Bảo mật thông tin cá nhân, trong đó có số điện thoại luôn luôn là một trong những yêu cầu tối quan trọng đối với người sử dụng Internet. Thế nhưng chỉ vì một phút bất cẩn khi tham gia các giao dịch mua bán, hay đăng tải số điện thoại trên các diễn đàn, mạng xã hội, nhiều người đã gặp phải những tình huống dở khóc dở cười, đôi khi dẫn tới hậu quả xấu khôn lường.
Sơ suất nhỏ - Hậu quả khôn lườngThanh Huyền (26 tuổi) - trưởng phòng Nhân sự một công ty truyền thông ở Hà Nội bỗng dưng nhận được nhiều cuộc gọi từ số máy lạ. Thấy số máy gọi tới quá nhiều, nghĩ có việc gì đó quan trọng nên Thanh Huyền tò mò trả lời. Đầu dây bên kia có tiếng đàn ông, hỏi thăm tên tuổi cô rồi đưa ra một lời đề nghị hết sức khiếm nhã.
Chị giật thót người, và có những lời lẽ gay gắt đối với người lạ thì được đáp lại một cách khó chịu
“đã lên mạng tìm trai lại còn vờ vịt”. Tá hỏa với thông tin mình đăng tin trên mạng tìm bạn trai, Huyền truy cập vào Internet và nhanh chóng tìm ra mẩu tin nọ nhờ Google. Rõ ràng, Huyền đã bị ai đó chơi xấu khi đăng tin sai sự thật kèm theo số điện thoại của chị lên Internet.
Huyền chợt nhớ ra vài ngày trước, chị có đăng tin tuyển dụng nhân sự trên website .
..vieclam24h.com kèm theo số điện thoại của mình để các ứng viên liên hệ. Có lẽ đây chính là nguồn gốc của trò đùa tai quái này. Trớ trêu thay, Huyền là dân kinh doanh, nên việc thay số, đổi số là điều không thể cho phép.
Minh Quang- sinh viên năm 4 Đại học Kinh tế Quốc dân cũng là một nạn nhân của việc bất cẩn khi đăng số điện thoại giao dịch trên các website rao vặt. Số di động của cậu cũng thường xuyên bị làm phiền sau một lần duy nhất đăng tin rao bán chiếc iPod cũ trên mạng. Một phút bất cẩn và chủ quan, cậu không thể nào nghĩ tới trường hợp thông tin cá nhân của mình có thể được search một cách dễ dàng trên Internet nhờ vào số điện thoại. Do blog cá nhân đăng khá nhiều hình chụp của Quang kèm theo số điện thoại và điều này chính là mọi nguyên do đưa Quang đến tình huống dở khóc dở cười.
Không chỉ dừng ở việc nhắn tin, gọi điện tán tỉnh, gạ gẫm hay quấy rối, ngày càng nhiều trường hợp những thuê bao di động là đích đến của những cuộc gọi, tin nhắn spam quảng cáo và thậm chí cả những trường hợp lừa đảo chỉ vì khi đăng tin giao dịch trên internet.
Minh Hiếu, sinh viên Đại học Luật Hà Nội rất khó chịu khi gần đây luôn luôn phải nhận những tin nhắn quảng cáo spam. Cậu bức xúc
“Chẳng hiểu sao ở đâu mà lắm tin nhắn quảng cáo gửi tới máy di động của mình đến thế. Mà quảng cáo cái gì đó có ý nghĩa thì còn được chứ ở đây toàn mời tải nhạc chuông, hình nền, cập nhật kết quả xổ số miền Bắc…" Mãi sau này cậu mới biết, việc đăng tin tìm lớp gia sư tràn làn trên các trang rao vặt chính là lí do đưa thuê bao của mình vào tầm ngắm của những tin nhắn spam.
Những nạn nhân là đích đến của tin nhắn spam dạng trên đều có một điểm giống nhau: họ đều bất cẩn khi dùng số SIM chính của mình để đăng tin rao vặt trên mạng. Hiện nay đang có một công việc khá hot là thu thập số điện thoại và thông tin cá nhân của các cá nhân trên Internet và bán lại cho các doanh nghiệp, công ty marketing hay các nhà cung cấp dịch vụ nội dung. Chỉ với vài trăm ngàn, họ có thể sở hữu một file Excel gồm đầy đủ khoảng 1000-2000 thông tin cá nhân chi tiết, số điện thoại liên lạc của khách hàng đã được phân loại theo mục đích quảng cáo.
