Còn tại thời điểm hiện nay, loại đồ ăn nhanh này tuy bị cho là không tốt với sức khỏe nhưng vẫn được nhiều gia đình quen dùng, thậm chí, khoảng 4-5 năm trở lại đây mức độ tiêu thụ mì gói tại thị trường Việt vẫn có mức tăng đột biến và được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Lý do gì khiến người Việt lại yêu mì gói đến vậy?
Với số lượng 5,1 gói mì tiêu thụ trong năm 2013, tính trung bình 1 năm mỗi người Việt Nam sẽ ăn khoảng 50 gói mì. Theo dự báo trong khoảng 3 năm tới số lượng mì gói tiêu thụ tại Việt Nam có thể tăng lên con số 6-7 triệu. Trong khi những thông tin như mì gói chứa Trans fat, mì chiên bằng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, chứa axit oxalic (gây sạn thận)… xuất hiện trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng nhưng thị trường mì vẫn từng bước phát triển cả về quy mô và doanh thu. Lý do gì để Việt Nam trở thành “đất nước mỳ gói” trên thế giới trong khi sản phẩm này vẫn được nhiều chuyên gia khuyến cáo là nghèo dinh dưỡng, không tốt cho sức khỏe?
Món ăn nhanh rẻ tiền
Đối với nhiều sinh viên và người lao động thì mì gói là món ăn khá quen thuộc do giá rẻ. Tại Hà Nội, một bát bún giá rẻ cũng phải 15.000 đồng, một tô phở “nhẹ nhàng” cũng mất 20.000 đồng, mua xôi dưới 5.000 không ai bán, thì có lẽ mì gói là một trong những món ăn ít ỏi “vừa ăn, vừa xì xụp” có thể mua với giá 3.000- 3.500 đồng.
Theo Tuấn, sinh viên năm 3 đại học Công Nghiệp Hà Nội chia sẻ: “Sinh viên hầu như lúc nào cũng lâm vào cảnh đầu tháng tiêu quá tay thì cuối tháng trường kỳ mì gói, bởi món ăn này không cần cầu kỳ, có thể ăn mì dội nước suông hoặc thêm quả trứng, ít rau thì cũng chỉ hết từ 5.000-7.000 đồng/bữa, rẻ hơn đi chợ nấu cơm khá nhiều. Nhiều đứa bọn em cũng mua mì ăn sáng nữa, vì rẻ hơn hẳn mua xôi hay bánh mì”.
Cùng cảnh sinh viên, Ngọc Linh, sinh viên năm 2 đại học Khoa học xã hội và nhân văn cho biết: “Em ở ký túc xá không được nấu ăn nên cũng hay mua sẵn mì tôm, cháo, phở để đó. Hôm nào đi học về thấy đói có thể dội nước sôi ăn luôn, muốn ăn đêm cũng tiện vì ký túc xá có giờ đóng cửa. Nhiều bạn trong phòng có khi hết tiền cũng mua cả thùng mì về “trường kỳ kháng chiến” đến khi nhận được tiền nhà gửi xuống”.
Thực tế, ngay cả những người nổi tiếng cũng có những ký ức đẹp với những gói mì thời sinh viên, mà nữ ca sĩ Mỹ Tâm là một ví dụ cụ thể. Vì thế, có lẽ thế hệ sinh viên sẽ luôn là một trong những nhóm khách hàng đông đảo của phân khúc mì bình dân và trung cấp. Dễ thấy tại các cửa hàng tạp hóa gần các khu trọ hay kí túc xá sinh viên, các loại mì gói bình dân luôn phong phú hơn hẳn. Theo một người bán hàng tại kí túc xá Mễ Trì cho biết: “Ngày nào ế cũng phải bán được 2-3 thùng mì, đợt nào mưa hay cuối tháng còn bán được nhiều hơn. Ở đây còn bán thêm nhiều loại cháo, phở, bún ăn liền cũng khá đắt hàng”.
Với nhiều người lao động nghèo, một suất cơm bụi toàn rau cũng có thể lấy đi của họ khoảng 15.000 đồng thì mì ăn liền là một lựa chọn để giúp họ “chống đói”. Tại khu vực có nhiều công nhân, người lao động sinh sống thì mặt hàng mì tôm vẫn luôn đắt hàng. Hay ở “khúc ruột” miền Trung, mỗi mùa lụt về thì mì gói trở thành món ăn chính. Khi bốn bề nước lũ vây quanh thì mì gói là món ăn giúp người ta chống chịu lại được với sự khắc nghiệt của thiên nhiên để tồn tại. Dễ dàng thấy rằng, mỳ tôm vẫn được coi là đồ ăn phù hợp với người nghèo. Cũng bởi thế những sản phẩm mì gói tại phân khúc hàng bình dân vẫn đang chiếm thế thượng phong trên thị trường.
