Tưởng rằng như Youtube là một tượng đài hoàn hảo trong lòng mỗi cư dân mạng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Thế nhưng, vì những yếu điểm không đáng có, dường như Youtube còn chưa đủ “xứng đáng” với danh hiệu cao quý này?
Mang lại nhiều tiện ích cho người dùng Internet với một kho phim ảnh video đồ sộ cùng với những thông tin nóng sốt về đời sống âm nhạc, điện ảnh 24/24; tưởng rằng như Youtube là một tượng đài hoàn hảo trong lòng mỗi cư dân mạng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Thế nhưng, vì những yếu điểm không đáng có, dường như Youtube còn chưa đủ “xứng đáng” với danh hiệu cao quý này?
“Bệ phóng” của những tài năng online
Với kho video đồ sộ, Youtube đã thỏa mãn nhu cầu giải trí cũng như thông tin của đông đảo cư dân mạng toàn cầu. Không dừng lại ở đây, Youtube còn cho phép người dùng tạo, chỉnh sửa và upload các video lên trang cá nhân. Và đây chính là con đường ngắn nhất để những cư dân mạng tài năng bỗng chốc “vụt sáng” trở thành người nổi tiếng, người của công chúng, được báo chí và dư luận quan tâm, săn đón chỉ sau một đêm, chỉ với một điều kiện duy nhất là sự độc đáo, sáng tạo hay thể hiện được những tài năng đặc biệt trong clip của họ.
Cư dân mạng Việt Nam chắc vẫn chưa thể quên được cô bạn Thái Trinh - nữ sinh lớp 11 nhờ cover lại ca khúc “The show” mà đã trở thành một hiện tượng lạ “làm mưa làm gió” trên Youtube. Gần đây, clip giả giọng 13 ca sĩ khi hát bài “Cát bụi” (Trịnh Công Sơn) của chàng trai Mai Quốc Việt; Edward Nguyễn với clip tự quay cover bài hát “I’m yours & Price Tag”; Don Nguyễn với clip hát nhép ca khúc “Teen vọng cổ” …..cũng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Ban đầu, có lẽ Thái Trinh, Edward hay Don Nguyễn cũng chỉ tung clip lên Youtube với mục đích giải trí, mang tới niềm vui và tiếng cười cho mọi người.
Thế nhưng, những gì Youtube mang tới đã vượt ra khỏi những mong đợi lớn nhất của họ. Don Nguyễn giờ đã là một cái tên đã quá quen thuộc với giới trẻ Việt, Thái Trinh nhờ thành công từ bản cover “The Show” đã cho ra mắt hàng loạt những bản cover đặc sắc khác và mới đây đã bén duyên với cú đúp giải thưởng tại “Bài hát Việt 2011”. Rõ ràng, chẳng cần nhờ tới một hãng ghi âm hay công ty quản lí âm nhạc nào, họ đã có thể (được) lăng-xê bản thân và tên tuổi của mình. Thế nên chỉ cần một chiếc máy tính nối mạng, một chút tài năng, tâm huyết và lòng nhiệt tình, nhờ Youtube, rất có thể một ngày kia tên tuổi của bạn sẽ phủ sóng tới đông đảo mọi người.
Nhịp cầu kết nối cộng đồng
Không chỉ đơn thuần là một trang chia sẻ video thông thường, Youtube còn là một mạng xã hội thân thiện. Youtube có đóng góp to lớn trong việc kết nối cộng đồng, đưa thế giới mạng trở nên “phẳng” hơn, khiến cho cư dân mạng giữa các vùng miền trên cả nước, giữa Việt Nam với thế giới ngày càng gần gũi.
Một điểm dễ nhận thấy ở các clip, video từng làm cư dân mạng phải “phát cuồng”, đó là sự tinh tế, độc đáo cả về nội dung và chất lượng của clip kết hợp với sự quan tâm, thị hiếu của cộng đồng. Cư dân mạng Việt Nam chắc hẳn vẫn chưa quên clip cầu hôn lãng mạn bằng Flash mob của hai bạn trẻ Nam và Trang đã từng “làm mưa làm gió” trong suốt thời gian qua trên Youtube. Nhờ sự tinh tế, mới mẻ về cách thể hiện (bằng nghệ thuật nhảy flashmob); cùng với những phút giây lãng mạn như trong mơ mà anh Nam dành cho chị Trang trong clip, tất cả đã khiến bất cứ bạn trẻ Việt nào từng xem qua clip đều phải nghiêng mình thán phục trước tình yêu mà họ dành cho nhau. Clip đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, hàng chục nghìn lượt bình luận của cư dân mạng trong và ngoài nước, báo chí toàn cầu đưa tin, kênh truyền hình CNN cũng đã dành cho cặp đôi này một buổi phỏng vấn trang trọng trực tiếp…; chắc chắn anh Nam và chị Trang cũng không thể nghĩ tới những điều tuyệt vời mà Youtube đã mang tới cho tình yêu của mình.
Youtube giờ đây đã trở thành nhịp cầu kết nối cộng đồng mạng toàn cầu, khiến cho thế giới mạng giờ đây dường như không còn những khoảng trống.
Youtube có là tượng đài trong lòng cư dân mạng?
