1. Diaspora
Diaspora là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2010 với ý tưởng: Thay vì giao thông tin cá nhân nhạy cảm của mình cho máy chủ từ xa của Facebook, người dùng nên tự bảo quản thông tin cá nhân của họ.
Ý tưởng của Disaspora khiến không ít người lo lắng về sự an toàn của thông tin cá nhân trên mạng xã hội, nhưng chưa đủ để thuyết phục họ từ bỏ Facebook và đến với Diaspora. Tính tới tháng 11/2011, Diaspora chỉ có 180.000 thành viên.
Mới đây, hai nhà sáng lập Maxwell Salzberg và Daniel Grippi tuyên bố “trao quyền kiểm soát Disaspora cho cộng đồng”. Họ từ bỏ dự án chỉ vài tháng sau khi một nhà đồng sáng lập khác - Ilya Zhitomirskiy, bất ngờ qua đời.
Trạng thái hiện tại của Diaspora: Vẫn hoạt động như “một dự án cộng đồng”.
2. Unthink
Ra đời hồi tháng 10/2011, Unthink ủng hộ lập trường bảo vệ quyền riêng tư, chống việc lấy mạng xã hội làm công cụ kinh doanh. Unthink cam kết người dùng sẽ được làm chủ dữ liệu cá nhân của mình. Công ty này thẳng thừng tuyên bố “chống Facebook”, thậm chí còn có cả một video quảng cáo chế giễu CEO của Facebook Mark Zuckerberg.
Tuy nhiên, Unthink thực chất vẫn là một tổ chức hoạt động vì lợi nhuận. Họ đề nghị thành viên mới đăng ký tài khoản Unthink cho phép treo quảng cáo trên trang cá nhân, hoặc phải trả phí 2 USD.
Trạng thái hiện tại của Unthink: Ngừng hoạt động. Từ tháng 8, URL của website này chỉ dẫn tới trang web gần như trống.
3. Google+
Google+ đi vào hoạt động từ năm 2011. Trong những ngày đầu tiên, Google+ được đánh giá là có triển vọng mạnh mẽ, là bước tiến tích cực nhất của Google vào lĩnh vực mạng xã hội và là đối thủ đích thực dành cho Facebook.
Trong khi Google+ có nhiều tính năng tương tự với Facebook, mạng xã hội này khác biệt ở chỗ nó nhấn mạnh quyền bảo mật cá nhân, cộng thêm tính năng “Circles” cho phép người dùng hiển thị bài đăng cho từng nhóm bạn bè nhất định.
Mặc dù nhanh chóng đạt được khởi đầu ấn tượng với 100 triệu người dùng, các số liệu thống kê cho thấy thành viên Google+ ngày càng dành ít thời gian cho mạng xã hội này.
Trạng thái hiện tại của Google+: Vẫn tiếp tục hoạt động.
4. Google Buzz
Trước Google+, Google đã từng thất bại thảm hại với Google Buzz. Trong khi Google+ có nhiều điểm giống Facebook thì Google Buzz giống Twitter hơn. Về cơ bản, đây là một công cụ tiểu blog nhúng trong Gmail, từ đó mỗi thành viên có thể bình luận về trạng thái, video và hình ảnh đăng lên bởi bạn bè trong danh sách liên lạc.
Đây là một ý tưởng hay nhưng tương lai của Google Buzz đã chấm dứt sau những khiếu nại cho rằng Buzz tiết lộ danh sách liên lạc thường xuyên của người dùng Gmail.
Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) buộc tội Google “lừa đảo” người dùng về tính riêng tư của dịch vụ này. Theo phán quyết của FTC, Google phải chịu sự kiểm tra về quyền riêng tư trong vòng 20 năm tiếp theo và phải giải thích rõ ràng cho người dùng bất cứ thay đổi nào về chính sách bảo mật thông tin.
Trạng thái hiện tại: Ngừng hoạt động (Google khai tử Buzz năm 2011, sau khi Google+ ra mắt).
5. Pip.io
Pip.io hoạt động từ năm 2009 như một mạng xã hội được xây dựng trên các mạng xã hội khác. Cụ thể, từ thanh cập nhật của Pip.io, người dùng có thể đăng bài lên Facebook, Twitter hoặc đồng thời cả hai; người dùng cũng có thể gửi tin nhắn trực tiếp cho bạn bè và đăng bài riêng trên Pip.io. Việc tổng hợp mọi thông tin xã hội trên một trang web được cho là ý tưởng tiện lợi, đã từng hứa hẹn đưa Pip.io trở thành một mạng xã hội nổi tiếng.
Trạng thái hiện tại: Ngừng hoạt động từ tháng 05/2012. Nhà sáng lập Leo Shimizu chia sẻ: “Tôi quyết định đóng cửa Pip.io để theo đuổi ước mơ khác”.
6. Anybeat
Anybeat cũng là mạng xã hội có khẩu hiệu “chống Facebook”. Anybeat được thiết kế để mỗi thành viên kết nối nặc danh với những người không quen biết. Chỉ một năm sau ngày đi vào hoạt động, Anybeat đã đóng cửa vào tháng 05/2012. Nhà sáng lập của Anybeat, ông Dmitry Shapiro, chuyển sang làm việc cho Google ở bộ phận phát triển Google+.
Trạng thái hiện tại: Đã đóng cửa.