Twitter đã tìm ra cách kiếm chác dễ nhất từ người dùng

Đức Toàn  | 08/03/2011 0:00 AM

Ý tưởng về ứng dụng Hỏi và Đáp rất đột phá khi Twitter đang lâm vào tình trạng bí ý tưởng.

Twitter đang bị bỏ lại khá xa trong cuộc chạy đua mạng xã hội hiện nay. Mặc cho hàng loạt thay đổi nhân sự và cải tiến nền tảng, Twitter cần một đổi mới đột phá để có thể cứu vãn số lượng người dùng di cư sang các mạng xã hội khác, vốn ngày càng gia tăng.
 
Một trong những ý tưởng độc đáo mà Twitter có thể áp dụng: ứng dụng Hỏi và Đáp. Ý tưởng sáng giá được nghĩ ra bởi một thành viên Twitter khi anh thấy một người nổi tiếng muốn tìm địa chỉ nhà hàng sushi trong kì nghỉ hè. Câu hỏi lập tức được đáp lại bằng hàng loạt bạn bè.
 
 
Tuy nhiên, nếu không có nhiều bạn trên Twitter (trong trường hợp bên trên, thành viên nổi tiếng có hàng chục nghìn người bạn), hiếm khi bạn nhận được câu trả lời thỏa đáng cho thắc mắc của mình. Ý tưởng Twitter Hỏi Đáp ra đời từ đây với mục tiêu kết nối các câu hỏi với nhiều người trả lời nhất có thể.
 
Mô hình Hỏi Đáp hoạt động như sau: mỗi người dùng Twitter đều tham gia mạng lưới chuyên nhận những lời thắc mắc từ các thành viên khác. Twitter tự động phân loại câu hỏi thông qua hình thức “tag”: người đăng câu hỏi cần phải gán các từ khóa đặc thù cho thắc mắc của mình (mạng xã hội, game, đời sống,…).
 
Quá trình cập nhật kho câu hỏi và câu trả lời được tiến hành trong thời gian thực, đảm bảo tốc độ cho quá trình tương tác giữa thành viên.
 
 
Để tối ưu quá trình hỏi và đáp, Twitter có thể áp dụng hình thức trả tiền thưởng cho câu trả lời. Thực vậy, người hỏi có thể ra giá cho câu trả lời nếu thắc mắc thuộc loại khó hoặc có quá ít câu trả lời chất lượng. Hình thức trả tiền có 2 ưu điểm: một, người trả lời tích cực tìm kiếm đáp án cho câu hỏi; hai, người hỏi nhanh chóng nhận được hồi đáp theo ý muốn.
 
Đây chính là cách Twitter có thể kinh doanh: thu “thuế” từ tiền công cho người trả lời. Mức “thuế” dự kiến có thể dao động trong mức 10 – 15%. Bên cạnh đó, Twitter còn có thể “kiếm thêm” nếu áp dụng hình thức tiền tệ ảo. Ví dụ: thành viên có thể quy đổi tiền (USD) sang đồng Twitter với tỉ giá 1:1, tuy nhiên nếu muốn chuyển ngược lại họ phải chịu mức quy đổi 1.2:1.
 
 
Trên đây là 2 cách thức kinh doanh mà Twitter hoàn toàn có thể áp dụng. Gần đây, trang Quora thu hút khá nhiều chú ý với hình thức kiếm tiền dựa trên quản lý việc Hỏi/Đáp của người dùng. Tuy nhiên quá trình tương tác không dựa trên thời gian thực. Twitter với thế mạnh vốn có hoàn toàn có thể triển khai mạng lưới tư vấn trực tuyến thời gian thực giữa thàn viên với nhau.
 
Ý tưởng về chức năng Hỏi & Đáp trên Twitter đã được bàn đến cách đây 2 năm. Sau đó nó không được ngó ngàng đến. Chỉ đến gần đây, khi ứng dụng Twitter cho điện thoại di động ra mắt với rất nhiều lời phàn nàn về kích thước “khủng bố” của các banner quảng cáo, ban điều hành Twitter mới ráo riết triển khai lại dự án Hỏi/Đáp tiềm năng nhưng được cho “đắp chiếu”.
 
Nhu cầu tìm kiếm câu trả lời từ phía người dùng Internet đang mở rộng ra ngoài cái bóng quá lớn của ông trùm Google mà Quora là ví dụ điển hình. Dự án khai thác lĩnh vực mới mẻ, nếu tiến hành thuận lợi, có thể làm lợi cho Twitter rất nhiều về cả tài chính và vị thế trong cuộc chiến mạng xã hội.