Bản quyền là một vấn đề luôn nóng hổi trên Internet. Nhất là với một trang chia sẻ video như Youtube, số lượng clip, video khổng lồ, đồ sộ, việc bảo vệ và chống vi phạm bản quyền, luật sở hữu trí tuệ càng quan trọng hơn bao giờ hết. Điều khá quen thuộc trên Youtube đó là chỉ sau khi trên trang web này xuất hiện một video có lượng view cao, thống lĩnh bảng xếp hạng thì y như rằng ngay lập tức sẽ có các bản clip fake xuất hiện với mục đích “câu view” cho channel của mình.
Chuyện về clip của các bạn học sinh trường THPT Chu Văn An sẽ minh chứng cho điều này. Họ đã làm một clip đặc sắc được thực hiện công phu dành tặng thày cô và mái trường nơi mình đang theo học như một sự tri ân sâu sắc. Thế nhưng sau khi được upload lên Youtube và thu hút được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng, đã xuất hiện khá nhiều bản fake của clip này trên chính trang mạng Youtube cùng nhiều trang chia sẻ video khác. Vài ngày sau, trên diễn đàn vOz xuất hiện bài viết của một thành viên xưng tên Trung Nam- đạo diễn của clip, tâm sự rằng clip của nhóm cậu đang bị vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Channel của công ty X- xin được giấu tên (một công ty khá nổi ở Việt Nam) đã upload lại video của nhóm cậu lên Youtube mà không xin phép, chất lượng hình ảnh thì dở tệ và những lời giới thiệu của channel này về clip thì “xuyên tạc” hoàn toàn những gì mà họ thật sự gửi gắm vào clip này. Trên channel của công ty X, clip đã bị không ít cư dân mạng ném đá, thậm tệ chê bai...”Tiếc rằng sau nhiều lần report (báo cáo video vi phạm) nhưng Youtube vẫn chưa xử lí trường hợp này” Nam cho hay.
Với cách xử lí chậm trễ và có phần nhẹ tay (như nhẹ nhất thì chỉ xóa video vi phạm đi), vô hình chung Youtube đã là một mảnh đất màu mỡ cho nạn vi phạm bản quyền mạng phát triển mạnh. Bên cạnh đó, Youtube còn là nơi lí tưởng để cư dân mạng thỏa sức spam quảng cáo, đấu đá nhau, ném gạch, a dua chửi bới hội đồng.
Không như các diễn đàn với số lượng topic, thành viên và bình luận hạn chế, các mod đều có thể quản lí được; trên Youtube-một trang web có lượt truy cập lớn thứ 3 trên thế giới, thì tất cả dường như tiến tới vô cùng. Số lượng thành viên quá lớn, rào cản ngôn ngữ cùng với việc không kiểm soát chặt chẽ đã khiến phần bình luận ở một số video của Youtube trở thành chiến trường cho một cuộc đấu “bàn phím” của cư dân mạng. Theo dõi phần bình luận clip “Bạn có thực sự giỏi Tiếng Anh” của thành viên có tên duhocsinhmy-một clip đang gây tranh cãi trong cộng đồng mạng, có thể nhận thấy không khí căng thẳng, ngột ngạt hiện hữu, khi bên cạnh nhiều điều hữu ích thì “rác” cũng ít hơn chẳng kém.
Ngoài ra, việc đăng tải các clip khiêu dâm hay bạo lực cũng là một vấn đề thường xuất hiện trên trang mạng này. Bạo lực học đường, các băng nhóm xã hội đen thanh toán lẫn nhau, học sinh “sàm sỡ” nhau trong lớp học, nam thanh niên “tự sướng” nơi công cộng…..vào Youtube và gõ những từ khóa này, sẽ không khó để tìm kiếm được và theo dõi nội dung của các clip đó. Những video phản cảm này vẫn xuất hiện nhan nhản mỗi ngày, mỗi giờ trên Youtube và với độ phủ rộng tới cộng đồng mạng lớn như của Youtube, nếu như không kịp thời ngăn chặn thì tác hại của chúng đối với suy nghĩ và nhận thức của cư dân mạng sẽ lớn đến như thế nào?
Về điều này, trách Youtube một thì cư dân mạng cũng nên tự trách mình mười. Những clip như vậy sẽ không có “đất sống” trên Youtube nếu như không có sự “quan tâm” của cư dân mạng. Bảo sao những clip 18+ xuất hiện nhiều trên Youtube khi mà chúng luôn là một trong những clip có lượt view lớn và được bình luận sôi nổi nhất trên Youtube?
Tạm Kết
Đứng cạnh một Facebook đang ở thời kì đỉnh cao, một Google+ đang trên hành trình chinh phục cộng đồng.....Youtube liệu có xứng đáng là một “tượng đài” trong lòng mỗi cư dân mạng? Hãy tự hỏi mình xem Youtube đã mang tới những gì cho đời sống mạng của mình? Một ngày kia với mình sẽ như thế nào nếu như không có Youtube? Có thể mỗi cư dân mạng sẽ có câu trả lời riêng của mình nhưng không ai có thể phủ nhận những gì Youtube mang tới cho chúng ta. Mỗi cư dân mạng hãy biết mỉm cười trước những điều tốt đẹp, ý nghĩa mà Youtube gửi tới; và hãy tạm quên đi những yếu điểm, hãy coi như đó là những động lực để Youtube vươn lên trong tương lai. “Thành Rome không thể xây dựng trong vòng một ngày”. Và với Youtube, điều này cũng hoàn toàn đúng.