Nếu các bạn từng xem hết bộ phim Tây Du Ký rồi, thì chắc hẳn các bạn sẽ nhớ tới cây Nhân Sâm trong tập 9: Thâu Ngật Nhân Sâm Quả. Tuy nhiên, ở Nhật Bản cũng có 1 loài yêu quái được mô tả phần nào hơi giống với cây Nhân Sâm thần tiên ấy.
Nhân Sâm Quả
Núi rừng rậm rạp Nhật Bản vốn là quê hương của nhiều loài yokai (yêu quái) cùng các sinh vật huyền bí, bao gồm những loài từ phổ biến đến cực kỳ hiếm. Một trong số đó là loài yêu quái ẩn cư có tên là Jinmenju - Nhân Diện Thụ (Cây mặt người), thường sống trong những thung lũng hẻo lánh.
Theo mô tả, Jinmenju là 1 loài cây cao từ 2 đến 10 mét, có bề ngoài gần giống cây sa kê, cành nhánh của nó thì trĩu xuống bởi thứ giống như trái cây to quá khổ. Nhưng khi nhìn gần, bạn sẽ thấy rõ trên mỗi quả có 1 mặt người, đầy đủ mắt, tai, miệng và mũi. Thông thường, chúng sẽ hoàn toàn phớt lờ việc giao tiếp mà chỉ cười khúc khích hoặc khùng khục khi con người đi qua mà thôi.
Jinmenju cao từ 2 đến 10 mét
Theo 1 số dị bản thì mấy cái quả này còn biết nói, nhưng có hay không cũng không quan trọng gì cho lắm. Bởi, chỉ nội việc trước mặt bạn có nguyên 1 cái cây chứa toàn mấy cái đầu người cười sặc sụa thì cũng đã quá là kinh dị rồi. Mặc dù mọi người sẽ có nhiều quan điểm khác nhau như ghê rợn, tàn ác, dễ thương, có khi là thiểu năng thì "tởm lợm" vẫn là từ chính xác nhất, phải không nào?
Tuy nhiên, về mặt cơ bản thì... chúng chẳng làm hại ai cả. Đơn giản thì chúng chỉ ở 1 chỗ như thế, cười vào mặt người khác và khiến họ hồn vía lên mây. Ấy vậy, nếu chúng mà cười quá trớn thì lại có thể bị rơi ra khỏi cành ngay lập tức. Vậy nên, những nạn nhân có khả năng tấu hài cực mạnh có thể thử chọc cười chúng nếu muốn và trở thành người chiến thắng yêu ma theo nghĩa đen.
Tấu hài là cách chiến thắng đơn giản và hiệu quả
Theo các học giả, Jinmenju có cội rễ bắt nguồn từ nước ngoài, cụ thể là trong truyện dân gian Trung Quốc (mà bản thân chúng lại có nguồn gốc từ truyền thuyết Ấn Độ và Ba Tư. Chúng chính thức lần đầu được phân loại vào năm 1712, trong cuốn bách khoa thư Wakan Sansai Zue, là sự kết hợp giữa truyền thuyết và kiến thức thực tế của 1 thầy thuốc Osaka biên soạn trong suốt 30 năm.
Jinmenju được ghi lại trong sách
Ông miêu tả nó bắt nguồn "trong thung lũng trên 1 hòn đảo cách khoảng 1000 ri (khoảng 4000 km) về phía Tây Nam", tương ứng với đâu đó trên Ấn Độ Dương. Người ta tin rằng đây có thể là 1 lời đề cập gián tiếp đến hòn đảo huyền thoại Waq-Waq, được nhắc đến trong Nghìn Lẻ Một Đêm của Ba Tư, rằng đó là quê hương của cây Waq-Waq, 1 loại cây kết quả hình người.
Cây Waq-Waq
Một số người tin là Waq-Waq chỉ quần đảo Seychelle ngoài khơi Madagascar, những người khác cho rằng nó chỉ là 1 hòn đảo bị quên lãng thuộc vùng biển Indonesia hoặc Trung Quốc (trong khi 1 số giả thuyết lại liên hệ nó với bán đảo Triều Tiên hay thậm chí với chính Nhật Bản. Một nguồn tin tiềm năng khác về Jinmenju nằm trong danh tác Trung Quốc thế kỷ 16 Tây Du Ký.
Trong tác phẩm đó có đề cập tới cây Nhân Sâm, tương truyền: "Mất ba ngàn năm mới kết ba mươi quả hình trẻ sơ sinh, lại phải ba ngàn năm nữa quả mới lớn, rồi thêm mười ngàn năm mới có thể ăn được. Chỉ cần ăn 1 quả thì có thể kéo dài tuổi thọ đến bốn mươi bảy ngàn năm".
Hình dạng của Nhân Sâm Quả
Theo đó, quả Nhân Sâm có thể ăn thì quả của Nhân Diện Thụ cũng vậy. Tương truyền nó có vị chua và ngọt như cam chanh, nhưng dĩ nhiên là không ai kiểm chứng được và cũng chẳng biết ai có đủ can đảm để cắn 1 cái đầu người nhằm lấy được thông tin ấy.
Quả của Jinmenju dù kinh dị nhưng vẫn có thể ăn được
Tóm lại, dù không biết nguồn gốc của chúng bắt nguồn từ đâu, nhưng rõ ràng thì Jinmenju xứng đáng trở thành 1 trong những loài yêu quái... có tính quốc tế cao nhất. Chính loài yêu quái này đã trở thành cảm hứng để Táo Hoảng Hốt - 1 loài cây trong manga Toriko đình đám 1 thời được sáng tạo nên.
Táo Hoảng Hốt
Trên đây là tất cả thông tin về Jinmenju - loài yêu quái "hiền lành" của rừng rậm Nhật Bản. Hãy đón chờ những loài yêu quái Nhật Bản khác sẽ được xuất hiện trong những bài viết kỳ tới nhé.