Theo cuộc điều tra của tờ Guardian của Anh, thì thế giới ngầm của mạng internet, xứ sở của những hacker đã và đang bị thâm nhập ngày một sâu bởi cục điều tra Liên Bang Mỹ. Cũng theo tờ báo này: tại Mỹ, cứ 4 hacker thì 1 trong số đó là “tay trong” của cục điều tra. Những đơn vị cảnh sát công nghệ cao tại đây đã và đang có được những thành công trong việc “ép buộc” những tên tội phạm trên mạng internet hợp tác với công việc điều tra của họ. Bằng việc đe dọa những tên hacker bằng những án tù dài, những điều tra viên đã thành công trong việc tạo ra một đội quân gồm những “tay trong” hoạt động sâu trong cộng đồng hacker tại Mỹ.
Trong một vài vụ án, những tên tội phạm công nghệ cao sử dụng những diễn đàn bất hợp pháp được ngụy trang như một cửa hàng ảo để ăn cắp thông tin cá nhân và mã số thẻ tín dụng của những nạn nhân. Những diễn đàn này đều được kiểm soát bởi những “tay trong” nói trên. Sau đó, FBI có thể thu thập thông tin về những tên hacker đã thức hiện hành vi phạm pháp. Từ đó, họ sẽ có đủ bằng chứng để đưa những tên tội phạm này vào song sắt trại giam.
Như đã nói ở trên, Eric Corley, chủ bút tờ tạp chí 2600, một trang tạp chí xuất bản theo quý dành cho những hacker, cho biết: khoảng 25% hacker tại Mỹ có lẽ đã được tiếp xúc để trở thành “tai mắt” của cơ quan điều tra. Trả lời phỏng vấn tờ Guardian, Eric cho biết: “Họ bị những án tù treo lơ lửng trên đầu, hơn nữa cũng không có nhiều hacker thông thạo luật pháp Mỹ. Vì thế họ nghĩ làm việc cho FBI là cách tốt nhất để sửa chữa lỗi lầm”.
Trong số những hacker “hoàn lương”, phải kể tới trường hợp của Adrian Lamo. Trước đây anh là một hacker phạm pháp. Sau khi được FBI “hỏi thăm”, Lamo đã trở thành một tay trong cho cục điều tra liên bang. Một ngày, Lamo được Bradley Manning, một trong những người bị tình nghi là đã trao những tài liệu bí mật cho WikiLeaks, tin tưởng và hỏi Lamo một vài lời khuyên. Và anh chàng Lamo đã dùng sự tin tưởng của Manning để giao chuyên gia an ninh mạng 23 tuổi này cho cơ quan điều tra.
Từ hành động này, Lamo đã chính thức trở thành “hacker bị ghét nhất thế giới”, mặc dù anh luôn miệng biện minh cho hành động này của mình là vì quan tâm đến những người có thể gặp nguy hiểm một khi những tài liệu bí mật này được WikiLeaks công bố. Lamo nói: “Đương nhiên anh ta đã gặp rắc rối lớn, nhưng tôi cũng chẳng thoải mái gì. Manning làm việc theo lương tâm của anh ta, tôi cũng vậy, nhưng chúng tôi không giống nhau.”
Thử thách gần đây nhất của FBI là những cuộc tấn công quy mô lớn của những nhóm hacker vào những trang web nội địa nước Mỹ, với mục đích chủ yếu là để đánh bóng tên tuổi. Trong đó nhóm hacker khiến họ đau đầu nhất chính là “Lulz Security” với chiến tích tấn công thành công vào chính tổ chức InfraGrad di FBI quản lý. Những hành động như vậy đã khiến cho Lầu Năm Góc quyết định coi những hành vi tấn công của các hacker nước ngoài vào Mỹ
như một hành động gây chiến.
Về thành tích, Lulz Security được cộng đồng hacker so sánh ngang với
nhóm hacker khét tiếng Anonymous đứng sau những cuộc tấn công vào những công ty như Visa hay MasterCard trong chiến dịch ủng hộ WikiLeaks. Tuy nhiên nếu như Lulz Security mới chỉ là một tên tuổi “mới nổi” và chưa bị FBI “quan tâm chăm sóc” một cách tận tình, chu đáo, thì Anonymous đã nhận được ít nhiều áp lực từ cục điều tra Liên bang.
Kevin Poulsen, biên tập viên của tạp chí Wired tin rằng việc lập lực lượng “tay trong” của FBI là một đòn đánh rất mạnh vào những tên tội phạm công nghệ cao. “Chúng ta đã bắt đầu thấy những thành viên Anonymous tự tấn công lẫn nhau. Đó là điều FBI thực sự muốn: Tiêu diệt những tên phá hoại ngay từ bên tong nội bộ của chúng.” Trong khi đó, Barrett Brown, người tự xưng là phát ngôn viên của Anonymous thì cho biết, họ hoàn toàn biết FBI đang trà trộn và theo dõi họ. “FBI luôn luôn ở đó. Họ luôn theo dõi chúng tôi, và luôn luôn có mặt trong phòng chat. Bạn sẽ không biết ai là tay trong, và ai không phải. Do vậy, bạn mới là con mồi chứ không phải những trang web kia.”