Những CEO làm thuê số 1: Thân Trọng Phúc - Cựu CEO Intel Việt Nam (P1)

PV  | 14/01/2012 02:27 PM

Dù đã đầu quân về DFJV 2 năm nhưng giới công nghệ cho rằng “đỉnh” sự nghiệp của Thân Trọng Phúc vẫn là Intel. Điều này dễ hiểu vì chắc ông khó có thể lặp lại câu chuyện Intel lần hai khi đã ngoài 50.

Đó là một Thân Trọng Phúc, người có công lớn đưa nhà máy trị giá 1 tỉ USD của Tập đoàn Intel vào Việt Nam. Đó là một Phạm Phú Ngọc Trai có gần 20 năm lèo lái PepsiCo tại Việt Nam và Đông Dương. Đó là một Vũ Minh Trí từng góp phần không nhỏ đưa thương hiệu Yahoo! vào Việt Nam. Dù đã rời khỏi những thương hiệu toàn cầu Intel, PepsiCo, Yahoo! và có vài năm gắn bó với những công ty mới, song tên tuổi của họ vẫn khó “thoát” ra khỏi những thương hiệu này. Phải chăng, Intel, PepsiCo, Yahoo! đã là những cái đỉnh trong sự nghiệp của các ông Phúc, Trai và Trí?


Thân Trọng Phúc nổi đình nổi đám trong giới kinh doanh khi tên tuổi của ông được gắn với nhà máy trị giá 1 tỉ USD của Intel mà ông có công lớn đưa vào Việt Nam. Ông có 14 năm làm việc với Intel ở Mỹ và gần 10 năm với Intel Việt Nam. Vị trí cao nhất trước khi ông rời Intel là Tổng Giám đốc (CEO) Intel Việt Nam, phụ trách lĩnh vực kinh doanh và marketing. Năm 2009, ông Phúc chính thức rời Intel và về giữ cương vị Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Công nghệ DFJV, thuộc VinaCapital. Ông ví von, đây là Thân Trọng Phúc “phiên bản 2.0” sau “phiên bản 1.0” gắn với cái tên Intel.

Khi lên ngồi ghế CEO Intel Việt Nam, ông nói đó là một may mắn mà không phải ai cũng có được. Tuy nhiên, trong 5 năm đầu sau khi về nước (2000-2005), ông đã cho thấy đó không chỉ là may mắn. Dưới sự điều hành của ông, doanh thu của Intel Việt Nam thời gian đó đã tăng gấp 5 lần, gắn liền với tốc độ phát triển của thị trường máy tính trong nước, thuộc vào hàng tăng trưởng cao nhất của châu Á.

Ngày 28.2.2006, những nỗ lực của bản thân ông Phúc và Intel nhằm đưa Việt Nam vào danh sách các nước có nhà máy của tập đoàn này trên toàn cầu đã được ghi nhận tại Lễ đón nhận giấy phép đầu tư nhà máy lắp ráp và hoàn thiện chip bán dẫn tại Khu Công nghệ cao TP.HCM. Gần 4 năm sau (1.10.2009), ông Phúc quyết định rời Intel để gia nhập Quỹ DFJV với lý do: “Tôi đã làm hết việc cho Intel và đã đến lúc chuyển giao vị trí cho người khác”. Thực tế, ông đã muốn làm điều này trước đó 1 năm và đã tiến cử một số ứng viên. “Nhiệm kỳ của một CEO Intel ở các nước ngoài Mỹ chỉ khoảng 2-3 năm, riêng tôi đến 9 năm đã là một ngoại lệ”, ông nói.


Ngoài những việc đã làm được cho Intel Việt Nam, vị cựu CEO này cho rằng hơn 23 năm gắn bó với Tập đoàn đã giúp ông có được những thuận lợi nhất định trong việc xây dựng mối quan hệ với Chính phủ, đối tác, khách hàng, giới truyền thông và thấu hiểu được việc xây dựng một mô hình kinh doanh từ lý thuyết đến thực tế, cũng như tính minh bạch cao trong mọi hoạt động kinh doanh. “Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn về một mục tiêu lớn còn dang dở ở Intel là đạt tổng doanh thu nội địa 1 tỉ USD. Để làm việc này thì khoảng một nửa hộ gia đình Việt Nam phải được trang bị máy tính, điều chỉ có thể xảy ra sau 1 thập niên nữa”, ông Phúc cho biết.

