Thực hư trò lừa "Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln....phát minh ra Facebook vào năm 1845"!

Quang Khải   | 09/05/2012 03:18 PM

Cư dân mạng tại Mỹ đặc biệt quan tâm tới bài viết xoay quanh việc Tổng thống thứ 16 của Mỹ Abraham Lincoln đã từng phát minh ra mô hình tương tự Facebook vào năm 1845. Tuy nhiên, đây chỉ là màn bịa đặt hoàn hảo.

Nate St. Pierre, một phóng viên đồng thời cũng là một nhà sử học trong chuyến du lịch tới thành phố cổ kính Springfield đã có dịp ghé thăm Bảo tàng Lincoln và đặc biệt chú ý tới một tờ báo cổ có tên “Springfield Gazette”. Nội dung của bài báo này hoàn toàn xoay quanh Abraham Lincoln-một trong những Tổng thống vĩ đại nhất của Hoa Kì. 


Tổng thống thứ 16 của Mỹ Abraham Lincoln. 

Tờ "Springfied Gazette" chỉ bao gồm một trang nội dung duy nhất về Tổng thống Lincoln. Khi nhìn vào văn bản này, người xem có thể biết thêm thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Họ có thể thấy chân dung của Tổng thống ở góc trái phía trên trang báo. Khi nhìn về bên trái của trang báo, phía trên cột văn bản có một hộp tin nhỏ. Trong hộp tin đó, người xem có thể nhìn thấy ba thông tin về Abraham Lincoln: Tên của ông, Địa chỉ của ông và Nghề nghiệp của ông (Luật sư).

Thông tin trên blog cá nhân của Nate ST. Pierre 

Cột văn bản đầu tiên bên dưới hình ảnh của Lincoln bao gồm một nhóm những dòng giới thiệu về những sự kiện xảy ra trong cuộc sống của ông, những công việc ông đã làm, những cuốn sách mà gia đình ông đã mua….Trong ba cột tiếp theo ở bên phải, ông chia sẻ những lời trích dẫn mà ông thích, hai bài thơ và một câu chuyện ngắn về Giáo phụ Pilgrim (Pilgrim Fathers). Tại ba cột cuối cùng, Lincoln kể về những tháng ngày của ông tại rạp xiếc và một câu chuyện nhỏ xoay quanh cuộc sống của ông trên thảo nguyên.

Bạn có thấy cách trình bày của tờ báo này giống với giao diện trước kia của Facebook? 

Ngay khi nhìn vào tờ báo này, St. Pierre đã hết sức ngỡ ngàng. Ông nhanh chóng nhận ra “nét hao hao giống” trong cách trình bày của "Springfied Gazette" với giao diện của Facebook-trước khi chuyển sang Timeline.

Theo thông tin trên blog cá nhân của ông, tờ báo này hoàn toàn do Lincoln sáng tạo ra với mục đích giúp những người dân trong thị trấn biết và được kết nối với nhau. Ông đề xuất mỗi người sẽ tạo lập những văn bản ở dạng tương tự cho riêng mình, đây là nơi để họ có thể thảo luận về công việc, về gia đình và những vấn đề khác trong cuộc sống. Bên cạnh đó, Lincoln cũng đề ra ý tưởng tạo nên những trang thông tin mà chỉ những người có quan hệ thân thiết như gia đình hay bạn bè của người đó mới có thể theo dõi được. Ý tưởng của Lincoln rất giống với tính năng của mạng xã hội Facebook. Lincoln đã có bằng phát minh cho ý tưởng này. Và sự việc này xảy ra vào năm 1845, cách ngày nay tới 167 năm.

Tuy nhiên, theo phát ngôn viên của Bảo tàng Lincoln trả lời trang tin Cnet “
Đây chỉ là một trò lừa bịp hoàn hảo và thông minh. Chẳng có bằng phát minh nào như vậy của Lincoln ở đây cả. Lincoln là Tổng thống duy nhất có bằng phát minh, nhưng đó là kết quả của việc sáng chế ra thiết bị đỡ những chiếc thuyền vượt sông đứng vững trên cát. Và phát minh này thì chẳng có gì liên quan tới Facebook cả”. Thực chất đây chỉ là một màn bịa đặt đầy khôn ngoan của St. Pierre với mục đích thu hút sự chú ý của cộng đồng. 

Những trò lừa đảo mạng liên tiếp xuất hiện thời gian gần đây đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng trên toàn cầu. Gần đây nhất, vào ngày 19/3/2012, kỹ sư người Hà Lan Jarno Smeets đã tung lên Youtube clip quay lại cảnh anh ta có thể bay giữa không trung nhờ đôi cánh rộng bằng vải cùng với gia tốc kế được làm từ những thiết bị quen thuộc như smartphone HTC Wildfire S, điều khiển game Wii. Chỉ trong 4 ngày đăng tải, video này đã gây sốt trên mạng khi thu hút hơn 4 triệu lượt người xem, cũng như được nhiều diễn đàn, tờ báo nổi tiếng như Wired, Time…đưa tin.

Tuy nhiên, đến ngày 22/3, Jarno đã lên truyền hình Hà Lan thừa nhận dự án này chỉ là một trò lừa bịp. Là một nhà sản xuất phim kiêm chuyên gia thiết kế đồ họa, anh hoàn toàn có thể tạo ra đoạn phim “hoành tráng” này bằng các phần mềm đồ họa máy tính. Đoạn phim đã được hoàn thiện sau 8 tháng trời; và kết quả thì không tồi chút nào khi hàng triệu người không hề nhận ra điều đó. Hai vụ việc này thêm một lần nữa nhắc nhở cư dân mạng nên suy xét kỹ trước khi tin hay nhận xét bất cứ hình ảnh nào mà họ gặp trên Internet.

Clip lừa bịp "người bay như chim" khiến cư dân mạng phát sốt.

Tham khảo: Thenextweb, Cnet 

 

Xem thêm:

facebook