Rất tiện lợi trong thời đại công nghiệp
Với nhiều người ăn mì gói không phải vì lý do kinh tế mà vì sự tiện lợi. Trong guồng máy công việc tại nhiều đô thị, có những người cả ngày lu bu chẳng có thời gian ra ngoài mua đồ thì mì gói được lựa chọn để họ có thể vừa ăn vừa làm việc. Hay với nhiều người lười nấu ăn thì một bát mì nóng cũng là cứu cánh thay cho đồ hộp hay đồ ăn nguội.
Thùy Anh, nhân viên văn phòng tại Thanh Xuân cho biết: “Mình cũng hay ăn mì gói có khi là 2-3 bữa/tuần. Những buổi trưa lười ra ngoài ăn đều hay ăn mì hộp vì tiện, ăn xong cũng chỉ phải vứt hộp đi đỡ phiền phức. Ở cơ quan mình hầu như ai cũng để sẵn 1 vài hộp mì để ăn khi nhỡ bữa hay lười ra ngoài”.
Bùi Phương, một kế toán cũng chia sẻ: “Công việc của mình hay phải mang về nhà làm tới khuya. Lúc muốn ăn đêm thì mỳ gói cũng khá tiện. Chỉ việc đun nước nóng rồi pha lên, cháo hay phở ăn liền cũng vậy. Thêm nữa, nhiều loại mì nhập khẩu của Hàn, mùi vị cũng ngon ăn kèm kim chi muối cũng là món khoái khẩu của mình. Có đợt cả tuần ăn mì mà không thấy ngán”.
Nhiều người lại chọn mì gói chẳng vì rẻ hay tiện mà vì ngon và yêu thích ăn mì, thậm chí coi mì gói là món khoái khẩu hơn hẳn nhiều món khác. Chị Mai Hoa ở Tây Hồ cho biết, bố chồng chị thường xuyên chọn mì gói ăn sáng vì thích món này, dù có thể ra ngoài ăn hay ở nhà cũng có sẵn nhiều món khác.
Còn chị Hà, nhân viên văn phòng Định Công cho biết: “Một tuần mình cũng ăn từ 5-6 bữa mì, không sáng thì ăn trưa ở cơ quan. Đợt nào ít ăn thấy nhớ lắm… mà mì giờ cũng nhiều loại mình thường mua rồi ăn thay đổi nên cũng chả bao giờ ngán”.
Thêm nữa, hiện nay những quảng cáo mì gói có tần suất khá dày đặc trên truyền hình. Tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa những loại mì mới cũng thường xuyên được trưng bày, quảng cáo khiến người tiêu dùng tò mò muốn mua về ăn thử. Điều này cũng khiến người Việt ăn mì nhiều hơn.
Anh Hải ở Thanh Xuân cho biết: “Hai đứa con mình cứ xem tivi thấy quảng cáo mì gì là lại đòi bố mẹ mua cho ăn. Có khi cơm thì ép mãi chả hết 1 bát mà mì thì vèo 1 cái chả ai giục cũng ăn ngon lành. Vì thế đôi khi vợ chồng mình cũng cho con ăn mì buổi sáng”.
Hiện nay trên thị trường mì gói cũng đã phân chia sản phẩm theo từng phân khúc phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Những sản phẩm bình dân chỉ với giá 3.000- 5.000 đồng/gói, các sản phẩm trung cấp có giá 6.000- 12.000 đồng/gói và một số sản phẩm cao cấp có giá 15.000-20.000 đồng/gói, hộp và nhiều sản phẩm siêu cao cấp có giá từ 30.000- 60.000 đồng và chủ yếu là hàng nhập khẩu. Vì thế người mua cũng có thể chọn mua mì theo hương vị và phù hợp với túi tiền. Theo dự đoán, thị trường mì gói Việt vẫn sẽ phát triển về quy mô trong những năm tới và người dân Việt sẽ ăn mì gói nhiều hơn. Nhưng với một đất nước nông nghiệp trồng lúa như Việt Nam, điều này không hẳn là đáng mừng.
(Theo Songmoi)