Với rất nhiều người trong chúng ta, hai chữ cô đơn gợi lên một cảm giác sợ hãi. Đó có thể là sự buồn chán, bị cô lập, hay nỗi sợ phải đối mặt với chính mình.
Vì một số lý do, nhiều người đánh đồng việc ở một mình hay cô đơn mang cảm giác cô độc. Tuy nhiên, hai khái niệm này là khác hẳn nhau.
Cần phải khẳng định rằng, sự cô đơn là một phần bình thường trong cuộc sống con người. Nếu cô đơn là trạng thái vật lý khi con người ở một mình thì cô độc lại là cảm giác mang tính tiêu cực và đau đớn.
Vào một thời điểm nhất định nào đó, chúng ta cảm thấy cô đơn, nhưng khi trạng thái này trở thành mãn tính sẽ rất dễ trở thành một dạng bệnh lý - cô độc.
Những người “khỏe” về mặt tinh thần sẽ đối phó với nỗi cô đơn bằng cách giải quyết nó, còn người “không khỏe” lại tự nhấn chìm mình vào trạng thái này.
Tính cách cũng là yếu tố quan trọng khi đối mặt với nỗi cô đơn. Người hướng ngoại dường như khó thích nghi hơn khi đứng trước nỗi cô đơn hay phải ở một mình. Ngược lại, người hướng nội không có phản ứng quá gay gắt khi đối mặt với nỗi cô đơn.
Vậy làm thế nào để đón nhận và học cách “yêu” nỗi cô đơn trước khi nó biến bạn thành một “F.A trong tâm hồn”?
1. Xem xét nguyên nhân cốt lõi của sự cô đơn
Hãy dành thời gian tự hỏi mình xem sự khó chịu và nỗi cô đơn này đến từ đâu. Nó có thực sự là nỗi cô đơn hay không?
Theo các nhà nghiên cứu, nỗi cô đơn thường xuất phát từ một trải nghiệm khó khăn hay một ký ức buồn trong quá khứ. Để thực sự hiểu được tại sao “ở một mình” lại khó chịu đến vậy, bạn cần nhận ra rằng cảm xúc đó đến từ đâu. Nhận thức được điều này sẽ giúp bạn đối mặt với nỗi cô đơn đó dễ dàng hơn.
2. Dũng cảm đối mặt với khó khăn và "vượt mặt" nó
Nhà tâm lý học Rosenberg cho rằng, khi đứng trước bất cứ vấn đề khó khăn nào, bạn cần phải dũng cảm đối mặt với nó và "thẳng tiến". Điều này được so sánh với việc “nhảy vào hồ bơi dù bạn biết nước rất lạnh”.
Mọi người đều biết rằng, sau khi nhảy xuống hồ nước, dần dần bạn sẽ không cảm thấy lạnh nữa. Do vậy, lời khuyên của các chuyên gia đưa ra, dù gặp cú sốc gì, bạn cần phải tự nhủ rằng đó chỉ là việc thoáng qua và bạn hoàn toàn có thể vượt qua nó. Khi đó, bạn có thể cảm thấy thoải mái hơn nhiều.
3. Tìm kiếm một sở thích mới
Những người sợ cô đơn hầu hết đều cảm thấy chán nản hơn khi ở một mình. Để khắc phục điều này, bạn cần hướng suy nghĩ của mình đến các thói quen và sở thích mới.
Các nhà tâm lý khuyên người sợ cô đơn nên tìm những hoạt động có thể thu hút sự chú ý, truyền cảm hứng sáng tạo và khuấy động trí tưởng tượng dù cho họ có làm việc này một mình đi nữa. Điều này mới đầu có thể khó khăn nhưng khi bạn tìm được đúng sở thích, bạn sẽ cảm nhận rõ sự thay đổi.
4. Làm sâu sắc thêm các mối quan hệ
Điều này có vẻ hơi ngược đời nhưng việc có những mối quan hệ sâu sắc lại giúp bạn đứng vững hơn khi ở một mình.
Rosenberg cho rằng, cảm giác có một người bạn thực sự đáng tin cậy sẽ giúp giải quyết vấn đề bằng một trong hai cách. Một là bạn thực sự có thể gọi họ khi bạn cô đơn.
Hai là cảm giác có một người luôn sẵn sàng nhận điện thoại sẽ khiến bạn thậm chí không cần gọi điện nữa. Một khi bạn biết rằng, có một người sẽ “luôn ở đó”, bạn sẽ thấy bớt cô đơn hơn dù có ở một mình đi nữa.
5. Thay đổi địa điểm quen thuộc
Một chuyến du lịch vài ngày, tìm tòi một quán cà phê mới, đi mua sách... sẽ giúp bạn phần nào quên đi nỗi cô đơn. Và khi bạn làm điều này, thời gian sẽ trôi nhanh hơn và bạn cũng cảm thấy thoải mái hơn.
6. Tìm sự giúp đỡ khi cảm thấy quá khó khăn
Sau khi đã thực hiện tất cả những bước trên, nếu bạn thấy sự khó chịu hay nỗi cô đơn này không chỉ là nhất thời mà thực sự kéo dài thì đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ.
Theo nhà tâm lý học Rosenberg, điều trị tâm lý là một trong những cách tốt nhất để giải quyết nỗi cô đơn mãn tính hay cảm giác cô độc, tránh bị suy nhược và tổn hại đến sức khỏe.
Bằng cách nói chuyện về cuộc sống và cảm xúc, bạn có thể tìm thấy được niềm vui trong cuộc sống. Biết đâu, bạn lại nhận ra được những lợi ích không ngờ của sự cô đơn.
>> Vào quán internet “cày game”, tranh thủ "thó" điện thoại