Khi quyết định mua lại hay bán đi một tài sản giá trị lớn nào đó, bạn cần phải cân nhắc hết sức kĩ càng bởi đó không phải là một công việc đơn giản như khi bạn đến siêu thị lựa đồ “sale-off”, hay mang hàng hóa của gia đình tự sản xuất được ra chợ bán. Nhiệm vụ sẽ càng khó khăn hơn gấp bội khi đối tượng giao dịch lúc này của bạn là một website – một trang web có lượng truy cập cao cùng nguồn doanh thu quảng cáo lớn và béo bở. Nếu bạn đang quyết định tham gia vào thương vụ này, hãy nhớ rằng, mua/bán một website chẳng khác gì việc bạn lựa chọn và mua cho mình một căn chung cư để ở cả.
Bạn không thể bắt đầu khám phá ra những vết nứt và khiếm khuyết trong ngôi nhà trước khi bạn chuyển đồ tới và ngày ngày đối mặt với chúng cả. Cho dù trang web mà bạn đang mua trị giá vỏn vẹn 500 USD hay có thể lên tới 5 triệu USD, bạn vẫn nên cẩn trọng khi bước vào giao dịch chính thức. Hãy luôn nhớ kĩ rằng, mua/ bán một website chính là việc tiền đang chảy ra/ chảy vào túi bạn. Đừng khiến cho số tiền bị đổ xuống sống xuống bể; để rồi về sau nhìn lại, bạn lại phải hối tiếc và thốt lên “Gía như mình đừng….”.
Trong giao dịch này, người bán cần thực hiện tốt vai trò của một người quản lí khi giữ cho trang web luôn hoạt động bình thường trong quá trình rao bán và đi kèm với nó là một bản trình bày rõ ràng, súc tích về nội dung, hoạt động, định hướng, mục tiêu...; tóm lại là tất cả những gì về website có thể khiến người mua chú ý ngay khi họ vừa đọc qua. Còn nếu là một người đang trên hành trình đi tìm mua một website cho mình/ doanh nghiệp mình, bạn cần đảm bảo chắc chắn rằng mình có đủ thông tin cần thiết về website đang nhắm tới. Hãy theo đuổi thương vụ tới cùng; bởi nếu sớm từ bỏ, bạn sẽ phải hối hận vì đã để “quả trứng vàng” của mình rơi vào tay người khác.
Bên cạnh đó, những lời khuyên và thủ thuật nhỏ dưới đây cũng sẽ giúp bạn thêm trong việc xác định những vấn đề then chốt trước và sau khi thương vụ mua bán này được tiến hành.
Sử dụng dịch vụ bảo lãnh
Hãy luôn luôn nhớ tới dịch vụ bảo lãnh (escrow service) khi việc chuyển giao quyền sở hữu website và tên miền được tiến hành. Bảo lãnh là cách an toàn và dễ dàng nhất để bảo vệ quyền lợi cho cả bên bán và bên mua – người mua có thể kiểm tra website trước khi xuất tiền giao cho bên bán và người bán dùng nó để chắc chắn rằng bên mua có khả năng thanh toán đầy đủ tiền cho mình. Riêng tại Mỹ, Euscrow.com là một trong những trang web lớn được Chính phủ cấp phép hoạt động có khả năng thực hiện tốt dịch vụ kể trên.
Nếu thương vụ mua bán của bạn được thực hiện trên eBay hay những trang web bán đấu giá không có dịch vụ bảo lãnh khác; bạn có thể gặp rủi ro cao khi thực hiện giao dịch với những kẻ lừa đảo xuất hiện nhan nhản trên Internet, những kẻ bịp bợm sử dụng thẻ tín dụng giả mạo, không đủ tiền để thanh toán cho website hay thậm chí là với những người “chém gió”, thổi phồng quá mức về sản phẩm mà họ mang ra giao dịch. Khi tranh chấp xảy ra, quá trình giải quyết sẽ trở thành một mớ hỗn độn, phức tạp hơn so với thông thường. Đừng cố tiết kiệm chút tiền khi không thực hiện dịch vụ này; để rồi về sau bạn lại phải mất ngủ nhiều đêm vì những nỗi lo xung quanh sản phẩm mà bạn vừa giao dịch.