Ông cho rằng, việc chuyển dịch nhân sự từ các công ty công nghệ sang làm việc cho các quỹ đầu tư mạo hiểm là xu hướng chung hiện nay. Trong vai trò nhà quản lý quỹ, những người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ sẽ có nhiều cơ hội tìm hiểu về cấu trúc của các doanh nghiệp, nhất là ở quy mô vừa và nhỏ, từ đó đưa ra chiến lược đầu tư phù hợp, đảm bảo có lãi. Một lý do nữa là đối tác của Intel chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất phần cứng, phần mềm và phân phối, trong khi tầm hoạt động của DFJV khá rộng. Nhà quản lý quỹ ở DFJV có cơ hội làm việc với các doanh nghiệp khác trong nhiều lĩnh vực như tích hợp giải pháp, sản xuất các thiết bị công nghệ cao, thông tin truyền thông, viễn thông, công nghệ xanh…

Bắt đầu hoạt động từ năm 2006 với số vốn ban đầu hơn 32 triệu USD, Quỹ DFJV đang đầu tư vào 10 công ty trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông như Gapit (dịch vụ trên điện thoại di động), VON (cổng thông tin trực tuyến với 3 website TimNhanh.com.vn, YuMe.vn và KiếmViệc.com), Chicilon Media (quảng cáo ngoài trời), mobizCOM (dịch vụ trên điện thoại di động), Yeah1! TV (kênh truyền hình dành cho thanh thiếu niên)... “Chúng tôi đầu tư 1-2 triệu USD/công ty. Sớm nhất, DFJV có thể bắt đầu bán ra từ năm 2012”, ông cho biết.

Dù đã đầu quân về DFJV được 2 năm nhưng giới công nghệ cho rằng “đỉnh” sự nghiệp của Thân Trọng Phúc vẫn là ở Intel. Điều này cũng dễ hiểu vì chắc ông khó có thể lặp lại câu chuyện Intel lần thứ hai khi đã ở tuổi ngoài 50. “Tôi khá tâm đắc với câu nói của Robert Noyce, sáng lập viên của Intel, là đừng để quá khứ làm vướng bận đến tương lai, mà hãy mạnh dạn tiến lên để tiếp tục tạo nên tương lai tươi sáng hơn”, ông Phúc bộc bạch. Ông định hướng DFJV theo mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm với quy mô nhỏ hơn các quỹ ở Thung lũng Silicon, để sau này Việt Nam có thể có những “mini” Bill Gates, Mark Zuckerberg, Steve Jobs, Michael Dell, Larry Page. “Như vậy, giới trẻ trong nước mới có cơ hội hoàn thành hoài bão của mình, không chỉ là làm giàu mà thực hiện được những ý tưởng có khả năng thay đổi bộ mặt xã hội và kinh tế”.

Dang dở mục tiêu doanh thu 1 tỉ USD

Ông có lấy ai để làm thần tượng cho mình không?

Tôi không gọi họ là thần tượng, mà là những người có ảnh hưởng nhất định trong những ngày đầu của tôi ở Intel. Đó là những lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn như ông John Novitsky, người đã hướng dẫn tôi cách chuẩn bị một bài thuyết trình và trình bày tốt nhất để thuyết phục khách hàng. Tiếp đến là ông Mark Olson, giúp tôi các kỹ năng cơ bản về tiếp thị sản phẩm và sau cùng là Gerry Greeve, người đã cho tôi kiến thức hữu ích về khả năng lãnh đạo, nhưng không làm mất lòng thuộc cấp. Về lĩnh vực tài chính và đầu tư, chính các sếp tại VinaCapital đang giúp tôi lĩnh vực này.

Intel có phải là đỉnh của Thân Trọng Phúc không?

Tôi đang bắt đầu “phiên bản 2.0” với những hoài bão lớn, tôi đang chinh phục và chưa thành công, làm sao gọi công việc trước là đỉnh được?

Vừa rồi, CEO của Facebook là Mark Zuckerberg đến Việt Nam và tạo nên những cơn sốt cho giới trẻ Việt. Ông có ý kiến gì từ sự kiện này?

Mark Zukerberg, Bill Gates, Steve Jobs hay Michael Dell đều là các tỉ phú Mỹ, dù chưa hoàn tất bậc đại học. Lý do đơn giản là họ đã tận dụng được môi trường thuận lợi ở Mỹ về hạ tầng công nghệ, tài chính, vốn… để kinh doanh và thành công lớn. Với giới trẻ Việt, tôi không khuyến khích các bạn bỏ học để thực hiện ước mơ của mình, bởi chúng ta chưa có hạ tầng tốt như Mỹ. Song nếu bạn trẻ nào có ý tưởng hay, thuyết phục, tôi sẽ là một trong những người đầu tiên đầu tư vào dự án đó.

Vậy ông có lời khuyên gì cho giới trẻ Việt Nam yêu thích công nghệ?

Phải biết mơ ước và kỳ vọng vào thành công trong tương lai. Sẽ là khập khiễng nếu so sánh về môi trường phát triển, nhất là trong lĩnh vực công nghệ giữa Việt Nam và Mỹ, nhưng tôi tin 5 năm nữa giới trẻ trong nước sẽ có nhiều cơ hội hơn.

Thời gian rỗi lúc này ông thường làm gì?

Đến phòng tập thể dục mỗi ngày và dành thời gian cho gia đình, nhất là cho cô con gái lên 4 tuổi. Sắp tới tôi sẽ bận rộn hơn vì phải tập trung cho việc huy động quỹ mới.

Theo CafeF
Xem thêm:

internet