Trên chặng đường “chinh phục” hơn
600 triệu người sử dụng và kết nối đến hơn 2,5 triệu trang web, đế chế của Mark Zugkerberg đã gặp biết bao khó khăn và thất bại. Facebook đã phải bỏ ra hàng triệu đô la để xoa dịu sự phẫn nộ của người dùng trong những lần “chỉnh sửa” quá tay của mình. Cùng nhìn lại các thất bại lớn nhất của mạng xã hội đình đám nhất thế giới này:
Thất bại với Beacon
Năm 2007 Facebook ra mắt Beacon, một hệ thống tiếp thị hàng hóa trực tuyến nhằm giúp người dùng tiếp cận gần hơn với các hoạt động mua bán trên mạng. Tuy nhiên, Beacon đã xâm phạm quá sâu vào quyền riêng tư của người sử dụng khi theo dõi các hoạt động tài khoản ngay cả lúc chủ nhân đã đăng xuất khỏi mạng cộng đồng.
Người dùng đã tỏ ra rất tức giận và không ngớt lời chỉ trích Facebook khi các hoạt động mua hàng bí mật của họ như nhẫn đính hôn, quà Giáng Sinh bị công bố một cách công khai trên trang cộng đồng.
Sự cố lộ mã nguồn
Chính tháng là tháng 8 năm 2007, đội ngũ nhân viên IT của Facebook đã “vô tình” làm sai cấu hình của một trong các máy chủ web của mình dẫn đến tình trạng lộ mã nguồn trên mạng. Thông tin này đã khiến tín đồ Facebook được một phen hoảng hốt bởi họ cho rằng đó là những đoan mã có thể giúp tin tặc tấn công vào tài khoản người sử dụng.
Facebook đã vá lỗi ngay lập tức, đồng thời xoa dịu người dùng bằng lời giải thích những đoạn mã đó chỉ liên quan đến giao diện và “không thể dùng chúng để can thiệp vào các hoạt động bảo mật”.
Rắc rối khi thay đổi điều khoản dịch vụ
Giao diện đã bị 94% người dùng phản đối kịch liệt.
Trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4/2009, Facebook lại khiến các tín đồ của mình nổi cơn phẫn nộ bởi những thay đổi quá vô lí trong Terms of service (Điều khoản dịch vụ). Người dùng cảm thấy những điều khoản mới giống như một sự đòi quyền sở hữu những nội dung mà họ đăng tải (bao gồm hình ảnh, video, trạng thái…) và đã phản đối kịch liệt.
Cuối cùng, Facebook đã phải…khôi phục lại điều khoản như cũ, buộc phải tạo biểu quyết cho từng điều khoản mà hãng định sửa đổi.
Giao diện bị phản đối kịch liệt
Mỗi lần “cách tân” lại giao diện, Facebook luôn nhận được những lời chê bai, trách móc của người sử dụng về thiết kế mới. Nhưng trong lịch sử tồn tại của mình, chỉ một lần duy nhất hãng đã bị tới 94% người dùng phàn nàn về giao diện vừa mới cập nhật.
Đó là trong tháng 3/2009, khi các tín đồ buộc phải “thét lên” khi nhìn thấy thiết kế mới bởi nó quá… khó coi. Dưới sức ép vô cùng lớn, Facebook đành “chiều lòng” các tín đồ của mình.
Rò rỉ công khai những đoạn chat trên Facebook
Hồi tháng 5/2010, Facebook đã dính phải một lỗi nhỏ: người dùng có thể xem những đoạn chat và lời mời kết bạn của tài khoản khác chỉ sau một cú click chuột. Sự cố này ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới quyền riêng tư của người dùng, bởi tin tặc cũng có thể lợi dụng điều đó để đánh cắp thông tin. Cũng may Facebook đã sớm vá lỗ hổng này trước khi nó trở nên không kiểm soát được.
Tính năng yêu cầu địa chỉ trong ứng dụng
Tháng 1/2011, Facebook đã cho phép các nhà phát triển thứ ba quyền “đòi hỏi” địa chỉ và số điện thoại của người dùng khi họ truy cập ứng dụng. Thay đổi này đã gặp không ít lời phản kháng từ phía người dùng, bởi nó có thể vô tình
tiếp tay cho những hoạt động không minh bạch.
Trên thực tế, có một số lượng nhỏ nhà phát hành đã bán thông tin người dùng cho các nhà tiếp thị nhằm kiếm lợi nhuận. Facebook sau đó đã loại bỏ tùy chọn này, nhưng hãng cho biết sẽ khởi chạy lại trong tương lai với những tính năng bảo mật mạnh mẽ hơn.