Facebook ra mắt từ năm 2004 nhưng mới bắt đầu “nổi” tại Việt Nam trong 3, 4 năm gần đây. Trong khoảng thời gian đó, người dùng Facebook Việt đã vài lần hứng chịu “cú shock” liên quan đến mạng xã hội này.
Giao diện Facebook bị hack
Vấn nạn này đã xuất hiện từ năm 2009. Chỉ cần để ý một chút, người dùng Facebook giao diện Tiếng Việt sẽ thấy đôi lúc những dòng cập nhật hoạt động người dùng chuyển thành cụm từ khác. Đôi khi, các dòng chữ này được đổi thành những câu chữ khá…hài hước. Chẳng hạn đã có lúc, thay vì “A viết lên tường B”, thông báo hiển thị là “A đập đầu vào tường B”.
Khoảng tháng 8/2009, cộng đồng Facebook đã được một cú shock lớn khi trang đăng nhập Facebook chứa đầy thông tin bôi nhọ chương trình diệt virus Bkav. Thậm chí, ở một số trạng thái của người dùng, câu hỏi mặc định “Bạn đang nghĩ gì?” còn bị thay thế bởi những câu nói bôi xấu Bkav.
Những thông điệp như vậy có thể xuất hiện trên giao diện Facebook Việt Nam bởi lẽ giao diện tiếng Việt của Facebook vốn chưa được “kiểm duyệt”. Các thành viên sẽ đóng góp bản dịch, và bản dịch nào có nhiều người chấp nhận nhất sẽ được thông qua. Một số cá nhân nào đó sẽ dễ dàng tạo được các phiếu bầu ảo để bản dịch của họ trở thành mặc định hiển thị đối với tất cả những ai đang dùng phiên bản tiếng Việt của Facebook.
Facebook sẽ đóng cửa ngày 15/3/2011
Khoảng đầu tháng 1/2011, trang thông tin điện tử Weekly world news
đăng một bài viết có tiêu đề “Facebook sẽ đóng cửa vào ngày 15 tháng 3”. Nội dung bài viết đề cập đến việc Mark Zugkerberg quả quyết sẽ cho ngừng hoạt động Facebook để mọi người “phải đi ra ngoài và làm bạn với nhau thực sự”. Thậm chí, trong bài còn đề cập tới việc Avrat Humarthi (phụ trách bộ phận kĩ thuật ở Facebook) khuyên người dùng sao lưu mọi thứ trước khi quá muộn.
Thông tin đó đã khiến cộng đồng mạng trên khắp thế giới phản ứng dữ dội. Bản gốc trên trang Weekly world đã nhận được hơn 3.000 trả lời trong một ngày với các ý kiến trái chiều. Còn ở Việt Nam, nhiều diễn đàn cũng đăng tải và dịch lại bài viết đó.Tất nhiên, cũng giống như trên khắp thế giới, cộng đồng mạng Việt cũng “không thể tin nổi” thông tin quá shock này.
Trước phản ứng quá dữ dội của người dùng, trang tin công nghệ Mashable đã
làm việc trực tiếp với đại diện Facebook để làm rõ thông tin. Trong email hồi âm, Larry Yu (giám đốc bộ phận truyền thông của Facebook) đã khẳng định việc đóng cửa là hoàn toàn sai sự thật. Bởi lẽ mạng xã hội này trước đó đã dự tính biết bao kế hoạch phát triển, hơn nữa tổng giá trị Facebook cũng lên tới hơn 50 tỷ đô. Việc đóng cửa không thể nào xảy ra được.
Hai fanpage đông đúc nhất Facebook Việt biến mất
Hai fanpage đình đám Nhật ký (khoảng 546.000 thành viên) và VietNam Travel (khoảng 284.000 thành viên)
biến mất hồi đầu tháng 5/2011 đã khiến cộng đồng Facebook Việt “tiếc ngẩn tiếc ngơ”. Bởi lẽ Nhật ký là một trang các tín đồ Facebook đã gửi gắm vô vàn tâm sự của mình, còn VietNam Travel là một kho tàng lớn về văn hóa Việt Nam.
Đã có
rất nhiều nghi vấn được đưa ra sau khi hai fanpage này biến mất. Trên thực tế thì chỉ có hai khả năng: hoặc do người sáng lập tự xóa, hoặc do Facebook đã chấm dứt fanpage do vi phạm nội quy. Tuy nhiên, dù có xảy ra một trong hai khả năng đó đi chăng nữa, việc Facebookad (đơn vị chủ quản của 2 page này) tự xóa đứa con cưng của mình hay page vi phạm nội quy cũng là điều không thể tin nổi.
Cho tới hơn 2 tuần sau, mọi chuyện mới được sáng tỏ: hai fanpage đình đám này đã bị hack. Hacker đã chiếm được 3 tài khoản admin của hai page này, sau đó thực hiện hành vi phá hoại khiến Nhật Ký và VietNam Travel bỗng dưng “mất tích”. Cho tới nay sau khi kiến nghị với Facebook, Facebookad đã
đòi lại được công lý cho những đứa con của mình. Nhật Ký và VietNam Travel tiếp tục trở thành sản phẩm tinh thần không thể thiếu cho những tín đồ Facebook Việt.
(Tổng hợp)