Theo Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn, nguy hại hơn, người trẻ quên mất nhiệm vụ chính của họ là học tập, ham tìm tòi, hiểu biết để phục vụ họ, mang lại quyền lợi, chất lượng cuộc sống cho họ và gia đình, xã hội.
Vừa qua hàng loạt các vụ tung clip đánh nhau, sau chia tay thì tung cảnh ân ái cùng người yêu được một số người trẻ dùng facebook đăng tải. Thậm chí có cả trường hợp dựng chuyện cướp giật tàn bạo để câu like. Ông đánh giá sao về hiện tượng này?
Tất cả những hành động đó chỉ nhằm đến mục đích thể hiện bản thân họ, thể hiện những suy nghĩ của họ, những mong muốn của họ. Người ta muốn nghe thấy được thái độ, những phản ứng tích cực, tiêu cực ra sao? Họ muốn được nhiều người biết đến mình và mong rằng, từ đây họ sẽ có khả năng được nổi tiếng! Những cách làm như thế chỉ mong được nhiều người biết đến. Nhưng suy nghĩ cách làm này thể hiện sự ấu trĩ, tầm thường của một con người và nó thể hiện sự hiểu biết nông cạn của chính họ. Tri thức của họ quá yếu kém về xã hội.
Cái gì họ cũng muốn đưa lên, họ mong mỏi rằng họ dần dần làm được những việc khác nữa, thu hút được sự quan tâm của mọi người nhiều hơn nữa. Những việc làm như vậy không phải bây giờ mới có mà ngày xưa cũng tương tự. Tuy nhiên mức độ phổ biến, quan tâm của cộng đồng ngày nay vượt ra tầm lớn hơn. Nếu như ngày xưa một người thích được chú ý có thể huênh hoang bằng hình thức, bằng trống kèn và chỉ thu hút được một nhóm cộng đồng nhỏ thì bây giờ chỉ cần mất vài giây có thể hàng nghìn người biết đến họ nhờ công nghệ.
Theo ông mục đích của các hành động này là gì?
Những người chủ đích đăng tải thông tin lên, đôi khi cũng không có mục tiêu gì sâu xa. Đôi khi nó xuất phát từ sự ganh đua, ghen tức, hăm dọa nhau. Tất cả các hành động này đều là sự tầm thường của những người kém cỏi. Dù mỗi người có suy nghĩ khác nhau, mục tiêu khác nhau và cách thể hiện khác nhau để khẳng định suy nghĩ, hành vi của họ. Đáng tiếc là mặt trái, sự "âm tính" của thông tin trên mạng xã hội lại đang lan nhanh. Họ có thể gây chú ý bằng ăn mặc, câu nói, hành vi dị biệt, tiêu cực... Điều đáng nói là những hiện tượng này chủ yếu xuất hiện ở giới trẻ.
Bởi đơn giản, họ muốn nổi tiếng nhưng lại không biết nổi tiếng bằng cách nào. Thành ra họ chỉ dùng những thứ sẵn có để nổi tiếng. Nổi tiếng phải bằng khối óc, trí tuệ bằng cái tâm phục vụ cộng đồng mới có thể lâu bền. Nhưng thế hệ trẻ không phải ai cũng hiểu được chân lý này. Đôi khi, họ chỉ cần biết đến mã.
Theo ông, tại sao giới trẻ lại chủ yếu đưa các vụ việc tiêu cực lên mạng xã hội chứ không phải các hành vi suy nghĩ tích cực?
Người trẻ bao giờ cũng có tâm lý, mong muốn thể hiện bản thân mãnh liệt. Mục đích chính của họ là để làm sao nổi tiếng và thách thức bạn bè đồng trang lứa. Trong khi đó, họ chưa có sự chín chắn về trí tuệ, nên người ta dễ đưa ra cái bản năng của mình và họ tưởng rằng như thế là nổi tiếng.
Giống như trường hợp Bà Tưng chẳng hạn. Độ chín trí tuệ chưa có, không có tâm và tầm cũng chưa đến. Cái chính là làm gì cũng phải có tâm và có tầm nhìn để đưa ra đánh giá, nhìn nhận sự được mất các hành vi của mình và lợi ích với cộng đồng ra sao, thiệt thòi đến đâu?
Đáng tiếc, hiện nay đa số họ chỉ nghĩ đến lợi ích giản đơn, nhỏ nhen nhưng họ lại tưởng là to tát. Trí tuệ, tâm lý chưa hoàn chỉnh, kinh nghiệm, trải nghiệm cuộc sống cũng chưa đủ, chưa có cho nên họ sẵn sàng làm những việc tiêu cực mà thực tế họ nhận thấy những người làm như việc xấu, việc không hay lại "nổi tiếng" thật.
Tuy nhiên, đó là sự nổi tiếng thức thời chứ không phải mãi mãi. Thậm chí có người còn chạy ra đường, đâm đầu vào ô tô để mong được nổi tiếng. Đó là hành động ngây thơ và quá ấu trĩ. Đáng tiếc, xu hướng đó đang thắng thế trên mạng xã hội.
Xu hướng các thông tin tiêu cực đang “thắng” thế trên mạng xã hội ảnh hưởng ra sao đến vốn sống của người trẻ, thưa ông?
Thực tế, những suy nghĩ méo mó, tiêu cực đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến chính người đăng tải các thông tin đó, làm cho họ lệch lạc định hướng sống. Đặc biệt, khi nó được một số người cũng tầm thường ca tụng đánh giá cao thì họ thêm một lần lầm tưởng. Nó như một dịch dễ lan truyền. Người này làm được thì người trẻ khác cũng tưởng thế là hay rồi làm theo. Họ dễ bị rơi vào vòng xoáy. Nguy hại hơn họ quên mất nhiệm vụ chính là học tập, ham hiểu biết để mang lại quyền lợi, chất lượng cuộc sống cho họ và gia đình họ, cho xã hội, cho đất nước.
Nếu không có những biện pháp ngăn chặn, thức tỉnh những người như vậy sẽ tạo không ít người trẻ lười học tập, lười hy sinh cho người khác, sống ích kỷ cá nhân. Cần phải có một cảnh báo cho mọi người thấy thực tế này để họ tỉnh táo đưa ra lựa chọn thể hiện sự tự tin ra sao? Họ ước mơ gì? Và làm gì để vượt qua những rào cản của chính họ và sự cám dỗ từ môi trường xung quanh.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Người Đưa Tin)