Mất 2 tuần mới khắc phục được sự cố đứt cáp quang

PV  - Theo PLXH / PLXH | 21/12/2013 10:55 PM

Sự cố đứt cáp quang biển AAG phân đoạn Vũng Tàu – Hong Kong có thể khiến Internet Việt Nam chậm, chập chờn trong vòng 2 tuần.

Mất 2 tuần mới khắc phục được sự cố đứt cáp quang 1
Đường đi của cáp quang AAG. Ảnh: Vietnam +.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hải – Giám đốc VDC (nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất Việt Nam) cho biết: việc đứt cáp quang AAG khiến cho Internet toàn Việt Nam bị giảm khoảng 40% lưu lượng quốc tế. Với VDC, đường truyền của công ty này cũng bị ảnh hưởng nhưng không lớn vì đã có đường dự phòng SW3 và các tuyến cáp quang đất liền. Đại diện của nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất Việt Nam cho biết, thời gian giải quyết sẽ không nhanh do liên quan đến việc nhiều nước phải cùng nhau phối hợp xử lý sự cố.


Trước đó, các thông tin ban đầu cho rằng, đứt cáp quang biển quốc tế đoạn Vũng Tàu – Hong Kong sẽ làm Internet hướng đi quốc tế ảnh hưởng tới 60%.


Trả lời về thời gian khắc phục sự cố, đại diện của tập đoàn Viettel cho biết, theo kinh nghiệm thì những sự cố đứt cáp quang biển như thế này phải mất khoảng 2 tuần mới khắc phục được hoàn toàn.


Đại diện của Viettel bổ sung, sự cố gây ảnh hưởng 25 - 30% dung lượng của mạng Internet Viettel. Tuy nhiên, ngay sau khi có sự cố, Viettel đã triển khai việc chuyển sang sử dụng dung lượng dự phòng với tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) để kết nối đường truyền sang Hong Kong; và đang bổ sung khoảng 10 Gbps sang Nhật Bản bằng đường cáp quang đất liền. Sau khi hoàn tất, dung lượng thiếu hụt so với ban đầu của mạng Viettel chỉ còn khoảng 15%.


Hơn hai năm trước, ngày 8/3/2011, tuyến cáp quang AAG cũng bị đứt và mất 20 ngày sau thì tuyến cáp này mới được khôi phục.


AAG được khánh thành và đưa vào sử dụng vào tháng 11/2009 với chiều dài hơn 20.000km, dung lượng thiết kế đạt 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Điểm cập bờ ở Việt Nam là ở Vũng Tàu. Ngoài khả năng kết nối Đông Nam Á với Mỹ, AAG còn có thể kết nối đến Australia, Ấn Độ, châu Âu và châu Phi thông qua điểm cập bờ của hệ thống.


(Theo Zing)