Kiểm duyệt internet tại các quốc gia: ai hơn ai kém?

PV  | 18/04/2012 0:00 AM

Việc kiểm duyệt nội dung trên Internet có thể có nhiều hình thức và phạm vi do chính phủ tại mỗi quốc gia tiến hành, hình thức phổ biến là chặn các trang web có các quan điểm chính trị trái ngược hay các trang web khiêu dâm…

Việc kiểm duyệt nội dung trên Internet có thể có nhiều hình thức và phạm vi do chính phủ tại mỗi quốc gia tiến hành, hình thức phổ biến là chặn các trang web có các quan điểm chính trị trái ngược hay các trang web khiêu dâm…


OpenNet Initiative (ONI) là dự án hợp tác giữa nhóm Citizaen Lab thuộc trường Munk – đại học Toronto (một trung tâm nghiên cứu các vấn đề toàn cầu tích hợp với nghiên cứu, giảng dạy và giáo dục công cộng – ND), trung tâm Berkman thuộc đại học Havard chuyên nghiên cứu các vấn đề internet và xã hội cùng với tập đoàn SecDev ở Ottawa.

 Nghiên cứu viên chính của dự án đồng thời là giám đốc Citizen Lab – ông Ronald Deibert cho biết:

"Ngay từ ban đầu và đến giờ vẫn là lý do phổ biến nhất, việc chặn các nội dung khiêu dâm là mục tiêu rộng rãi và hợp lý thường được các nước sử dụng. Hầu hết các nước đang tiến hành kiểm duyệt thông tin internet thường bắt đầu nêu ra một giải thích mơ hồ về các “nội dung không phù hợp”. Tuy nhiên, trong một thập kỉ qua, theo những gì chúng ta đã thấy, các nội dung cần kiểm duyệt ngày một lớn, bao gồm cả các nội dung liên quan đến chính trị, an ninh."

 Đối với mỗi quốc gia, ONI đưa ra bốn loại thông tin cần kiểm duyệt theo bốn cấp độ khác nhau, từ “không có dấu hiệu bị kiểm duyệt” (no evidence) đến “kiểm duyệt gần như tuyệt đối” (pervasive) như sau:

 -        Các nội dung chính trị chống lại chính phủ hoặc các chính sách hiện hành, cũng có thể liên quan đến nhân quyền, tự do ngôn luận, quyền dân tộc thiểu số hay các mâu thuẫn tôn giáo.

-         Các nội dung liên quan đến vấn đề xã hội tác động đến phần đông dân số nói chung, ví dụ như ma túy, cờ bạc, tình dục…

-         Xung đột/an ninh: liên quan đến xung đột vũ trang, tranh chấp biên giới, các nhóm chiến binh và phong trào ly khai.

-         Các công cụ internet: công cụ cho phép người dùng giao tiếp với người khác, vượt qua hệ thống kiểm duyệt hoặc không được cung cấp dịch vụ (bị chặn).
 


Theo dữ liệu của ONI, Iran là quốc gia được xếp hạng thấp nhất, với mức độ “pervasive” (kiểm duyệt gần như tuyệt đối) trong danh mục các nội dung chính trị, xã hội, công cụ internet và mức độ "substantial" (kiểm duyệt đáng kể) cho nội dung xung đột/an ninh. Theo đánh giá năm 2011, hệ thống kiểm duyệt của Iran vào mức “cao” nhưng tính minh bạch chỉ ở mức “trung bình”.

Thậm chí ngay cả lãnh đạo quốc gia cũng không thoát khỏi danh sách đen bị kiểm duyệt – một báo cáo vào tháng 2 cho thấy các trang web tin tức hỗ trợ tổng thống Ahmadinejad trước cuộc bầu cử Quốc hội tháng 3 cũng bị chặn. Tệ hơn nữa, Iran còn đang đề xuất một hệ thống internet quốc gia, tăng sự kìm kẹp của chính phủ lên các kết nối cá nhân và hạn chế người dùng nước ngoài truy cập vào các trang web của Iran. Ngoài ra, người dùng cũng bị yêu cầu phải cung cấp chi tiết thông tin cá nhân, kể cả nếu họ có dùng internet tại nơi công cộng.

Sau Iran là Trung Quốc, trong đó mức độ "pervasive" được dành cho các nội dung chính trị và xung đột/an ninh, còn "substantial" cho các nội dung xã hội và công cụ internet. Ngoài ra, Trung Quốc còn có điểm số minh bạch thấp hơn so với Iran. Ngày 12 tháng 4 vừa qua, người dùng internet Trung Quốc còn bị chặn hoàn toàn truy cập tới các website nước ngoài, có thể là do cái được gọi là “siêu tường lửa” (great firewall).


“Nghiên cứu của chúng tôi đã xác định được rằng, nhiều công ty công nghệ - đặc biệt là các công ty thuộc Thung lũng Silicon đã cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho các chế độ vi phạm nhân quyền. Thị trường các loại công nghệ được sử dụng để thực hiện việc kiểm duyệt, kiểm soát ngày càng tinh vi hơn.” – Deibert nói.


Tuy nhiên, Deibert cũng cảm thấy rằng chính phủ đang đi từ một danh sách đen với rất nhiều  website sang cái mà ONI gọi là “thế hệ kiểm duyệt tiếp theo”, bao gồm việc giám sát mục tiêu và kiểm duyệt “tùy thời điểm”, hoặc chỉ kiểm duyệt tạm thời khi nội dung có giá trị, ví dụ như thời gian trong cuộc bầu cử. “Chúng tôi nhận thấy xu hướng đi từ kiểm duyệt internet theo cách truyền thống sang thế hệ tiếp theo” – ông nói – “Tương lai sẽ không còn sử dụng những cách giống như Iran đang thực hiện nữa.”

 


Tham khảo: ONI