsense, giao dịch không giới hạn 100 USD, thanh toán qua Paypal.

Kiếm tiền trên YouTube cũng có thể thực hiện qua hình thức Tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing), tức có thể chèn liên kết đến sản phẩm, dịch vụ của một công ty nào đó lên video hoặc phần mô tả. Khi người xem nhấp chuột vào liên kết, chủ kênh sẽ kiếm được tiền hoa hồng. Điều đặc biệt là nó không phụ thuộc vào lượt xem, mà là lượng người click mua hàng.

Khá Bảnh kiếm hơn 400 triệu từ YouTube, số tiền này được hack ra như thế nào? - Ảnh 4.

Khi bất chấp để kiếm view, đăng các trò phá hoại thì kết cục khóa kênh là khó tránh khỏi.

Đối với các kênh nổi tiếng, ngoài doanh thu từ lượt xem, họ có thể kiếm thêm bên ngoài thông qua hợp đồng quảng cáo, đánh giá sản phẩm với doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân nào đó.

Nhờ tính năng kiếm tiền, YouTube trở thành nền tảng làm giàu cho không ít người. Theo Forbes, 10 người "hốt bạc" nhiều nhất trên nền tảng Google năm ngoái đều đạt hơn 10 triệu USD, như Ryan ToysReview (22 triệu USD), Jake Paul (21,5 triệu USD), PewDiePie (15,5 triệu USD)...

Tuy nhiên, việc kiếm tiền trên mạng video của Google không hề dễ dàng. Trong điều khoản của mình, YouTube có thể xóa video hay thậm chí xóa kênh nếu phát hiện nội dung đăng tải vi phạm bản quyền, khiêu dâm, bạo lực, vi phạm thuần phong mỹ tục... như trường hợp Khá "Bảnh". Trước khi bị xóa, kênh của người này có gần 2 triệu đăng ký, mỗi tháng mang lại doanh thu hơn 400 triệu đồng.