Thời điểm năm ngoái, khi Larry Page chuẩn bị nhận trách nhiệm lãnh đạo Google, CEO hiện tại của “gã khổng lồ” đã tới gặp Steve Jobs để trò chuyện và xin một số lời khuyên. Steve đã nói rằng nếu muốn thành công, Larry chỉ nên tập trung phát triển vào một số kế hoạch nhất định.
Trong cuốn tiểu sử của mình do Walter Isaacson ghi chép lại, Steve Jobs cũng nhắc đến cuộc trò chuyện hiếm hoi này. Steve cho rằng Google đang dần tự biến mình thành Microsoft với những chiến lược kinh doanh không thực sự tập trung vào thế mạnh.
Có thể Larry Page đã làm được nhiều điều hợp lý, loại bỏ các dự án thử nghiệm và sản phẩm kém chất lượng, quản lý chặt chẽ để ngăn nạn chảy máu chất xám…Nhưng nếu nhìn chi tiết vào các sản phẩm hiện tại của Google, chúng ta có thể nhận ra Steve đã đúng!
Google Search và Windows: Độc quyền!
Google và Microsoft đều có nền tảng mạnh của riêng mình để xây dựng thành công quanh điểm cốt lõi này. Với Google là công cụ tìm kiếm, còn với Microsoft là hệ điều hành máy tính Windows. 2 sản phẩm này đều đang thống trị thị trường công nghệ và phát triển lớn mạnh đến mức luật chống độc quyền đang phải xem xét kỹ càng tầm ảnh hưởng này.
Những sản phẩm này đều thu được lợi nhuận rất lớn, tạo ra lượng tiền mặt khổng lồ và đem lại nguồn doanh thu chính cho công ty. Cả Google và Microsoft sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ nguồn “máu” chính này và đẩy dòng chảy của nó tới mọi nơi mà hai hãng đặt tham vọng.
Sự thành công của quảng cáo và Office
Lĩnh vực kinh doanh quảng cáo của Google được xây dựng trên nền tảng thống trị của công cụ tìm kiếm. Riêng mảng quảng cáo hiển thị đã đóng góp 3 tỷ USD cho tổng doanh thu được dự báo sẽ lên đến 40 tỷ USD vào cuối năm nay của Google.
Chẳng mấy chốc nó sẽ đạt đến con số khổng lồ mà Office đạt được: chi phối 90% thị trường, đạt hơn 60% lợi nhuận và đóng góp 10 tỷ đến 15 tỷ USD cho tổng số doanh thu gần 70 tỷ USD của Microsoft.
Android và Xbox: thành công bất ngờ trên lĩnh vực mới
Với Android, từ một công ty chuyên về quảng cáo Google đã bước vào lĩnh vực sản xuất hệ điều hành cho sản phẩm tiêu dùng, nơi mà Apple đang nắm giữ quyền thống trị. Google đã đặt kỳ vọng vào Android rất nhiều, với hi vọng hệ điều hành này sẽ mang lại lợi nhuận cho hãng trong lĩnh vực quảng cáo sau này. Kết quả ngoài mong đợi, Adroid đang là hệ điều hành thiết bị di động phổ biến nhất thế giới, vượt qua cả iOS của Apple.
Xbox của Microsoft cũng từng đạt được thành công tương tự. Khi bước vào thị trường mới Microsoft cũng gặp phải đối thủ vốn lớn mạnh bấy lâu là Sony. Nhưng cuối cùng hãng đã đạt được thành công với sản phẩm Xbox.
Có một điểm tương đồng khá lạ giữa 2 sản phẩm này đó là mặc dù thống trị thị trường nhưng doanh thu mà sản phẩm mang lại cho hai hãng khá nhỏ khi so sánh với các sản phẩm khác. Xbox chỉ mang lại 8 tỷ USD cho Microsoft trong khi con số của Android là 1 tỷ USD.
Google+ và Bing ra đời chỉ để hạn chế nỗi sợ trước đối thủ
Khi nhận ra sự đe dọa nghiêm trọng của Facebook đối với khả năng thống trị web mà mình đang nắm giữ, Google tỏ ra e ngại và vội vã cho ra đời mạng xã hội Google+ để cạnh tranh và hạn chế sức mạng của Facebook.
Cũng 8 năm trước, Microsoft đã nhìn Google với cách tương tự. Sự thành công của Google khiến Microsoft lo ngại máy tính để bàn sẽ bị thay thế bởi nền web và buộc hãng phải cho ra đời sản phẩm tìm kiếm của riêng mình, công cụ tìm kiếm Bing.
Google đang mua lại rất nhiều công ty như cách Microsoft từng làm
Chỉ riêng trong năm nay Google đã mua lại hơn 50 công ty lớn nhỏ. Một số công ty nhỏ có thể phục vụ cho mục đích chính của hãng, cũng có nhiều công ty mà hãng muốn chuyển hướng như trang chia sẻ video Youtube, quảng cáo trực tuyến DoubleClick và mảng sản xuất điện thoại Motorola.
Microsoft cũng có những động thái tương tự. Hãng mua Great Plains và Navision để phát triển phần mềm kế toán, aQuantive cho quảng cáo trực tuyến và Tellme cho nhận dạng giọng nói.
Vua cũng chỉ có thời
Microsoft đã từng là “ông Vua” công nghệ một thời trong khi hiện tại, Google luôn được gọi là “gã khổng lồ”. Không ai có thể đứng trên đỉnh vinh quang mãi mãi, thành công cũng có quy luật riêng của nó, chỉ có công nghệ là phát triển không ngừng.