Hãy nghiên cứu kĩ
Hãy cố tìm kiếm những gì đã bị thổi phồng, phóng đại về website và những gì đã bị bỏ qua. Bên cạnh đó, đừng quên kiểm tra trên thực tế những điều khoản trong bản thỏa thuận hay báo cáo thống kê về website mà người mua hay người bán cung cấp cho bạn trước khi thương vụ được tiến hành. Những thông tin mà bạn cần nắm được chủ yếu xoay quanh các số liệu thống kê chi tiết và báo cáo phân tích về website. Đừng bỏ quên khoản mục doanh thu trung bình của site – điều cốt lõi khiến bạn có thể gật đầu đồng ý mua ngay khi thấy con số này lớn hơn con số mong đợi từ trước của bạn.
Hãy chú ý tới một nguyên tắc nhỏ - nhưng quan trọng: Mức giá yêu cầu càng cao, thông tin và tài liệu về site đi kèm càng cần được cung cấp chi tiết, rõ ràng và cụ thể. Những con số này cần được xác minh một cách cẩn trọng thông qua Alexa, Google Analytics hay một tổ chức kiểm tra chuyên nghiệp tùy thuộc vào quy mô của trang. Nếu đối tác “quên” cung cấp, đừng ngại ngần yêu cầu bởi đó chính là một trong những nghĩa vụ mà họ phải thực hiện với bạn.
Đối tượng chính của giao dịch
Chính là website. Vì vậy, hãy quan tâm chủ yếu đến thông tin về website và đừng quan tâm tới những thông tin “hào nhoáng” liên quan mà người bán hay người mua cung cấp thêm nhằm “đánh lạc hướng" bạn. Khi bạn quyết định mua một website thương mại điện tử từ một công ty A, đừng bị đánh lừa bởi giá cổ phiếu đầy triển vọng của công ty đó. Bạn đang mua website, chứ không mua công ty; bởi vậy đừng quá chú tâm tới những thông tin nhiễu bên lề! Chẳng có gì đảm bảo với bạn rằng công ty hoạt động tốt thì website mà họ chuyển nhượng cho bạn đã từng và trong tương lai sẽ “ăn nên làm ra” cả.
Hơn nữa, cần phải tự hỏi chính mình: Liệu sau khi thay đổi chủ sở hữu, tên miền mình vừa giao dịch có chắc chắn còn duy trì được sự thành công như nó đã từng đạt được dưới thời của người chủ cũ? Bởi sức sống và tên tuổi của một website còn phụ thuộc vào năng lực người lãnh đạo, điều hành site với những chiến lược, quyết định phù hợp. Vì thế, đừng ngạc nhiên khi có những trang web từng rất thành công; nhưng khi thay đổi đơn vị chủ quản thì sa sút dần và ngậm ngùi rút lui trong yên lặng. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như Internet, mọi chuyện đều có khả năng xảy ra.
Hãy mềm mỏng khi xảy ra tranh chấp
Nếu giao dịch giữa bạn và đối tác xảy ra tranh chấp và cần nhờ tới sự giúp đỡ của trọng tài thương mại; trước hết, cần giữ thái độ tôn trọng với đối tác của bạn. Sau đó, hãy bắt đầu ngồi lại và làm việc với nhau trên tinh thần “fair-play” nhất có thể thông qua một bên trung gian. Đừng “ném đá”, trút giận lên đối tác trong thương vụ của bạn qua những bức email dài hay những cuộc trao đổi gay gắt qua điện thoại. Tóm lại, đừng liên lạc trực tiếp với họ nếu chưa được sự đồng ý của bên trung gian được cả bạn và đối tác ủy thác giải quyết. Nếu quá nôn nóng, bạn sẽ thực hiện những điều không có lợi cho chính bản thân mình; hay nói đúng hơn là cho chính “hầu bao” của mình.
Thành lập, nuôi lớn và bán đi và mua lại một website khác để kiếm lời không phải là một hình thức, xu hướng quá mới mẻ trên Internet. Với sự phát triển của công nghệ, hình thức kinh doanh này cũng ngày càng đa dạng và phong phú hơn; tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho cả hai bên tham gia thương vụ. Một người mua website của bạn với một mức giá cực kì hời, tuy nhiên chẳng có gì đảm bảo sẽ thanh toán đủ tiền cho bạn cả. Bạn cũng có thể mua lại một website khá thành công; nhưng dưới bàn tay quản lí của bạn, website hoạt động cầm chừng, èo uột chờ ngày đóng cửa vì thua lỗ. Mọi chuyện đều có thể xảy ra. Nếu bạn muốn thành công trong lĩnh vực đầy mạo hiểm này, bạn cần chắc chắn một điều rằng, mình không chỉ là một kỹ sư công nghệ tài năng, mà còn là một chuyên gia kinh tế, một nhà quản trị có tầm nhìn xa trông rộng.
Tham khảo: Mashable Business