Sau khi có được file thông tin trên, những công ty marketing hay các nhà cung cấp dịch vụ đã có thể gửi SMS spam đến đúng đối tượng với hiệu quả quảng bá cao, chi phí rẻ. Vì số lượng người tham gia công việc thu thập thông tin trên ngày càng đông đảo, nên việc công khai không chỉ số điện thoại mà cả tên tuổi, địa chỉ, email… của người sử dụng Internet giờ chẳng khác gì “mỡ để miệng mèo”. Vô tình chung, họ đã dâng hai tay cho những đối tượng ngoài ý muốn.
Hãy biết tự bảo vệ mình khi đưa số điện thoại lên Internet!Cho đến thời điểm này, các nhà mạng chưa có một chế tài mạnh tay nào để xử lý các trường hợp lừa đảo hay spam qua di động và vì vậy tệ nạn này mặc sức hoành hành gây khó chịu cho người sử dụng điện thoại di động. Vì thế, người sử dụng Internet chẳng còn cách nào khác là hãy tự bảo vệ mình và phải thật cẩn trọng khi công khai thông tin cá nhân lên mạng.
Tốt nhất người sử dụng nên dùng một sim rác khi đăng tin tìm việc hay mua bán trên các trang rao vặt. Không ai có thể cam đoan thông tin cá nhân của bạn không bị thu thập và bị rao bán cho các tổ chức spam hay thậm chí là nạn nhân của nạn lừa đảo trực tuyến. Những tin nhắn, cuộc gọi này không chỉ nhắm đến trong một thời gian ngắn mà thường sẽ kéo dài, gây khó chịu cho người sử dụng thuê bao vì các diễn đàn, trang mua sắm thường xuyên có chế độ copy tin bài của nhau để tăng lượng rank và traffic.
Bên cạnh đó, người sử dụng Internet sau khi đã bán được hàng, hoặc tìm được việc nên xóa toàn bộ tin rao mà mình đã đăng. Trong rất nhiều trường hợp, mặc dù mục đích của người sử dụng đã đạt được nhưng những tin rao vặt vẫn còn đó, thậm chí còn được copy sang nhiều trang khác nhau. Đó chính là nguyên do khi một thời gian sau nhiều người vẫn nhận được tin nhắn hỏi mua đồ hay mời làm việc với một mức độ dày đặc.
Đa phần người dùng đăng y nguyên số điện thoại cá nhân khi bán hàng hoặc trao đổi online và đây chính là lí do mà Google luôn “ truy tìm” ra được dấu vết của họ. Khi cần phải đăng tin online, hãy kết hợp cả số và chữ, cũng đừng ngại khi phải đọc sai chính tả hay đọc lái đi, vì quan trọng là chúng có được việc không. Ví dụ 0 trín bảy bẩn 2 lăm không… tắm, thử xem khi này Google có lần ra dấu vết của bạn trên Internet không?
Tuy nhiên việc phải để lại số di động một cách tùy tiện trên Internet đôi khi không phải do chủ quan của người dùng mà do chính quy định của các diễn đàn hay các trang rao vặt. Mục đích đưa ra quy định này là tốt nhằm xác nhận tính xác thực của giao dịch hay tránh tình trạng clone, nhưng đôi khi chính việc đưa lên mạng số di động và tên tuổi của mình lại khiến người dùng rước họa vào thân, nhất là khi sự bảo mật thông tin cá nhân trên Internet vẫn còn rất lỏng lẻo.
Ngay cả việc xác nhận mã số khi đăng kí Gmail của Google qua điện thoại hiện nay, dù là với một dịch vụ uy tín như Google cũng là một điều đáng phải lo ngại. Khi này, người sử dụng nên dùng các thông tin phụ, có thể là số SIM “rác”, tên giả và tuyệt đối không đăng tải địa chỉ cá nhân của mình một cách bừa bãi dù cho đó có là một quy định bắt buộc. Chẳng ai có thể biết được thông tin cá nhân của bạn khi này được bảo mật tới đâu, thế nhưng khi thông tin bị rò rỉ, bạn vẫn luôn là những người chịu thiệt.